PNO - Một trong những tựa sách nên đọc trong đại dịch COVID-19 là Đi tìm lẽ sống của Viktor E.Frankl. Đây chính là lúc người đọc cảm nhận tác phẩm này tốt hơn bao giờ hết bởi chúng ta cũng rơi vào một hoàn cảnh nghiệt ngã như tác giả đã từng. Từ cơn đau dịch bệnh, chúng ta hãy theo Đi tìm lẽ sống của Frankl lần hồi đứng dậy, vươn lên mạnh mẽ như chính tác giả.
Trước khi bóng ma Thế chiến thứ hai phủ bóng châu Âu, chàng thanh niên người Áo Viktor E.Frankl có tương lai xán lạn của một bác sĩ tâm thần tại thủ đô Vienna. Bỗng chốc, mọi thứ tan thành tro bụi vì chính sách kỳ thị người Do Thái của Hitler. Đứng trước mọi sự chuyển biến quá nhanh, Frankl có cơ hội nhập cảnh Mỹ nhưng ông quyết định ở lại, cùng sát cánh với gia đình để rồi bị đưa vào trại tập trung của Đức quốc xã. Có thể nói đây là quyết định đầy tính tự do và trách nhiệm trong giờ phút sinh tử của một cá nhân hiện sinh - vốn là một đặc tính nổi bật trong học thuyết tâm lý mà Viktor E.Frankl làm sáng tỏ sau này.
Song, chuỗi ngày đen tối trong các trại tập trung vẫn không đau đớn bằng việc cha mẹ, em trai và cả người vợ đang mang thai của Viktor E.Frankl lần lượt bỏ mạng trong tay Đức quốc xã. Trong phần tự truyện Đi tìm lẽ sống, ông thuật lại những giờ phút đấu tranh kiên cường với kẻ thù và với chính mình để được sống sót trong các “công xưởng của thần chết”. Tan cuộc chiến, ông trở về quê hương với những mất mát không gì có thể bù đắp. Cũng từ đó, thế giới được chứng kiến sự hồi sinh thần kỳ của một nạn nhân thế chiến.
Tên tuổi Viktor E.Frankl nhanh chóng trở thành một trong những ngôi sao sáng của ngành tâm lý hiện đại. Cho đến nay, ông vẫn được xem là nhân vật hàng đầu trong trường phái trị liệu tâm lý học nhân văn hiện sinh với “Liệu pháp ý nghĩa”. Chính trải nghiệm trong các trại tập trung tàn khốc là bệ phóng cho ông bước vào hành trình hiện sinh của mình. Nhà tâm lý học Gerald Corey trong cuốn Lý thuyết và thực hành tư vấn và trị liệu tâm lý đã nhận định: “Tôi chọn Frankl là một trong những nhân vật chủ chốt của tiếp cận hiện sinh vì học thuyết của ông đã được chính bản thân tác giả kiểm chứng bằng cuộc đời đầy đau khổ. Cuộc đời của ông minh họa cho học thuyết và tác giả cũng đã sống cả cuộc đời theo học thuyết đó”.
Biểu hiện cho nỗi bất hạnh của thời đại
Đi tìm lẽ sống là sự kết hợp giữa tự truyện và giới thiệu sơ lược liệu pháp tâm lý của Viktor E.Frankl. Phần tự truyện ra đời bằng tiếng Đức vào năm 1946 với tựa đề Những trải nghiệm của một nhà tâm lý trong trại tập trung. Ông viết tác phẩm chỉ trong vòng chín ngày, sau đó lần lượt bổ sung phần giới thiệu liệu pháp tâm lý của riêng mình và phần tái bút. Năm 1959, cuốn sách được dịch sang tiếng Anh với tên gọi Đi tìm lẽ sống (Man’s search for meaning).
Đến nay, cuốn sách đã bán được hơn 16 triệu bản trên toàn cầu và dịch sang 59 ngôn ngữ. Thế nhưng, ý nghĩa to lớn của Đi tìm lẽ sống không dừng lại ở những con số phát hành, số lượng bản chuyển ngữ mà chính là giá trị sống tác phẩm mang đến cho nhân loại: “Con người không đơn giản tồn tại mà họ còn luôn quyết định mục đích tồn tại của mình”. Khi nhắc đến thành công của Đi tìm lẽ sống, tác giả không cho rằng đó là thành tựu cá nhân mà là biểu hiện cho nỗi bất hạnh của thời đại. Ý nghĩa cuộc sống vẫn là vấn đề nan giải đối với mọi người. Họ vẫn loay hoay tìm câu trả lời.
Khi đọc Đi tìm lẽ sống, nhiều người sẽ tập trung vào phần sau với những bài học kinh nghiệm sống đã được đúc kết thành học thuyết mà bỏ qua phần tự truyện. Thế nhưng, xin đừng vội vàng mà hãy chậm rãi trải nghiệm nỗi đau sinh tử để thấu cảm từng bước hiện sinh của tác giả. Như giáo sĩ Harold S.Kushner nhận định: “Bạn không thể tiếp nhận toàn bộ giá trị của tập sách này nếu chỉ đọc phần sau mà bỏ qua nửa đầu cuốn sách”.
Câu chuyện tường thuật của ông không tập trung vào những chi tiết, sự kiện kinh hoàng ở các trại tập trung Đức quốc xã mà viết về những nỗi giằng xé hằng ngày của các tù nhân trong hoàn cảnh tù ngục. Như ông nói: “Cuốn sách sẽ tìm cách trả lời câu hỏi: Các tù nhân nghĩ về cuộc sống hằng ngày trong trại tập trung như thế nào?”. Để rồi, thế giới phải tin Frankl rằng người biết mình có lý do để sống là người có nhiều khả năng sống sót nhất.
Thử tìm lời giải cuộc sống mùa dịch
Trong đại dịch COVID-19, chúng ta có thể tìm gì từ Đi tìm lẽ sống? Đã rất lâu, chúng ta mới lâm vào một hoàn cảnh nghiệt ngã như thế này. Nhiều thứ thuộc về sự hiển nhiên hằng ngày như tự do đi lại, làm việc… bị dừng lại vì một lý do chính đáng. Dẫu là một lý do chính đáng, chúng ta không dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh. Đã có nhiều sự phản kháng, suy sụp diễn ra.
Chúng ta cũng như Viktor E.Frankl không được tự do chọn lựa hoàn cảnh nhưng Đi tìm lẽ sống của ông sẽ luôn nhắc rằng nhân loại vẫn luôn có được một sự tự do và hãy sử dụng nó cho lúc này. Đó là tự do chọn lựa thái độ với hoàn cảnh. Kim chỉ nam bất hủ của Frankl chính là “Sự tự do lớn nhất của chúng ta là sự tự do chọn lựa thái độ của mình”. Bạn, chính bạn chứ không phải ai khác, sẽ quyết định để cơn đại dịch làm mình sợ hãi, cuốn phăng đi hay bình tâm đối phó, thậm chí biến thử thách đau thương thành cơ hội phát triển bản thân.
Để làm được điều đó, mỗi người hãy đi tìm ý nghĩa cuộc sống của mình đang bị che khuất. “Nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống chính là động lực thúc đẩy con người” và đi tìm ý nghĩa cuộc sống cũng chính là nhiệm vụ tối hậu trong liệu pháp ý nghĩa Frankl. Theo ông, nhiệm vụ của con người không phải là thỏa mãn các khát khao bản năng hay trở thành người xuất chúng mà hãy tìm ra lý lẽ sống để nhận ra trách nhiệm và thay đổi thái độ sống của mình. Ông luôn tin trong mọi hoàn cảnh nghiệt ngã nhất vẫn luôn hàm chứa sẵn một ý nghĩa. Chỉ cần chúng ta nhận ra nó là có thể hoàn thành phần còn lại của thử thách.
Cuộc sống mùa dịch không mang ý nghĩa gì với chúng ta ư? Frankl đã đáp lại: “Tôi dám chắc rằng không có gì trên đời này giúp một người sinh tồn trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất hiệu quả bằng việc hiểu rằng cuộc sống của mỗi người luôn có ý nghĩa”. Xin hãy nhìn quanh đây, vẫn có rất nhiều người nhận ra ý nghĩa của dịch cúm COVID-19 là lúc họ dấn thân sống vì mọi người; họ lên tuyến đầu để được cống hiến, mở rộng vòng tay với người xa lạ.
Những thai phụ trong phóng sự tài liệu Ranh giới chọn lựa cách phải chiến đấu vì mầm sống họ đang mang trong bụng. Cuộc sống giãn cách không chỉ có bức bối. Có những bậc cha mẹ nhận ra giờ đây họ mới thật sự quan tâm đúng cách đến con. Sự chia ly sinh tử không chỉ có đau buồn mà luôn kèm theo lời nhắn hãy trân trọng những phút giây hiện tại.
Chúng ta cùng nhau ngẫm lại suy nghĩ của Frankl: “Liệu tất cả những đau khổ này, sự chết chóc bao quanh chúng tôi, có một ý nghĩa nào chăng? Vì nếu không thì rốt cuộc chẳng còn ý nghĩa gì để sinh tồn cả; bởi vì nếu ý nghĩa cuộc sống bị phụ thuộc vào những tình huống ngẫu nhiên, ngoài tầm kiểm soát của bản thân thì cuối cùng, dù có tìm được lối thoát hay không, mọi nỗ lực của chúng ta đều vô nghĩa”. Đi tìm lẽ sống luôn tồn tại mãi với thời gian để nhắc nhở chúng ta đừng sống một cuộc đời vô nghĩa.
- "Tình yêu là cách duy nhất để thấu hiểu đến tận cùng một con người. Không ai có thể nhận thức đầy đủ về bản chất của một người trừ khi đã đem lòng yêu thương người ấy”.
- “Nếu một người không thể thay đổi hoàn cảnh khiến mình đau khổ thì người đó vẫn có thể chọn cho mình một thái độ sống”.
- “Con người không chỉ mưu cầu hạnh phúc mà còn tìm kiếm lý do để hạnh phúc thông qua việc đánh thức ý nghĩa tiềm ẩn trong một hoàn cảnh nhất định”.
(Theo bản dịch Đi tìm lẽ sống của First News - Trí Việt
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.