Tự điều trị chàm sữa, trẻ bị biến chứng nặng

14/05/2020 - 16:28

PNO - Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận bé hai tuổi (Q.Tân Phú, TP.HCM) tới khám chàm sữa trong tình trạng mặt bị phù, da teo mỏng...

 

Trẻ bị chàm sữa. Ảnh: minh họa.
Trẻ bị chàm sữa. Ảnh: minh họa.

Ngay khi tiếp xúc, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da của bệnh viện, đã nhận thấy bé gái bị hội chứng Cushing do nhiễm độc corticoid. Mẹ bé cho biết, mấy tháng qua, ngại dịch bệnh COVID-19 nên chị đã không đưa con đi khám. Chị tự ra tiệm thuốc miêu tả bệnh của con để mua thuốc về bôi. Trong bịch thuốc chị mang theo đưa cho bác sĩ xem, đa số đều có thành phần corticoid. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bé bị biến chứng suy tuyến thượng thận do hội chứng Cushing gây ra.

Trường hợp khác là là bé trai con chị P.T.M.H. (Q.8, TP.HCM). Từ lúc hai tháng tuổi, bé bị chàm sữa. Đúng lúc này, dịch COVID-19 bùng phát nên chị H. ẵm con về quê ở một tỉnh miền Bắc để tránh dịch. Ở quê, bệnh của bé ngày thêm nặng, bé khó chịu, quấy khóc cả ngày, bỏ bú, không ngủ. Bé quơ cào khiến hai má chảy máu, rỉ dịch rồi đóng vảy nhìn rất thương nên bà ngoại phải bao hai bàn tay lại để bé khỏi làm mình bị thương. Mới đây, khi bé được năm tháng tuổi, chị H. hốt hoảng khi phát hiện hai bàn tay của bé gần như không nắm duỗi được bình thường. Chị gọi điện cho bác sĩ xin tư vấn thì được yêu cầu phải đưa bé tới bệnh viện khám chuyên khoa. “Bác sĩ nói nếu không can thiệp kịp thời, con tôi có thể bị nhiễm trùng toàn thân, suy tuyến thượng thận hoặc nhiễm trùng máu gây nguy hiểm tính mạng. Tay bé do bị bọc lại lâu ngày để khỏi cào gãi nên mới dẫn tới hạn chế vận động”, chị H. bật khóc.

Theo bác sĩ Vân Thanh, đối với bệnh chàm sữa ở trẻ, sau năm tuổi khoảng 80% sẽ tự khỏi. Bệnh thường khởi phát ở giai đoạn nhũ nhi (từ hai tháng tuổi). Khi bị chàm sữa, ở các vùng như mặt, đầu, mặt co duỗi của các khớp, lưng của trẻ sẽ xuất hiện các hạt mụn nước li ti trên nền da ửng đỏ. Các mụn nước này vỡ ra, tiết dịch, đóng vảy khiến vùng da bị thương tổn dày lên. Miễn dịch tại chỗ ở các bé mắc bệnh chàm sữa rất kém nên dễ bị bội nhiễm, nhiễm khuẩn, đặc biệt là khuẩn tụ cầu vàng. Việc nhiễm khuẩn có thể gây ngứa ngáy, nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng máu, viêm cầu thận, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Đó còn chưa kể trẻ ngứa ngáy, đau nhức dẫn tới bỏ bú, ngủ ít làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thể trạng. Không co duỗi các khớp ngón tay do bị đau, kèm theo phụ huynh hay bao bọc bàn tay lại cho bé khỏi cào còn có nguy cơ khiến các bé bị hạn chế vận động, cầm nắm.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, chăm sóc trẻ mắc bệnh chàm sữa, các bà mẹ cần lưu ý: cho con bú bằng sữa mẹ, tránh bú sữa ngoài. Vì đa phần trẻ bị chàm sữa dị ứng với thành phần của đạm sữa bò, khiến tình trạng bệnh thêm nặng. Bà mẹ nên tránh ăn các món ăn mình bị dị ứng. Trong phòng, hãy đặt những thau nước có miệng rộng để gia tăng độ ẩm trong không khí, nhờ vậy da của trẻ sẽ đỡ bị khô. Vệ sinh sạch sẽ mền gối, phòng ốc; không để cây cảnh, hoa tươi trong phòng. 

Thanh Huyền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI