Tủ đồ cũ san sẻ yêu thương

03/10/2024 - 06:07

PNO - Tại góc đường Trần Văn Dư và Mai Lão Bạng (khu phố 17, phường 13, quận Tân Bình), vào 14g Chủ nhật hằng tuần, nhiều người lao động sống trong khu phố lại tập trung đến. Tại đây họ có thể nhận những món đồ thiết yếu từ tủ đồ “Góc san sẻ yêu thương” - sáng kiến của bà Nguyễn Thị Hoa - 59 tuổi, Trưởng ban điều hành khu phố.

Nhận từ người khá tặng người khó

Trụ sở văn phòng khu phố là nơi thu nhận những món đồ quyên góp, gồm quần áo, giày dép, cặp sách… Khi số lượng sản phẩm nhận được đã đủ lớn, bà Hoa sẽ cùng các chị em trong khu phố phân loại, giặt ủi, rồi cẩn thận cho vào túi, ghi các thông số về kích cỡ, cân nặng để người cần dễ dàng lựa chọn.

Bà Hoa chia sẻ, cuối năm 2022, bà thấy số người lao động nhập cư về khu phố ngày càng đông, họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trong khi đó, nhiều gia đình có điều kiện lại không biết làm thế nào để cho đi những bộ quần áo không còn sử dụng đến.

Bà Nguyễn Thị Hoa (bìa trái) cùng chị em hội viên phụ nữ chuẩn bị quần áo tặng những người khó khăn
Bà Nguyễn Thị Hoa (bìa trái) cùng chị em hội viên phụ nữ chuẩn bị quần áo tặng những người khó khăn

Thay vì gửi đi những vùng sâu, vùng xa, bà Hoa quyết định thực hiện “Góc san sẻ yêu thương” ngay tại khu phố bằng việc xây dựng một tủ đồ tươm tất, sạch đẹp để tặng người khó với phương châm “Ai có thì cho, ai cần thì nhận”.

“Chúng tôi muốn giúp những người khó khăn, đặc biệt là lao động nhập cư, để họ có những bộ quần áo đẹp mà không phải tốn kém. Nhiều người có thu nhập thấp, phải chi trả tiền thuê nhà, lo cho con cái học hành nên họ không có điều kiện để mua sắm. Những bộ quần áo mới hay chỉ mặc qua vài lần của các gia đình sẽ là món quà ý nghĩa, an ủi, động viên những người khó khăn” - bà Hoa bày tỏ.

Nhìn về phía tủ đồ yêu thương, bà bộc bạch: “Không chỉ trong khu phố mà những người ngoài khu phố cũng có thể đến nhận nếu cần. Nhận bao nhiêu cũng được”.

Theo bà Hoa, “Góc san sẻ yêu thương” đã duy trì gần 3 năm qua, với hơn 2.000 sản phẩm đã được trao và nhận. Đặc biệt, nơi đây không chỉ phát quần áo, vật dụng đơn thuần mà còn là nơi xây dựng tinh thần cộng đồng, kết nối mọi người lại gần nhau hơn. Với người lao động khó khăn, họ sẽ rất phấn khởi và trân quý những món quà, sống cởi mở và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng tại khu phố.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động này, bởi nhu cầu của người dân là rất lớn. Những người khá giả giúp đỡ những người khó khăn, tạo ra một môi trường sống thân thiện, hòa đồng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Chúng tôi tin rằng mô hình này sẽ góp phần làm giàu thêm tinh thần cộng đồng, giữ chân nhiều người ở lại với mảnh đất này, nỗ lực làm việc và cống hiến nhiều hơn” - bà Hoa chia sẻ.

Ủng hộ và đồng hành với bà Hoa từ những ngày đầu thực hiện mô hình, bà Đặng Thị Thảo - 64 tuổi, Chi hội trưởng Phụ nữ khu phố 17 - cho biết, bà thường vận động người dân trong khu phố bằng cách đăng bài viết lên các nhóm Zalo, Facebook của hội, hoặc đến tận nhà gõ cửa, kêu gọi mọi người cùng chung tay.

Đồ còn mới các dì, các chị hội viên sẽ giặt sạch, xếp ngay ngắn cho vào túi. Những món đồ đã cũ, không còn sử dụng được, họ sẽ đem tặng cho các tiệm sửa xe dùng để lau chùi.

Thêm yêu và gắn bó…

Đúng 14g Chủ nhật, chị Phạm Thị Loan (45 tuổi, quê Ninh Bình) gác lại mọi công việc để đến góc đường Trần Văn Dư và Mai Lão Bạng. Là mẹ đơn thân, chị Loan vào TPHCM lập nghiệp từ năm 2006, một mình nuôi con ăn học trong hoàn cảnh khó khăn.

Gần 20 năm làm công nhân tại khu công nghiệp Tân Bình, với mức lương 5-6 triệu đồng, chị phải dành tới gần phân nửa để trả tiền thuê chỗ trọ, khiến cuộc sống của 2 mẹ con rất chật vật. “Nhờ có những hoạt động san sẻ yêu thương này, tôi và con có thể chọn được những bộ quần áo thiết yếu, giảm bớt chi phí mua sắm. Cho nên những ngày Chủ nhật được nghỉ, mẹ con tôi lại tranh thủ đến đây, cũng là để phụ giúp các chị làm công việc thiện nguyện. Rất vui và ấm áp” - chị Loan nói.

Người dân hài lòng khi lựa được những bộ quần áo vừa ý
Người dân hài lòng khi lựa được những bộ quần áo vừa ý

Vợ chồng bà Vũ Thị Nượt (quê Nam Định) cũng là lao động nhập cư tại khu phố 17, bà bán hàng ăn, còn chồng sửa xe. Đến điểm nhận quà, bà Nượt chọn cho mình những bộ đồ hoa, tối màu để mặc khi bán hàng và lựa cho chồng những chiếc áo dài tay để tránh dầu nhớt bám vào người.

“Các cô ở đây rất chu đáo, ghi rõ số đo, cân nặng từng cái quần, cái áo để chúng tôi dễ dàng chọn lựa và không giới hạn số lượng. Quần áo, giày dép ở đây vừa sạch vừa đẹp, giúp chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Tình thương và sự quan tâm của các chị em trong khu phố càng làm tôi thêm yêu và gắn bó với nơi đây, chẳng muốn rời đi” - bà Nượt chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Diệu Quyên - Chủ tịch Hội LHPN phường 13, quận Tân Bình - nhận xét: “Góc san sẻ yêu thương” của bà Nguyễn Thị Hoa không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất cho những người lao động khó khăn và gia đình họ mà còn là nơi lan tỏa những tấm lòng nhân ái, kết nối và hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài “Góc san sẻ yêu thương”, bà Hoa còn cùng khu phố 17 triển khai nhiều mô hình ý nghĩa khác như “Không gian xanh”, “Đổi rác tái chế lấy thùng rác có nắp đậy”… góp phần thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường và gắn kết mọi người.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI