Diễn đàn "Sống cho mình từ tuổi nào?"

Tự do ngay trong tay mình, lối đi cũng ngay dưới chân

04/12/2020 - 05:19

PNO - Tuổi tác không chờ đợi ai, tại sao cứ nép sau cánh cửa mà ao ước về chân trời mới, trong khi chỉ cần với tay đẩy cửa mà bước ra?

Chuyện người phụ nữ Trung Quốc tận lúc 56 tuổi mới tận hưởng cảm giác tự do trốn khỏi gia đình, vừa là niềm hy vọng, vừa là sự tiếc nuối của không ít người.

Tôi đọc mà thương xót chị, giống hệt cảm giác mấy năm trước đọc câu chuyện trên mạng về người mẹ muốn ly hôn, nhưng nhẫn nhịn chờ đến 10 năm, khi con đã vào đại học.

Tại sao các chị lại đối xử với cuộc đời mình như vậy? Tuổi tác không chờ đợi ai, tại sao cứ nép sau cánh cửa mà ao ước về một chân trời mới, không dám với tay mở cánh cửa ấy mà bước ra ngoài?

Nhiều phụ nữ không bao giờ dám bước ra khỏi những giới hạn - Ảnh minh họa
Nhiều phụ nữ không bao giờ dám bước ra khỏi những giới hạn - Ảnh minh họa

Tô Mẫn 56 tuổi - tức cũng không hơn tôi bao nhiêu tuổi. Nhưng rõ ràng, chị vẫn bị ảnh hưởng tư tưởng cổ hủ từ thế hệ đi trước. Trong bài báo, chị thường xuyên kể mẹ bảo phải thế này, phải thế kia. Kết cục là chị cam chịu và phải nín nhịn trước một người chồng vũ phu, cực đoan.

Lối sống nhẫn nhịn ấy của Tô Mẫn một phần do lệ thuộc vào nhận thức hạn hẹp được răn dạy từ mẹ. Rằng nếu đã chọn ông ấy làm chồng, thì phải chấp nhận, dù ông ấy có xấu tính ra sao, miễn không ngoại tình là được. Rằng phụ nữ còn có trách nhiệm phải chăm lo cho con cái…

Chính mẹ Tô Mẫn đã quăng tấm lưới lớn phủ trùm u ám lên cuộc đời con gái. Và phần lỗi lớn nhất rõ ràng vẫn là của Tô Mẫn, một người hết phục dịch chồng lại tới con, quá nhút nhát, chưa bao giờ dám nghĩ dám làm gì cho bản thân.

Có lẽ Tô Mẫn cho rằng, với chồng con, phụ nữ chỉ cần cho đi mà không cần nhận về. Và tôi biết, suy nghĩ này có trong rất nhiều người quanh tôi. Là phụ nữ cần biết bao dung, nhân ái, biết cho đi, không được nghĩ cho mình, thế là ích kỷ…

Nhưng cuộc đời này ngắn lắm, liệu một ngày nào đó, bạn sẽ phải hối hận vì mình đã cho đi sạch sẽ tất cả vốn liếng: sức khỏe, tinh thần, tình yêu thương, vật chất… Để rồi khi bạn nằm chèo queo trên giường bệnh, sẽ không một ai kiên nhẫn ngồi chăm sóc mình từng viên thuốc, bón miếng ăn, ngụm nước, như bạn từng làm với họ.

Khi tôi đang gõ những dòng này, thì được tin người chị bà con xa vừa mất vì bệnh ung thư vú. Chị mới bước qua hàng 50 chứ mấy, và căn bệnh ung thư mới được phát hiện năm vừa rồi. Chị ra đi quá nhanh, ai cũng bất ngờ.

Tôi biết thêm chuyện đau lòng khác. Cách đây hai năm, chị làm đám cưới cho con trai rồi dồn hết vốn liếng tiết kiệm cho con làm ăn. Chị thèm cháu ẵm bồng, nhưng con dâu ham làm ăn, cứ lờ đi.

Rồi chị nói với các con chị mơ ước đi du lịch. Năm trước, dịch COVID-19 chưa bùng phát. Chị thèm tới Nhật Bản ngắm hoa anh đào. Chị muốn cả nhà cùng đi với nhau một chuyến. Nhưng vợ chồng người con nói họ bận bịu với các quán trà sữa. Chồng chị tất nhiên cũng muốn ở nhà phụ việc con trai và con dâu.

Một tháng thu nhập của chuỗi trà sữa trên dưới trăm triệu đồng, con chị sợ nếu lơ là quản lý sẽ thất thoát. Chị buồn lắm, và chia sẻ cùng tôi. Tôi khuyên chị nên đăng ký đi tour, du lịch một mình cũng đâu có sao, miễn mình thực hiện ước nguyện.

Nhưng mãi đến bây giờ, khi chuyến đi cuối cùng của đời người đã hoàn thành, chị vẫn chưa được tận mắt ngắm những cánh hoa đào. 

Đừng để cánh cửa tự do mãi mãi đóng sập trước cuộc đời mình. Hãy sống cho mình trước khi quá muộn. Ảnh: Internet
Sống cho mình chẳng hề là ích kỷ, hãy thực hiện điều đó trước khi quá muộn. Ảnh: Internet

Tôi nghe vợ chồng đứa con lên kế hoạch mua sắm quan tài, vòng hoa… đắt giá cho tang lễ mà xót xa. Giá như trước kia chị đừng gồng gánh quá sức để dồn tiền cho con làm ăn. Bởi đến khi chị gục ngã vì bệnh, con trai và con dâu vẫn o bế quán trà sữa mà không tập trung chạy chữa cho mẹ.

Tôi biết, nỗi cô đơn hờn tủi vì bị bỏ rơi đã khiến chị ra đi nhanh hơn dự tính. Và tôi ước, phải chi trước kia chị biết tự mở cho mình một hướng đi khác để thanh thản, tự do, vui vẻ phần cuối đời. Tiền nhiều để làm gì, khi mà đến việc muốn đi chơi một chuyến, cũng vì chồng con mà trì hoãn, trì hoãn cho đến tận lúc chết.

Tôi tiếc cho chị, tiếc vô cùng! Tính ra, chị Tô Mẫn 56 tuổi kia bên Trung Quốc dũng khí hơn chị tôi rất nhiều. Ở hoàn cảnh của chị, cánh cửa tự do không hề khóa. Chỉ là chị đã không đủ bản lĩnh bước qua cửa ấy, mà tận lúc nhắm mắt, chị vẫn lệ thuộc vào con, vào chồng.

Tôi luôn cho rằng, cánh cửa tự do sau hôn nhân mở hay đóng là do "chính chủ" thôi. Tự do ngay trong tay mình, lối đi cũng ngay dưới chân mình.

Có một câu rất hay tôi thường được bạn bè nhắc: "Hãy thương mình trước khi được người khác thương". Tôi thấy đúng lắm đấy, chẳng hề là ích kỷ. Mà có mang tiếng ích kỷ đi nữa, cũng chẳng sao. Cuộc đời của mình, làm gì có ai sống hộ!

Tử Anh Anh (TPHCM)

Bạn đã được "sống như mơ ước", "sống cho ra sống" hay còn chịu những ẩn ức hôn nhân, những góc kẹt vì trách nhiệm và thiên chức?

Diễn đàn "Sống cho mình từ tuổi nào?" mời bạn gửi ý kiến chia sẻ về địa chỉ mail online@baophunu.org.vnCác bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI