Từ dịch viêm phổi, cần đóng cửa thị trường buôn bán động vật hoang dã

10/02/2020 - 15:15

PNO - Việt Nam cần hành động mạnh mẽ để đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc ngăn chặn dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

“Việt Nam đã từng chịu ảnh hưởng và thiệt hại về người và của đối với các dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ động vật như dịch SARS và hiện tại là virus corona (2019-nCoV). Để tránh sự bùng phát của các dịch bệnh này, Việt Nam cần đóng cửa vĩnh viễn các thị trường buôn bán động vật hoang dã trái phép và tăng cường thực thi pháp luật.

Phản ứng nhanh đối với dịch cúm do virus corona, chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã. Việt Nam cần có những hành động tương tự để đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc ngăn chặn dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật trong tương lai”, Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc tổ chức WWF - Việt Nam bày tỏ trong một thông báo phát đi từ Hà Nội, ngày 10/2.

WWF – Việt Nam trích dẫn thông cáo của WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) cho biết, virus corona gây bệnh trên động vật, và có thể truyền từ động vật sang người. Do đó, WWF sẽ làm việc chặt chẽ với các chính phủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để tiếp tục tăng cường hệ thống pháp lý quốc gia và quốc tế cũng như vận động sự tham gia của ngành y tế công cộng nhằm chấm dứt nạn buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã, bao gồm đóng cửa các thị trường buôn bán các loài hoang dã chưa được quản lý.

Cảnh mua bán động vật hoang dã công khai tại miền tây, Việt Nam. Ảnh: Hoàng Nhiên
Cảnh mua bán động vật hoang dã công khai tại miền tây Việt Nam - Ảnh: Hoàng Nhiên

Theo WWF, loại virus corona có khả năng tự biến đổi và trú ngụ tại vật chủ là động vật có vú và truyền sang người ở những nơi con người tiếp xúc gần với các loài thú mang bệnh. Vì vậy các thị trường buôn bán động vật hoang dã tạo ra một môi trường tiềm ẩn nguy cơ cao cho các loại virus như thế này biến đổi và lây sang con người và, đôi khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Thêm vào đó, sự thuận tiện của giao thông và phát triển du lịch khiến cho việc phát tán virus từ người mắc bệnh trở nên dễ dàng, các ổ dịch cục bộ có thể nhanh chóng phát triển thành đại dịch.

“Những tác động tiêu cực của việc buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã lên tới quần thể của chúng và đa dạng sinh học toàn cầu đã được biết đến rộng rãi, tuy nhiên ảnh hưởng của việc buôn bán này đối với sức khoẻ của con người hiện nay vẫn còn hạn chế và ít được quan tâm. Bệnh dịch do virus corona mới xuất hiện, dịch SARS, MERS và những dịch tương tự khác đã bùng phát trong lịch sử cận đại cho thấy cần phải hành động khẩn trương và tăng cường nâng cao nhận thức về các nguy cơ tiềm ẩn tới sức khỏe con người do buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã gây ra’’, WWF bày tỏ.

Cũng theo WWF, các thị trường buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã còn sống hay đã chết rất phổ biến ở nhiều nước châu Á, đặc biệt là ở lưu vực sông Mekong, trong đó có Việt Nam, khu vực Tam giác vàng - điểm gặp nhau giữa Thái Lan, Lào và Myanmar, rất gần với biên giới Trung Quốc nên rất đáng lo ngại.

“Những kẻ săn trộm trải bẫy khắp nơi để săn bắt thú rừng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở khu vực và đã trở thành vấn nạn phổ biến ở các nước. Kết cục là rất nhiều khu rừng nhiệt đới ở châu Á đang trở thành rừng rỗng, không còn các quần thể thú đặc hữu, quý và hiếm. Vì vậy việc buôn bán các loài hoang dã này cần phải được cấm tuyệt đối. Đáng tiếc là, nhiều quốc gia đã có luật cấm buôn bán, săn bắt các loài hoang dã nguy cấp, nhưng việc thực thi pháp luật đối với các thị trường bất hợp pháp này dường như bị bỏ ngỏ”, WWF dẫn chứng.

Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI