Từ dupe đến “đầm lầy” hàng nhái

11/06/2023 - 07:02

PNO - Sự phát triển của các nền tảng bán hàng trực tuyến, mà gần đây nhất là TikTok Shop, đã vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

 

Một trong những “nạn nhân” lớn nhất của nó chính là bản dupe. Nếu ban đầu, dupe chỉ phổ biến trong ngành hàng nước hoa, mỹ phẩm thì nay, người tiêu dùng có thể bắt gặp sản phẩm dupe trong nhiều lĩnh vực, thậm chí cả thực phẩm.

Một số bản dupe nước hoa được đánh giá cao
Một số bản dupe nước hoa được đánh giá cao

Từ dupe thật đến dupe... giả 

Dupe (viết tắt của duplica) nghĩa là bản sao, lựa chọn thay thế rẻ hơn của 1 sản phẩm cao cấp với chất lượng tương đương, từ nguyên liệu, màu sắc, hiệu ứng cho đến bao bì. Dupe không giống với “fake” (hàng giả) - những sản phẩm được sản xuất đại trà và có nguồn nguyên liệu giá rẻ, ăn cắp hoàn toàn ý tưởng của bản chính. Những sản phẩm dupe được sản xuất từ những thương hiệu uy tín và được xem là sự lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng.

1 thỏi son, 1 chai nước hoa có màu sắc, kết cấu, mùi hương một chín một mười với các thương hiệu danh tiếng nhưng giá tiền chỉ khoảng 1/4 so với thương hiệu gốc có vẻ sẽ được chọn mua nhiều hơn vì giá cả hợp túi tiền của số đông và vì số lượng giới hạn của bản chính vốn không dành cho quá nhiều người.

Thoạt đầu, sản phẩm dupe xuất hiện trong ngành mỹ phẩm vào những năm 2000 với ý nghĩa vô cùng tích cực. Thời điểm đó, việc tìm một dòng nước hoa, một loại phấn mắt hoặc một mẫu son phiên bản giới hạn hay phiên bản không còn được hãng sản xuất nữa là điều không thể. Dupe giúp lấp khoảng trống đó, để người tiêu dùng có thể hoài niệm về một sản phẩm yêu thích. Dần dà, bản dupe trở nên phổ biến hơn như cách hiểu đầu bài viết đề cập, đặc biệt trong giai đoạn suy thoái kinh tế. 

Một số “bản sao mùi hương” của ZARA  được nhận xét có mùi giống với bản gốc  một cách đáng ngạc nhiên
Một số “bản sao mùi hương” của ZARA được nhận xét có mùi giống với bản gốc một cách đáng ngạc nhiên

Nói một cách dễ hiểu, thay vì chờ đợi, săn lùng Liquid Matte Lipstick - thỏi son luôn trong tình trạng cháy hàng của Kylie Cosmetics - bạn có thể mua những thỏi Lingerie của thương hiệu N.Y.X với bảng màu tương thích, kết cấu mịn lì gần giống và giá tiền chỉ bằng 1/4.

Cùng với sự bùng nổ của làn sóng hướng dẫn làm đẹp trên YouTube vào khoảng năm 2010, các youtuber này cũng tạo ra nhiều video gợi ý các sản phẩm dupe đi kèm. 5 năm sau đó, bản dupe của một chiếc quần leggings xuất hiện, trở thành mặt hàng phi mỹ phẩm dupe đầu tiên phổ biến.

Ngày nay, dupe không chỉ dừng chân ở ngành làm đẹp mà bắt đầu lấn sang các lĩnh vực khác, gồm thời trang, thiết bị điện tử và cả thực phẩm. Cùng với sự phát triển của TikTok Shop, dupe ngày càng trở nên “biến dạng” khiến người yêu các bản dupe sa vào đầm lầy của hàng nhái, hàng kém chất lượng, đến mức phải cay đắng thốt lên: “Chìm đắm trong thế giới dupe trên TikTok Shop, bạn có thể mua được bất kỳ thứ gì, ngoại trừ hàng thật”.

Dupe đang bị lạm dụng 

Phấn má hồng Sephora Collection Blush  in Over the Moon (phải) là bản dupe của  Dior Backstage Rosy Glow Blush in Pink (trái),  có giá chỉ khoảng 1/3 so với bản gốc
Phấn má hồng Sephora Collection Blush in Over the Moon (phải) là bản dupe của Dior Backstage Rosy Glow Blush in Pink (trái), có giá chỉ khoảng 1/3 so với bản gốc

Theo tờ The Cut, trước đây, tại các nền tảng bán hàng trực tuyến, người mua có thể dễ dàng tìm kiếm sản phẩm dupe và đề xuất những sản phẩm dupe nghiêm túc. Tuy nhiên, khi TikTok Shop bắt đầu tối ưu hóa quy trình bán hàng và đưa sản phẩm tiếp cận người dùng bằng các thẻ tag bắt đầu bằng ký hiệu #, hàng loạt biến thể của dupe như: doupe, doup hay doop xuất hiện theo các video dạng ngắn, thu hút hàng tỉ lượt xem, yêu thích, bình luận. 

Những người có sức ảnh hưởng (Key Opinion Consumer - KOC) với lượng người theo dõi khổng lồ sẵn sàng đề xuất những sản phẩm dupe kém chất lượng trong mọi danh mục sản phẩm khiến người xem mắc lừa. Khi sản phẩm dupe lừa đảo được quảng bá rộng rãi, người mua rơi vào ma trận hàng nhái, hàng dupe giả khiến các bản dupe thật bị lu mờ trước cơn sóng thần của hàng nhái.

Thử lướt qua thẻ tag bắt đầu bằng ký hiệu # trên TikTok, dễ dàng nhận thấy các sản phẩm nhái có giá hiếm khi vượt quá 100 USD. Các sản phẩm nhái phổ biến nhất thường sao chép từ các thương hiệu tầm trung như Skims, Aritzia, Lululemon, UGG… Một ngành công nghiệp nhỏ gồm các sản phẩm giống nhau được sản xuất hàng loạt và được bán ở mọi nền tảng với nhiều mức giá. Chẳng hạn, dép UGG được bán tại Amazon có giá 70 USD, tại Walmart là 20 USD và trên trang thương mại điện tử AliExpress là 12 USD. Nhiều mặt hàng bình dân như miếng bọt biển hay giấy vệ sinh cũng được làm giả. Trên TikTok còn có cả một thế giới riêng dành cho bản dupe của thức ăn nhanh.

Liquid Matte Lipstick - thỏi son luôn cháy hàng của Kylie Cosmetics (trên) - và bản dupe hoàn hảo của nó - Lingerie của thương hiệu N.Y.X (dưới)
Liquid Matte Lipstick - thỏi son luôn cháy hàng của Kylie Cosmetics (trên) - và bản dupe hoàn hảo của nó - Lingerie của thương hiệu N.Y.X (dưới)

Nói một cách dễ hình dung, dupe là bản sao của xa xỉ nhưng giờ đây, sau dupe còn có những bản dupe thế hệ F1, F2, F3… Shein là dupe của Zara. Zara là dupe của Aritzia. Aritzia là dupe của Jenni Kayne. Jenni Kayne là dupe của Khaite. Khoảng cách giữa các sản phẩm của Shein và Khaite xa vời vợi.

Để tìm được một bản dupe tốt, dupe thật, nhiều “chuyên gia” săn dupe tại Mỹ khuyên người mua sử dụng chức năng tìm kiếm ngược từ hình ảnh của sản phẩm thật trên các nền tảng ASOS, Zara, Amazon… thay vì tin vào các KOC. Tất nhiên điều này đòi hỏi người mua tốn khá nhiều thời gian và cần tỉnh táo trước vô vàn lời chào mời hấp dẫn.

Khi thương hiệu danh tiếng nhảy vào cuộc chơi 

Hiện tại, nhiều thương hiệu cũng tận dụng làn sóng dupe để tạo ra các bản dupe của một thương hiệu khác. Gần đây, L’Oréal đã mời các KOC song sinh quảng cáo cho một loại dầu gội - bản dupe cao cấp trông giống một sản phẩm đến từ thương hiệu Olapplex.

Vào tháng Một năm nay, kênh TikTok của chuỗi siêu thị Whole Foods đăng 1 video ngắn kèm tag #DupeAlert để quảng bá các sản phẩm dupe của món snack đang có tại siêu thị, gồm phiên bản hữu cơ, không chứa gluten từ các thương hiệu Oreos, Coca-Cola và Cheez-Its. Tháng trước, hãng Lululemon mời khách hàng tham gia “cuộc hoán đổi kép”, nơi họ có thể đổi những chiếc quần leggings dupe lấy những chiếc leggings thật. Giám đốc thương hiệu của Lululemon nói với CNN rằng họ xem đó là một cách thú vị nhằm hướng khách hàng quan tâm đến sản phẩm gốc.

Người tiêu dùng có thể đổi những chiếc quần leggings dupe lấy những chiếc leggings thật (ảnh) từ thương hiệu Lululemon
Người tiêu dùng có thể đổi những chiếc quần leggings dupe lấy những chiếc leggings thật (ảnh) từ thương hiệu Lululemon

“Nhìn chung, mọi người đang dần phát ngán với dupe” - một người dùng TikTok cho hay. Một phong trào “chống dupe” vừa xuất hiện trên TikTok. Một số cá nhân có sức ảnh hưởng đang ra sức kêu gọi người tiêu dùng chỉ nên mua những sản phẩm gốc. 


Thư Hiên - Ảnh: Internet

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI