Từ đứa trẻ đỏ hỏn trước cổng chùa, đến ước mơ thành nữ chính trị gia

19/08/2017 - 18:55

PNO - ‘Em muốn trở thành một chính trị gia’, câu nói của nữ sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong - cô bé bị bỏ rơi trước cổng chùa khi mới 4 tháng tuổi khiến cả hội trường vỗ tay.

Câu chuyện của nữ sinh Dương Ngọc Tiểu Minh (lớp 10, Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) như bản nhạc trầm bổng về cuộc đời, học tập và ước mơ. 15 năm trước, giữa đêm khuya, sư cô Thích nữ Nhật Thành, trụ trì chùa Vĩnh Xương bị đánh thức bởi tiếng khóc xé lòng của đứa trẻ chỉ hơn 4 tháng tuổi. Thương đứa trẻ còn đỏ hỏn phải chịu cảnh cút côi, sư cô mang em vào chùa nuôi dưỡng.

Tiểu Minh lớn lên từng ngày như cỏ dại bên đường, càng mưa gió bão bùng, mầm non càng đâm chồi mãnh liệt. Tưởng chừng Tiểu Minh hay cười, hay nói, sống giữa tình yêu thương được các cô bù đắp sẽ không quá buồn phiền khi mẹ cha không biết nơi đâu. 

Tu dua tre do hon truoc cong chua, den uoc mo thanh nu chinh tri gia
Tiểu Minh chia sẻ trong lễ trao học bổng "Nữ sinh hiếu học, vượt khó" lần thứ 27 của Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức sáng 19/8

Đến tuổi đi học, Tiểu Minh bắt đầu thắc mắc vì sao em không có mẹ, cha em ở đâu, hai người có đi tìm em không. Tiểu Minh không biết hình dung dáng vóc của họ như thế nào. Em mãi suy nghĩ về cha mẹ, nhưng không nói ra. Rồi một ngày, mọi thứ vỡ òa khi Tiểu Minh học bài học về gia đình.

Mang những u uất, tủi hờn vì bạn bè trêu ghẹo, Tiểu Minh ôm lấy sư cô òa khóc đòi cha, đòi mẹ. Biết không thể giấu em được mãi, sư cô phải kể rõ ngọn ngành. Là một cô bé lanh lợi, Tiểu Minh hiểu được sự khác biệt giữa gia đình của em và gia đình bè bạn. Em cố gắng học để sư cô yên lòng, tuy đôi lúc tự hỏi cha mẹ mình hiện giờ ở đâu, có còn nhớ đến con bé khóc ngằn ngặt trước cổng chùa.

Tiểu Minh khoe, em cũng có một gia đình. Sau em, bằng cách này hay cách khác, 6 đứa trẻ nhỏ lần lượt được gửi đến chùa. Tiểu Minh hiển nhiên trở thành chị cả, trách nhiệm, yêu thương dần hình thành mơ ước trở thành một nữ chính trị gia trong em. Tiểu Minh lên kế hoạch cho ước mơ của mình.

Tu dua tre do hon truoc cong chua, den uoc mo thanh nu chinh tri gia
Cô gái đầy bản lĩnh, tự tin khi nói về ước mơ của mình: "Em muốn trở thành một chính trị gia"

“Nhờ tình cảm của các cô, các em, em đã tìm thấy sự yêu thương chính trong nỗi đau của mình. Em muốn giúp đỡ mọi người, theo cách mà em đang được nhận. Cuộc sống còn rất nhiều em nhỏ như em, nhưng có thể chúng ta chưa tiếp cận được. Trở thành một chính trị gia, em có thể quan sát xa hơn, rộng hơn nữa, như vậy mới giúp được họ nhiều hơn”, Tiểu Minh nói.

Để thực hiện ước mơ của mình, Tiểu Minh luôn phấn đấu 9 năm liền là học sinh giỏi toàn diện. Đặc biệt, năm lớp 9, không chỉ thi đậu vào Trường chuyên Lê Hồng Phong, Tiểu Minh còn đạt giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi tiếng Nhật cấp thành phố. Tiểu Minh càng khiến những nữ sinh khác hâm mộ, vì em cho rằng sau khi tốt nghiệp 12, em sẽ đăng ký vào nghĩa vụ quân sự. Đó sẽ là bước đi đầu tiên trong kế hoạch của Tiểu Minh.

Tu dua tre do hon truoc cong chua, den uoc mo thanh nu chinh tri gia
Sự quyết đoán của Tiểu Minh khiến nhiều nữ sinh khác thán phục

Ngồi bên cạnh Tiểu Minh, cô bé Phạm Nguyễn Quế Trân (học lớp 7 trường THCS Tam Bình, quận Thủ Đức) luôn mỉm cười khâm phục. Bé Trân dáng người nhỏ thó nhưng nghị lực trong em thật phi thường. Cách đây 4 năm, ba của em mất trong một tai nạn lao động, mẹ làm tạp vụ nuôi bà nội trên 80 tuổi và hai chị em Trân.

Tưởng rằng cuộc sống của em bình yên, không ngờ tai nạn giao thông đầu năm 2016 khiến người mẹ nghèo khó phải đi lại bằng đôi nạng gỗ, mất sức lao động khiến cả nhà Trân lao đao. Xót mẹ, xót bà, Trân thường học bài ngay trên lớp, toàn thời gian ở nhà, em và chị cùng giúp mẹ làm đồ gia công, chăm sóc bà, lẫn những việc lặt vặt trong nhà.

Trân xúc động: “Từ khi làm việc nhà, em mới thấy nỗi vất vả của mẹ. Em không ngờ công việc đó lại tốn nhiều thời gian và công sức như vậy. Nhưng em sẽ không bỏ học, em sẽ cố gắng hơn nữa để được đến trường. Em muốn trở thành bác sĩ, làm bác sĩ em mới sớm trị được bệnh cho mẹ, biết cách chăm sóc bà, và chữa bệnh cho những người khác”.

Tu dua tre do hon truoc cong chua, den uoc mo thanh nu chinh tri gia
Từ khi mẹ bệnh, ước mơ trở thành bác sĩ càng thôi thúc Quế Trân học thật tốt để sớm trở thành bác sĩ.

Ngồi nhìn các bạn chạy giỡn, bé Ông Mỹ Uyên (lớp 6 trường THCS Đoàn Thị Điểm) chốc chốc lại cười buồn. Mắc bệnh xương thủy tinh, nhiều lần phải trải qua đau đớn vì mổ ghép xương, Mỹ Uyên vẫn không quá lo ngại. Nhưng hai lần gãy chân, phải bỏ học giữa chừng để trị bệnh, Mỹ Uyên dần ý thức hơn về sự vận động của mình.

Em bộc bạch: “Lẽ ra bây giờ em phải học lớp 7 mới đúng, nhưng vì khi đang học, em bị ngã gãy nguyên phần xương đùi, gần nửa năm em không ngồi được nên phải lưu lại một năm.

Năm lớp 3 em cũng bị gãy xương, rồi thêm vài lần nữa, cứ mỗi lần gãy xương lại phải nghỉ học vài tháng, em sợ mình không bằng các bạn nên ít ra ngoài hơn, không dám xuống sân trường nữa”.

Tu dua tre do hon truoc cong chua, den uoc mo thanh nu chinh tri gia
"Em thích làm hướng dẫn viên du lịch, nhưng với bệnh của mình, em sẽ trở thành kỹ sư máy tính cho phù hợp", bé Mỹ Uyên nói.

Tuy vậy, 5 năm liền của cấp tiểu học, với những lần ra vào bệnh viện băng bột vì gãy xương, Mỹ Uyên vẫn luôn phấn đấu đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lên lớp 6, Mỹ Uyên càng cố gắng hơn nữa để trở thành kỹ sư máy tính.

Em tâm sự: “Đó không phải công việc mà em mơ ước, nhưng với bệnh của mình, có thể ngành đó phù hợp với em hơn. Ước mơ lớn nhất của em là trở thành hướng dẫn viên du lịch, em thích ra ngoài, thích trò chuyện, tiếp xúc nhiều người. Nhưng hiện tại chân em yếu đi nhiều, em sợ mình té ngã rồi lại không được đến trường, nên thôi”.

Cầm trên tay suất học bổng Báo Phụ Nữ TP.HCM trao tặng, các em nở nụ cười thật tươi, tràn đầy hy vọng và niềm tin trong chặng đường sắp tới. Những nỗ lực, ý chí, khát khao vươn lên này vẫn được lắng nghe, chia sẻ và đồng hành.

Tu dua tre do hon truoc cong chua, den uoc mo thanh nu chinh tri gia
Bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM cho biết: "Tôi chắc chắn rằng, hạt mầm nhân ái của Báo Phụ Nữ TP.HCM và nhà tài trợ sẽ tiếp tục nảy mầm để giúp các bạn trở thành những bông hoa xinh đẹp nhất".

Trong một bức thư cảm ơn Báo Phụ Nữ, Tiểu Minh viết: “Chùa nghèo, sư cô nuôi 7 đứa tụi con ăn học thực sự rất khó khăn. 4 năm trước, khi lần đầu tiên nhận được học bổng của Báo Phụ Nữ, con có thêm rất nhiều động lực. Từ đó, con luôn cố gắng học thật tốt để giữ được học bổng này. Suất học bổng với người khác có thể là nhỏ nhoi, nhưng với con thật sự vô cùng quý giá. 

Con là một đứa trẻ không cha không mẹ. Sư cô nói chỉ có thể nuôi con khôn lớn, chứ không thể giúp con thay đổi cuộc đời. Báo Phụ Nữ đang giúp con làm điều đó. Con đang thực hiện ước mơ trở thành một chính trị gia để có thể giúp đỡ mọi người”.

Tiếp sức cho nghị lực, niềm tin vững vàng đó, Báo Phụ Nữ TP.HCM cùng nhà tài trợ đã trao tặng 600 suất học bổng cho nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực vươn lên để đạt kết quả tốt trong học tập.

Mỗi suất học bổng bao gồm tiền mặt (1,5 triệu đồng/suất đối với nữ sinh bậc tiểu học; 2 triệu đồng/suất bậc THCS; 2,5 triệu đồng/suất với bậc THPT), áo dài, đồng phục học sinh, xe đạp, tập sách, bánh, sữa,… với tổng trị giá 1,5 tỷ đồng.

Chương trình học bổng "Nữ sinh hiếu học vượt khó" của Báo Phụ Nữ TP.HCM đã bước sang năm thứ 27. Chương trình đã trao hơn 6.500 suất học bổng với tổng trị giá khoảng 8 tỷ đồng. Rất nhiều nữ sinh từng nhận học bổng đã tốt nghiệp đại học, có việc làm dần ổn định cuộc sống và chăm lo cho gia đình, người thân.

Phạm An
Ảnh: Minh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI