Tự do trong hôn nhân - Lấy chồng như vào lồng?

02/06/2024 - 06:50

PNO - Trên mạng, các chuyên gia phong cách sống vẫn nhắc, nếu ta có đam mê hay khát khao tự do, hãy phấn đấu cho điều đó. Tuy nhiên, lý thuyết thường rất trơn tru, mà vận dụng vào thực tế thì trúc trắc khó lường.

Tự do trong… góc bếp

Suốt 10 năm nay, đồng nghiệp ngồi cạnh tôi chưa từng đi nghỉ hè với cơ quan, cũng chưa từng đi họp lớp hay du lịch riêng với nhóm bạn. Cuộc sống của cô ấy xoay quanh con cái, cơm nước, nhà cửa. Ngày qua ngày, tuần qua tuần, năm qua năm, cô ấy cứ tuần tự đi chợ, đưa con đi học, làm việc, về đón con, nấu nướng…

Mỗi lần rủ cô ấy đi đâu, mọi người chỉ nghe 3 từ “ổng không thích”. Ổng ở đây là ông chồng và chồng cô ấy không thích vợ ra khỏi nhà mà không có anh ta. Chúng tôi hiểu cô ấy rất khó xử vì đi chơi với đồng nghiệp chính là cải thiện team building. Làm việc trong tập thể, nếu không củng cố team building, bạn sẽ thiệt thòi nhiều lắm.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Sếp tôi khá dễ tính, ông không bắt bẻ mà đặt cho cô ấy nick name Yêu Bếp, hay khen cô là điển hình của mẫu phụ nữ vì gia đình. Nhóm nhân viên muộn chồng thì nói đó là ví dụ sinh động của việc “lấy chồng như vào lồng”, hoàn toàn mất tự do, thôi cứ ở vậy cho lành.

Tôi có con nhỏ nhưng rất thích mang con vi vu với nhóm bạn gái. Có lần, tôi vừa check-in một khách sạn biển thơ mộng thì người bạn 9X cùng đoàn có điện thoại. Cô ấy và cậu người yêu cãi nhau to, đến mức cô bé phải đưa điện thoại cho tôi tiếp chuyện cậu người yêu. Cậu ấy kìm giận dữ để nhẹ giọng hỏi tôi: “Chồng chị đâu mà cho chị đi tự do như vậy? Khi em cưới vợ, vợ em tuyệt đối không được đi như thế”.

Sau chuyến ấy, cô 9X cưới chồng và quả thật chúng tôi không còn đi cùng nhau. Lịch di chuyển của cô ấy quanh năm là cung đường từ nhà tới cơ quan hay chỗ đón đưa con. Đương nhiên cô ấy là mẹ tốt, vợ tốt, chỉ lâu lâu giấc mơ tự do dấy lên và cô ấy “còm” vào hình ảnh đi chơi xa của tôi: “Ước gì trở lại ngày xưa…”.

Không có kiểu sống nào là “chuẩn chỉnh”. Cô Yêu Bếp, cô 9X hay tôi - chẳng nên nói ai phải học ai để có cuộc đời ổn thỏa và hạnh phúc. Trên mạng, tôi thấy các chuyên gia phong cách sống vẫn nhắc, nếu ta có đam mê hay khát khao tự do, hãy phấn đấu cho điều đó hoặc ít nhất cũng tận dụng hết quyền tự do của mình trong khuôn khổ cho phép. Tuy nhiên, lý thuyết thường rất trơn tru, mà vận dụng vào thực tế thì trúc trắc khó lường.

Tôi có người chị họ là kỹ sư công nghệ làm trong ngành hóa dầu. Tuổi đã ngấp nghé 60 nhưng suy nghĩ của chị rất trẻ trung, hiện đại. Một lần bàn về tự do, chị viết tự do của bạn bè chị là cảm giác cuối ngày, khi đã lau dọn xong căn bếp bóng loáng, chồng con đã ăn tối, đã tắm rửa sạch sẽ và cả nhà chuẩn bị rút vào góc riêng.

Tôi bình luận “Em cũng vậy”. Cái “còm” của tôi nhận rất nhiều like. Hóa ra phụ nữ chúng tôi, đàn bà đủ lứa tuổi, đủ thành phần xã hội, định nghĩa sự tự do thật giản đơn, bé mọn - hoàn thành nhiệm vụ trong ngày của mình, ngày mai thì… để mai tính. Tức là, ngay trong góc bếp, chúng tôi cũng có thể cảm nhận tự do nếu yêu thích việc nấu nướng dọn dẹp; có thể thư giãn với từng cọng ngò, lát gừng; mỉm cười tận hưởng căn bếp sạch bóng sau một ngày lộn xộn mắm muối rồi mới rút vào phòng ngủ.

Sau khi đọc bài của chị bạn U60, tôi nghĩ, tự do đó có thể đã đủ với cô bạn Yêu Bếp ngồi cạnh tôi và cô 9X rồi, các cô ấy không cần cố gắng để có thêm tự do nữa.

Đàm phán cho tự do

Thùy Vân - cô bạn bộ phận kế toán - hay nói trong giờ nghỉ trưa: “Trong hôn nhân, nếu không ở kèo trên thì bạn nhất định phải biết đấu tranh và giữ cho mình những quyền lợi cơ bản”.

Ví dụ, cũng là kiểu đàn bà thích nấu ăn cho chồng con và gắn bó với cái bếp nhưng cuộc sống của Vân rất tự do. Sáng sớm, cô đi cà phê; buổi trưa có thể tập yoga hay đi ăn, gặp gỡ bạn bè…; thỉnh thoảng đi chơi xa với nhóm bạn, có khi đi nước ngoài hay Tây Nguyên, Tây Bắc vài ngày. Hiện cô ấy đang vi vu ở châu Phi.

Dường như sự tự do của Vân vẫn chưa “đứt dây” hoàn toàn với căn bếp, thỉnh thoảng cô vẫn phải gọi về xem con ngủ chưa, hôm nay chúng ăn gì… thậm chí phải lên mạng đặt thực phẩm sơ chế sẵn cho chồng nhưng Vân hài lòng vì điều đó. Vân hay chia sẻ, những lần “trốn đi” này giúp cô sạc năng lượng, để rồi khi trở về, cô yêu căn nhà, yêu công việc và gia đình hơn.

Xã hội hôm nay đề cao cái tôi, đề cao quyền con người, quyền tự do nhưng không ít người hiểu sai về các quyền đó. Có những người sau nhiều năm sống trong đè nén đến lúc nào đó bung ra sống cho mình mà quên mất người thân.

Chị Xuân Lan - hàng xóm tôi - rất mê ca hát. Hơn năm nay, chị thường lên Facebook và Zalo khoe giọng ca, thỉnh thoảng còn đi biểu diễn trong và ngoài tỉnh. Chị rất vui vì mạng xã hội hôm nay giúp chị hiện thực hóa ước mơ làm ca sĩ hồi nhỏ. Nhưng cả chồng con chị lẫn ông bà nội ngoại đều khó chịu. Ông sui gia nhiều lần tới nhà ngoại ý kiến với cha mẹ chị việc chị bỏ bê nhà cửa, con cái cuối tuần phải ăn mì gói trong khi mẹ đi diễn và ăn tiệc.

Tôi biết mối quan hệ của chị với chồng đang trục trặc rất nặng vì anh không ưa lối sống mới của chị. Rất nhiều lần cha mẹ chị gọi con gái về phân tích rằng chị không có quyền tự do như người độc thân. Nếu cứ sống theo ý muốn, chị phải chấp nhận có ngày gia đình đổ vỡ, vợ chồng ly tán.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Hôm vừa rồi gặp tôi, chị Lan chia sẻ rằng chị rất buồn khi gia đình không ủng hộ đam mê của chị. Mỗi người một sở thích, chị thích ca hát, tôi thích du lịch cùng bạn bè, 40-50 tuổi cả rồi, không sống cho mình bây giờ thì bao giờ, chẳng lẽ ngày nào cũng chợ búa cơm nước đến mụ mị người.

Tôi biết khuyên chị dừng việc hát và diễn là không thể, nên kể ra câu chuyện cô Thùy Vân cơ quan tôi đã “đàm phán” với chồng thế nào. Vân thuyết phục chồng để mỗi năm cô có một vài chuyến đi xa với bạn gái, vì đi đó đây là đam mê của cô và chồng cô đã đồng ý.

Sau này, mỗi khi chồng nhăn nhó trước cái lịch “gửi con cho chồng”, Vân đều nhắc lại vài điều khoản đã đàm phán. Chẳng hạn, đổi lại cho việc tự do đi chơi riêng ít hôm thì Vân đã toàn tâm toàn ý cho gia đình, chăm chỉ làm việc, không mua sắm hoang phí, không tụ tập bạn bè, đặc biệt không thích chuyện đàn đúm trai gái nên chồng không phải lo lắng, ghen tuông… Tóm lại, chuyến đi chỉ là một món quà Vân tự thưởng sau những cố gắng và vất vả, Vân mong chồng tôn trọng món quà ấy.

Tất nhiên, tôi còn nhắc chị Lan rằng tự do nào cũng phải trong khuôn khổ, ví dụ lịch đi chơi của Vân phải tránh kỳ bận rộn của chồng hay lúc thi cử của con, tuyệt đối không được bỏ ngoài tai cảm xúc của chồng và người thân. Cân đối cảm xúc của mình và người khác mới là biết sống…

Chị Lan gật gù đồng tình nhưng tôi không biết liệu chị có thể đàm phán gì với chồng. Mỗi người mỗi khác và mỗi nhà mỗi khác…

Trung bình mỗi năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn. Thống kê của Viện Nghiên cứu gia đình và giới chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng hôn nhân. Trong đó, 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, 25,9% đến từ ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%, bạo lực gia đình chiếm 6,7%, sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, quá đề cao cái tôi của bản thân, ít quan tâm đến chồng/vợ cũng là một nguyên nhân khiến phần lớn các cặp vợ chồng trẻ nảy sinh mâu thuẫn. Không ít nghiên cứu chỉ ra rằng trong xã hội hiện đại, khi sự phụ thuộc vào cộng đồng họ hàng suy giảm và tự do cá nhân được chú trọng, ly hôn và ly thân dễ xảy ra hơn so với xã hội truyền thống.

Châu Giang

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI