Tự điều trị biếng ăn, mẹ làm hại con

02/12/2016 - 20:16

PNO - Biếng ăn là khi gây ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của trẻ, không chỉ căn cứ vào lượng thức ăn trẻ nạp vào mỗi ngày mà còn phụ thuộc vào độ đa dạng của thức ăn.

Hiện mỗi ngày phòng khám dinh dưỡng của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM thăm khám khoảng 50-60 trẻ biếng ăn, độ tuổi chủ yếu từ sáu tháng đến ba tuổi. Các bác sĩ ghi nhận nhiều phụ huynh đã phạm sai lầm khi tự điều trị biếng ăn cho con.

Đưa con Lâm Gia Bảo tới phòng khám dinh dưỡng của Bệnh viện Nhi Đồng 1, chị Nguyễn Thùy Trang cho biết bé Bảo tám tháng tuổi, tập ăn dặm từ hai tháng trước nhưng không đạt kết quả: “Tôi cho bé uống nước rau củ luộc, ăn bột sữa, bé đều phun ra. Tôi đổi cho con ăn bột nấu bằng nước xương hầm, trộn thêm rau củ, thịt cá xay nhuyễn, bé vẫn từ chối. Lo con không đủ chất, tôi định mua thuốc trị biếng ăn. Hôm nay đi khám, bác sĩ nói trẻ dưới hai tuổi không được tự ý cho uống thuốc trị biếng ăn. Tôi nghe xong hú hồn”.

Cho con là bé Nguyễn Hải Minh, ba tuổi, uống thuốc trị biếng ăn, chị Nguyễn Thu Hằng (Q.Gò Vấp) đã làm hại con. Ban đầu, thuốc có vẻ hiệu nghiệm, bé Minh ăn mau đói, mập ra trông thấy. Nhưng gần đây bé hay than xót ruột, đau bụng, chị đưa con đi khám, phát hiện bé bị loét dạ dày.

Tu dieu tri bieng an, me lam hai con

Thuốc trị biếng ăn gia truyền mà chị được giới thiệu kiểu truyền tai là loại không rõ nguồn gốc, thành phần, nhiều khả năng kết hợp thêm corticoid. Corticoid trong thuốc làm dịch dạ dày tiết ra nhiều khiến cơ thể mau đói nhưng lại gây loét dạ dày, tăng huyết áp, loãng xương, phù nề. Bé Minh trông mũm mĩm là do tác dụng giữ nước của corticoid.

Bác sĩ Hoàng Thị Tín - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận định, tình trạng phụ huynh tự ý dùng thuốc trị biếng ăn cho trẻ rất phổ biến, dù không kiểm soát được nguồn gốc, thành phần của thuốc. Bác sĩ Tín cho biết, muốn điều trị biếng ăn cho trẻ, trước tiên phải đánh giá đúng tình trạng chứ không căn cứ vào cảm quan của người mẹ.

Biếng ăn là khi gây ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của trẻ, không chỉ căn cứ vào lượng thức ăn trẻ nạp vào mỗi ngày mà còn phụ thuộc vào độ đa dạng của thức ăn. Trẻ chỉ ăn một loại thức ăn, dẫn tới thiếu chất cũng được cho là biếng ăn.

Phụ huynh có con biếng ăn cần tránh sử dụng thuốc, bổ sung vi chất tùy tiện. Trẻ dưới hai tuổi tuyệt đối không được dùng thuốc. Thuốc có tác dụng kích thích vào trung khu thần kinh tạo cảm giác thèm ăn. Điều này không tốt cho trẻ nhỏ vì hệ thần kinh của bé còn quá non nớt. Uống các loại thuốc chữa biếng ăn trộn corticoid, cơ thể bị giữ nước, gây loãng xương. Việc bổ sung vitamin, vi chất cho trẻ cũng không được tùy tiện. Nhiều bà mẹ mua vitamin

B1 cho con uống là không sai, do B1 rất cần cho sự chuyển hóa thức ăn, có nhiều trong thịt, gạo nhưng lại không bền dưới tác động của nhiệt độ. Tuy nhiên, cơ thể trẻ chỉ cần tối đa 0,5 miligam/1.000 kcal, nhiều hơn sẽ phản tác dụng, gây chán ăn cho trẻ.

Tu dieu tri bieng an, me lam hai con
Bác sĩ Tín đang tư vấn cho một trường hợp biếng ăn - Ảnh: THANH HUYỀN

Thông thường, trẻ em cần thử từ bảy đến cả chục lần mới đồng ý tiếp nhận món ăn mới. Thấy trẻ nhăn mặt khi ăn món mới, phụ huynh đừng vội kết luận rằng con không thích mà bỏ qua làm trẻ càng ít có cơ hội ăn đa dạng. Trong bữa ăn cần có sự tương tác với trẻ, không thúc ép trẻ ăn theo chủ quan của người lớn.

Bác sĩ Tín cho biết, trẻ chỉ ăn ba - bốn cữ/ngày sẽ ăn tốt hơn các trẻ ăn quá nhiều cữ. Phụ huynh cũng cần thay đổi quan niệm trẻ ăn đủ là phải mập mạp. Nhiều bé béo tốt nhưng khi đi khám vẫn bị thiếu vi chất.

Cân nặng của trẻ phải tương xứng với chiều cao và độ tuổi. Trẻ dưới sáu tháng tuổi tăng khoảng 600-800 gram/tháng là đạt, nhưng với các bé lớn hơn một tuổi, mỗi tháng chỉ cần tăng khoảng 200 gram. Phụ huynh nên đưa con đi khám dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung vi chất nếu thiếu, tránh tự ý dùng thuốc, thực phẩm chức năng.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI