Tự do trong hôn nhân: Sự tự do vừa vặn

02/06/2024 - 14:59

PNO - Khi nhìn lại những tấm ảnh vị tu sĩ chân trần xuyên Việt với làn da của nắng gió, không bất an, không muộn phiền, không đau khổ, cảm xúc tích cực lớn nhất tự do đem lại là thấy mình được chủ động hạnh phúc, được tin cậy. Hôn nhân hay độc thân, sống chung hay chỉ riêng một mình, khi nào bạn còn tương tác với mọi người, có một cuộc sống còn liên quan đến nhiều người khác thì tự do vẫn luôn là khái niệm được định nghĩa không chỉ với riêng bạn.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

“Chỉ khi bước vào hôn nhân mới hiểu hết ý nghĩa của tự do” hoặc “Chẳng dại gì đánh đổi tự do lấy một anh/cô nào cho mệt”… là quan niệm phổ biến mà nhiều người dựa vào đó để quyết định tình trạng cuộc sống của bản thân. Nhưng thực tế là ta chẳng cần hy sinh tự do để đổi lấy một gia đình hạnh phúc.

Mất tự do, quen miệng thì cứ kêu thế thôi!

Một bà mẹ 2 con than thở lấy chồng rồi chẳng còn được tự do, muốn gì làm nấy dù ông chồng rất chiều vợ, rất tâm lý. Không nói gì xa xôi, kể cả việc đơn giản như bỏ bữa tối không nấu, không ăn, chỉ nằm dài ra vì mệt, cô ấy cũng khó mà thực hiện.

Tôi hỏi cô ấy có nhìn thấy hình ảnh vị tu sĩ đã bỏ lại tất cả những gì đang có, đang tự do với đôi bàn chân đen cháy vì đi bộ, cô ấy bảo có. Chính những hình ảnh đơn độc với gương mặt thiện lành thanh thản của ông (chứ không phải khi đã là một hiện tượng mạng, kéo theo sự ồn ào, đông đúc của cả người ngưỡng mộ lẫn hiếu kỳ) khiến cô bỗng nhiên có lúc mong muốn được bước ra khỏi vùng an toàn của cuộc sống đầy đủ tiện nghi, không còn ràng buộc gì, với ai; không còn bất kỳ lo toan nào, chỉ bước đi.

Nhưng dĩ nhiên, cảm xúc nhất thời ấy rất ngắn, rất nhanh và cô lại quay về với cuộc sống hiện tại, với danh sách công việc phải làm trong ngày, trong tuần, trong tháng vì trách nhiệm của một người mẹ bình thường. “Mình đã chọn thì phải chấp nhận và tìm kiếm tự do cho mình ở những định nghĩa khác, không thể cứ xách ba lô lên đi thì mới gọi là tự do.

Ai cũng biết cuộc sống gia đình nếu hoàn toàn không có tự do thì chắc chắn không thể hạnh phúc. Sống trong bức bối tù ngục rồi thế nào cũng đứt. Nhưng cứ thử mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy sống, không quan tâm nhắc nhở nhau, tiền ai nấy xài thì thôi cứ nhà ai nấy ở, cần gì sống chung? Vợ chồng mình đã xác định muốn sống bền, sống vui được với nhau thì cần hòa hợp, cần có giới hạn và thỏa thuận với những mong muốn của riêng cả hai, tức là vẫn có tự do nhưng cần các giới hạn, chân thành và cởi mở, không nói dối, không im lặng ghim nhau”.

Cô nói thêm: “Nhà mình ai cũng biết nấu ăn, chia việc ra nên không ai phàn nàn gì khi phải làm việc nhà, nấu ăn, cho con đi học. Chỉ có điều kể cả mình có thể không nấu, vẫn không thể bỏ bữa tối thường xuyên không ăn cùng gia đình vì như thế tạo nên một không khí mệt mỏi, lỏng lẻo cho tất cả, không tốt cho sức khỏe, cảm xúc của các thành viên và bản thân. Thế nên mất tự do không phải lúc nào cũng tiêu cực nhưng quen miệng thì cứ kêu thế thôi”.

Như vậy, tự do trong khuôn khổ, có giới hạn vẫn là khái niệm đúng và được áp dụng trong đời sống.

Không có tự do, người ta tồn tại trong lệ thuộc, tự ti.

Nhưng nếu đã sống chung mà vẫn đề cao tự do cá nhân, muốn làm gì thì làm, không quan tâm đến cảm xúc của những người còn lại thì sự vô tâm ấy cũng sẽ dẫn đến nhạt nhẽo, uất ức cho các thành viên khác và chính cuộc sống tự do ấy đôi lúc đồng nghĩa với việc anh chẳng được quan tâm. Cuộc sống mà mình đi đâu, làm gì, với ai, khi nào về… đều không ai quan tâm hay chờ đợi để nhắc nhở có gì đáng ao ước?

Chỉ khi bước vào hôn nhân thì mới hiểu hết ý nghĩa của “tự do” hoặc “chẳng dại gì đánh đổi tự do lấy một anh/cô nào cho mệt” là quan niệm phổ biến mang tính lý thuyết mà nhiều người dựa vào đó để quyết định tình trạng cuộc sống của bản thân. Nhưng thực tế, ta chẳng cần hy sinh tự do để đổi lấy một gia đình hạnh phúc vì hôn nhân hạnh phúc vẫn bao gồm cả tự do vừa vặn cho mỗi thành viên trong đó, không cần đứng lên, vùng vẫy hay tuyên ngôn.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Tự do là có quyền không làm điều mình không muốn

“Trong nhà, cha mẹ không ép con, con cũng không được ép cha mẹ chiều mình vô đối. Nhiều mẹ chỉ nhăm nhăm đấu tranh yêu cầu tự do với chồng, với cha mẹ chồng mà quên rằng chính các mầm non mới là đối tượng đe dọa quyền tự do làm mẹ chuẩn của chúng ta” - N.H.C. nói vui. Chị là một nữ giám đốc rất có uy với nhân viên, được gia đình 2 bên nể nhưng lại thường xuyên phải nghĩ kế sách với 2 cậu con trai thế hệ Z cá tính và muốn nổi loạn.

“Tôi thường nói với 2 con rằng mẹ là người tự do nên mẹ được quyền từ chối làm những việc mẹ không muốn. Cho phép các con khi chưa vị thành niên được uống rượu bia, đi chơi qua đêm với bạn gái… là ví dụ. Nên đừng nói ngược là cha mẹ kìm kẹp, không cho các con được tự do. Đây chính là các con đang sống trái pháp luật và yêu cầu cha mẹ hậu thuẫn, đồng tình nghĩa là các con đang tước đi quyền tự do của mẹ đấy” - chị C. nói.

Chị cũng chia sẻ về những người bạn của mình vì chiều con mà nuôi thú cưng, mua xe phân khối lớn, cho con chọn trường du học vì con muốn gần bạn thân… Thế nhưng khi được hỏi các chị có yêu chó mèo không; có biết điều khiển xe phân khối lớn cần có bằng và kỹ năng, sức khỏe; có biết ngành học của con đi đến nơi đó chỉ phí tiền, tốn thời gian… thì câu trả lời đa phần là không.

“Các bạn tôi bị thao túng bởi tâm lý bù đắp cho con, con muốn gì thì cứ tạo điều kiện, đó cũng chính là cách để con tự học, tự trưởng thành, chứ cứ o ép, bắt con không được tự do làm điều nó muốn là cản trở con, mà quên rằng chính người lớn đang bị tình yêu dành cho chúng khống chế cả rồi” - chị C. phân tích.

Tự do, với N.H.C., là những quan điểm không nên được ấn định, áp đặt bởi thành kiến và yêu cầu từ 1 phía. Các khái niệm về tự do luôn phải được trao đổi, chia sẻ, thống nhất giữa các thành viên trong gia đình. Thế hệ Z luôn phản kháng mạnh mẽ, bất cần, nhiều khi tiêu cực, để đòi tự do cho thế hệ của mình, thì cha mẹ phải bình tĩnh để cân bằng chúng. Góc nhìn này của chị C. đã lý giải cho việc rất nhiều người coi tự do là yếu tố cần có để các thế hệ trong gia đình có thể gần gũi, bình đẳng, yêu thương, gắn bó với nhau.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Tự do, đơn giản chỉ là thấy yên tâm và hài lòng

Chương Đặng - một nhà thiết kế - viết trên trang cá nhân, rằng “Chúng ta chỉ sống vui vẻ và hữu ích khi chúng ta tự do. Tự do là khi chúng ta không còn bất an. Lo lắng, muộn phiền, đau khổ có thể ở bên cạnh, có khi đeo đẳng chúng ta mãi nhưng khi chúng ta thấy bất an thì sẽ khác, chúng ta mất tự do”.

Bạn sẽ đồng ý với Chương Đặng khi nhìn lại những tấm ảnh vị tu sĩ chân trần xuyên Việt với làn da của nắng gió, không bất an, không muộn phiền, không đau khổ, một người tự do.

Cảm xúc tích cực lớn nhất tự do đem lại là thấy mình được chủ động hạnh phúc, được tin cậy. Hôn nhân hay độc thân, sống chung hay chỉ riêng một mình, khi nào bạn còn tương tác với mọi người, có một cuộc sống còn liên quan đến nhiều người khác, tự do vẫn luôn là khái niệm được định nghĩa không chỉ với riêng bạn.

Cũng là nấu ăn, chăm mèo, trồng cây, trong căn nhà này là tự do, ta làm vì thích bếp, nghiện nhà, yêu mèo, thích hoa nhưng với cô giúp việc, phải thực hiện để nhận lương chứ chẳng thích thú gì, chỉ muốn từ chối mà không được, chắc chắn không thể được gọi là tự do!

Chỉ cần tôn trọng và yêu thương nhau chân thành sẽ thấy yên tâm, hài lòng, chẳng còn bận tâm tự hỏi tự do là gì, đứng lên hay ngồi lại là đủ.

Lê Lan Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI