Tự do nhưng dại gì… “tự tung tự tác”

04/04/2023 - 05:53

PNO - Nghĩ cho cùng, ý nghĩa của hôn nhân còn ở chỗ tạo điều kiện cho “nửa kia” được “mình vẫn là mình”, chứ không nhất thiết cứ phải “dính như sam”.

Nhiều người quan niệm rằng, sự đồng thuận, hạnh phúc của vợ chồng thường biểu hiện qua hình ảnh “dính nhau như sam”, chồng đâu vợ đó. Điều này đúng hay sai, tôi không tranh luận, nhưng tôi biết rõ có nhiều đấng mày râu từ một người quảng giao, có nhiều mối quan hệ với anh em bồ tèo, nhưng sau khi có vợ lại trở thành như kẻ sống trên hoang đảo. Bạn bè xa lánh dần. Người thân ít lui tới. Tại sao? 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tại họ và “một nửa” đã trở thành hình với bóng. Hễ có A ắt xuất hiện B kè kè sóng đôi và ngược lại. Thực trạng éo le này, với phụ nữ thì nói thật, tôi không rành lắm, nhưng với cánh đàn ông thì tôi rất rõ. Hôm nọ, bạn bè thời đại học gặp nhau, mọi người nhắc tên bạn bè để lên danh sách mời họp chung ở nhà hàng “làm một trận cho hoành tráng”, tha hồ ôn kỷ niệm cũ. Thế nhưng khi nhắc đến X, lập tức ai nấy đồng thanh: “Thôi, hắn ta lại dẫn vợ đi theo, e mất vui”.

Mất vui bởi đây là vì cuộc gặp gỡ bạn bè chung lớp, họ không muốn có ai khác chen vào dù là vợ/chồng của bạn đi nữa. Ngược lại với anh X hoặc những ai có hoàn cảnh tương tự thì bao giờ họ cũng giao kèo: “Tớ dẫn theo bà xã/ông xã nữa nhé”. Vậy, phải làm sao? Với mỗi một cá thể, bất kỳ ai cũng có các mối quan hệ khác nhau, do đó, có những lúc họ phải được xuất hiện một mình. Có như thế, mọi người mới tự nhiên lúc “trút bầu tâm sự”, không e dè có người “không mời mà đến”. 

Tôi cho rằng, nhiều phụ nữ rất thông minh khi họ nắm bắt tâm lý này. Vì thế, họ “thả” cho chồng được tự do trong các mối quan hệ, chứ không thèm lúc nào cũng bám theo như một cách “canh me”. Như thế, những ai “yếu tim” ắt gân cổ lên cãi: “Dại, chớ nên, biết đâu có lúc bị cô ả/chú kiết nào đó nhảy xổm vào cuỗm mất thì sao?”.

Tôi có chị bạn đã được bạn bè nhắc nhở câu đó. Ai đời, anh chồng có vợ rồi mà vẫn cứ như… độc thân, tức là vẫn được đi sớm về khuya mà không bị sự ràng buộc nào từ cô vợ. 

Vậy, tại sao anh ta không… đi luôn? Có nhiều lý do, trong đó, quan trọng nhất là người chồng cảm nhận được sự sung sướng, vui sống vì dù đã có vợ, dù đã “trong vòng cương tỏa” nhưng vẫn giữ được thói quen, tính cách của mình, chứ không bị siết chặt.

Được như thế, bởi họ thừa biết cô vợ tin mình. “Nếu anh chồng lợi dụng niềm tin đó để tự tung tự tác thì sao?”, chúng tôi nhao nhao hỏi. Chị bạn trả lời gọn bâng: “Cho đi luôn. Vấn đề là không bao giờ tạo điều kiện hợp lý”. Thế nào là hợp lý? Tôi hiểu, không riêng gì đàn ông, ngay cả phụ nữ cũng thế thôi, một khi đã không còn thích chung sống, đã lăm le “chân trong chân ngoài” bao giờ cũng trông chờ vào cái cớ hợp lý nào đó. 

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

Thì đó, anh Z bạn tôi đã từ lâu được vợ không “quản lý” sít sao nhưng lại “phải lòng” cô nọ. Ngày kia, vì lý do gì đó, vợ chồng cãi nhau, trong lúc ầm ầm sóng gió đấu lý, cô vợ buột miệng: “Anh có giỏi thì vác va li ra khỏi nhà coi biết đá biết vàng ngay”. Vin vào câu đó, ngay lập tức anh chồng làm theo ngay mà trong bụng đã “trống dong cờ mở”, bởi đã có cớ để tếch sang nhà của mèo một cách hợp lý. “Thế đấy, lỗi tại cô đuổi tôi đi đấy nhé” - anh chồng gào lên rồi hiên ngang… ra khỏi nhà ngay tắp lự.

Nói cách khác, một khi chồng/vợ đã thích “ăn chả, ăn nem” thì dẫu có quản chặt cỡ nào cũng có lúc sổng ngay. Ngược lại, đã không thì dẫu có cho vàng cho kẹo cũng không là không. Trộm nghĩ, những ai một khi được “tự do” lại biết trân trọng, gìn giữ, không vượt quá giới hạn, không “tự tung tự tác” mới thực sự khôn ngoan.

Khôn ngoan ở chỗ quan trọng nhất là cả hai tin vào nhau, mình chớ phụ lòng tin đó, để từ đó, mỗi người đều tự ý thức điều chỉnh cần thiết. Nghĩ cho cùng, ý nghĩa của hôn nhân còn ở chỗ tạo điều kiện cho “nửa kia” được “mình vẫn là mình”, chứ không nhất thiết cứ phải “dính như sam” trong mọi hoàn cảnh. Nếu thế, đời còn gì vui? 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI