Ngắm nhìn nhan sắc và thần thái rạng ngời của người phụ nữ này, ít ai biết rằng chị đã từng phải chống chọi với những sóng gió hôn nhân cùng căn bệnh "chết người" của nhiều phụ nữ sau sinh: trầm cảm. Thế nhưng nghị lực vươn lên trong cuộc sống, biết cách rũ bỏ những nhân tố cản trở trên chặng đường đi tìm hạnh phúc đã khiến chị hồi sinh trở lại và ngời sáng ở độ tuổi kề 40 - độ tuổi chín muồi của người phụ nữ. Chị chính là Nguyễn Trúc Phương, người mà hẳn, hàng ngàn chị em trong hội đàn bà A-Z không xa lạ gì.
|
Chị Trúc Phương. Ảnh: NVCC |
Đã có dấu hiệu trầm cảm khi sinh em bé đầu lòng không khỏe mạnh
Mười lăm năm trước, cô gái trẻ Nguyễn Trúc Phương với sự hăng say và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa đại học với bao hoài bão và dự định phía trước. Tuy nhiên trên một chuyến xe, chị đã gặp người đàn ông định mệnh. Sau tiếng sét ái tình, đám cưới rộn ràng diễn ra trong niềm hạnh phúc ngất ngây của người con gái trẻ, với sự tự tin vào cảm quan đã lựa chọn đúng người đàn ông thực sự của đời mình.
Rồi chị có tin mừng trong niềm hạnh phúc khôn xiết của cả hai vợ chồng và đôi bên bố mẹ. Tuy nhiên, em bé bị sinh non khiến chị chới với trong lo lắng. Con được đưa vào nuôi trong lồng kính, chị bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm. Nhưng do bên cạnh luôn có người chồng động viên nắm bàn tay chị, và mẹ đẻ kề vai sát cánh - nên chị lấy lại được tinh thần.
Thế nhưng, khi con trai đầu mới được tám tháng tuổi, chị lại để mình cấn bầu lần hai . Dù tâm trạng rối bời chị vẫn cương quyết giữ đứa bé lại. Những tháng ngày đó quả thật khó khăn khi chị vừa phải dưỡng thai, vừa chăm con lớn sinh non èo uột.
Nhưng rồi mọi chuyện cũng ổn khi chị sinh bé thứ hai mẹ tròn con vuông. Cứ ngỡ chị đã có một gia đình quá trọn vẹn khi hai con trai gái đã đủ bi bô, rộn ràng.
Sụp đổ khi biết người chồng hết mực tin tưởng thay lòng đổi dạ
Một buổi chiều mưa gió tháng 10 năm 2010, chị tình cờ phát hiện ra đôi bao tay phụ nữ ở cốp xe của chồng khi anh tan làm từ cơ quan về. Chị gặng hỏi nhưng anh nói vật đó của chị đồng nghiệp. Anh mới cho chị này mượn xe, chắc chị để quên. Tạm thời tin nhưng với cảm quan của người phụ nữ, chị đã bắt đầu nhen nhóm mối nghi ngờ.
Chị để ý thấy có một số điện thoại lạ thường xuyên gọi vào máy chồng. Và một lần kiểm tra điện thoại trong khi anh nhậu say, chị choáng váng khi đọc được tin nhắn chồng vừa gửi vào số máy này "anh nhớ em, chỗ cũ nhé". Đầu óc chị quay cuồng. Nhìn hai thiên thần nhỏ đang say giấc, và người chồng phản bội đang vô tư chìm sâu vào giấc ngủ, lòng chị đau đớn như có ai bóp nát trái tim mình.
Sáng hôm sau, chị gửi con, bắt một cuốc xe ôm và bám theo chồng. Chị đã ngất xỉu tại quán nước khi chứng kiến cảnh chồng và một cô gái ôm hôn nhau. Khi tỉnh dậy chị chỉ thấy một màu trắng toát của bệnh viện. Chị đòi về ngay vì lo cho con nhỏ ở nhà. Nhưng rồi 24 tiếng mỗi ngày chị trơ trơ không thể ngủ. Sự thật về người chồng phản bội đã thực sự đánh gục chị, khiến chị hoàn toàn suy sụp. Chị liên tục phải dùng đến sự hỗ trợ của thuốc an thần.
Thấy tình hình Trúc Phương như vậy, chồng đã đưa chị đến một phòng khám tư, bác sĩ này đã kê cho chị rất nhiều thuốc. Nhờ loại thuốc "thần kỳ" này chị có thể ngủ li bì, nhưng sau khi thuốc hết tác dụng, chị cảm thấy người vô cùng bứt rứt khó chịu. Sau ba tuần, chị cảm thấy tình hình không ổn, liền đề nghị được đưa vào bệnh viện thăm khám lần nữa. Tại đây, các bác sĩ chuẩn đoán chị bị trầm cảm thể nặng và nghiện thuốc ngủ liều cao. Chị được chỉ định nhập viện ngay sau đó.
|
Ít ai ngờ người phụ nữ căng tràn sức sống này đã từng đối diện với căn bệnh trầm cảm thể nặng. Ảnh: NVCC |
Trong những ngày điều trị nội trú này, chồng chị có mặt liên tục để chăm sóc vợ. Nhưng trong một lần anh ra ngoài có việc và để quên điện thoại, số điện thoại lạ đó lại gọi đến. Khi chị vừa nhấc máy thì bên kia là giọng nữ: "Anh đang ở đâu, sao không về ăn cơm?". Trúc Phương trả lời: "Tôi là vợ anh ấy, chị gọi chồng tôi có việc gì?". Lập tức phía bên đầu dây cất giọng khiêu khích "Ô hô, có chồng mà không biết giữ". Đúng lúc đấy chồng chị đi vào chụp lấy điện thoại. Trong cơn quẫn bách, chị cầm con dao gọt hoa quả sẵn trên bàn, rạch một đường dài trên cổ tay toan tự tử.
Chìm vào "trạng thái điên" vì thực sự không muốn tỉnh
Sau biến cố đó, chị chính thức trở thành "bệnh nhân trung thành" của bệnh viện tâm thần TP. HCM. Việc yêu thích của chị hằng ngày là đưa cái cạp quần (quần dành cho bệnh nhân tâm thần điều trị lâu dài trong bệnh viện) lên miệng để cắn. Người nhà đến thăm, ai ai nhìn chị cũng đau lòng. Mặc ai khóc xót thương, chị vẫn cứ bình thản... cắn cái cạp quần. Riêng chồng chị biết rõ nguồn cơn dẫn đến tình trạng phát bệnh của chị, nhưng toan giấu giếm và im bặt.
Đến ngày thứ 15 điều trị tại bệnh viện, mẹ chị dẫn hai đứa con thơ đến thăm. Nghe tiếng trẻ bi bô và hình hài quá đỗi thân thương của con nhỏ, từ trong tiềm thức chị giật mình bừng tỉnh. Chị xót xa nghĩ, nếu mình bệnh, mình chết đi thì ai sẽ là người đứng ra lo cho các con? Hai thiên thần nhỏ của chị sẽ bơ vơ trước cuộc đời này. Và chị quyết định phải mạnh mẽ ngẩng cao đầu để hồi sinh lại lần nữa, vì con và cho con.
|
Từ dưới đáy sâu tăm tối của bệnh tật và sự phản bội, chị bừng tỉnh và hồi sinh trở lại để làm chỗ dựa vững chắc cho các con. Ảnh: NVCC |
Sau đó là những chuỗi ngày ra viện, đấu tranh tư tưởng giữa đi hay ở. Cố gắng để các con có bố, có một gia đình trọn vẹn, chị đã hy sinh nhịn nhục rất nhiều. Nhưng rồi tất cả phải có giới hạn của nó. Sau nhiều năm chịu đựng thói trăng hoa của chồng, chị quyết định bế con ra khỏi ngôi nhà, địa ngục trần gian đó, với hai bàn tay trắng, cương quyết làm lại từ đầu.
Từ bị phản bội đến sự hồi sinh kỳ diệu, chị đi truyền cảm hứng sống cho những phụ nữ bất hạnh khác
Chị bế con ra khỏi nhà với "tài sản" chỉ vỏn vẹn 500 ngàn đồng trong túi. Sau đó là những tháng ngày Phương lao vào làm việc quên ngày quên đêm. Để tự cứu lấy bản thân mình, chị đã đi học rất nhiều khóa học trang bị kỹ năng sống. Chị dần dần lấy lại được sự tự tin. Người phụ nữ, khi bản thân bị dồn đến bước đường cùng - thì sức mạnh phản kháng của họ khi được bùng lên, sẽ mạnh mẽ và có sức lan tỏa hơn mọi ngọn đuốc âm ỉ khác.
Sau hai năm vừa học vừa làm, vừa nuôi con, chị dần dần ổn định về mặt tài chính. Đến nay, chị đã có trong tay một công ty chuyên kinh doanh phân phối sản phẩm làm đẹp đến từ Hàn Quốc. Và một công việc chị tâm đắc hơn cả là chuyên viên tư vấn tâm lý cho những chị em đang gặp bế tắc trong cuộc sống.
|
Chị Trúc Phương (trái) thường xuyên gặp gỡ những thành viên của diễn đàn "Đàn bà A -Z" để chia sẻ trải nghiệm sống và định hướng con đường phát triển cho chị em đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Ảnh NVCC |
Chị còn là thành viên tích cực của diễn đàn "Đàn bà A-Z" với vai trò là người kết nối các thành viên, tư vấn tâm lý và truyền cảm hứng sống tích cực cho rất nhiều chị em đồng cảnh ngộ khác. Chị vẫn không thôi mơ ước về ngôi nhà "A full house of A - Z Woman".
|
Hội ngộ các thành viên thân thiết của diễn đàn "Đàn bà A - Z" trong ngày chị được vinh danh và nhận giải nhất cuộc thi "Mạnh mẽ sống" do diễn đàn này đứng ra tổ chức. Ảnh NVCC |
Khi được hỏi nhận định cá nhân của chị về quan niệm "phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng" hay "hơn nhau ở chính mình", chị khẳng định: "Phụ nữ hơn nhau ở thái độ sống. Thăng trầm của mỗi người phụ nữ trên chặng đường đời là khác nhau, thái độ đối xử của người phụ nữ với khó khăn đó mới quyết định họ hạnh phúc hay bất hạnh".
Chị cũng muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng, hãy đi học các khóa huấn luyện kỹ năng sống, kể cả phải bỏ tiền túi đi học, vì "lời lãi" học viên nhận được sẽ càng gấp bội, nhất là giai đoạn càng về sau của cuộc đời. Ngoài ra, chị em hãy học cách cân bằng cảm xúc, để có thể đối diện với mọi sóng gió cuộc sống ấp tới bất ngờ mà không bị rơi vào trạng thái chới với.
|
Học cách cân bằng với cảm xúc, tự tạo niềm vui cho chính mình là cách mà Trúc Phương vượt qua mọi khó khăn có thể bất ngờ ập đến trong cuộc sống. Ảnh: NVCC |
Ngoài ra, chị cũng chia sẻ với mọi người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em, cần cẩn trọng với bệnh trầm cảm. Trầm cảm đang là căn bệnh của xã hội và bất kỳ ai cũng có thể vướng vào. Nó không nặng như HIV, không gây nghiện như thuốc phiện và cũng không có thể sàng lọc chính xác như ung thư. Thế nhưng nó ngấm ngầm giết chết nhân loại mỗi ngày.
Các bé có nguy cơ trầm cảm khi lớn lên trong không khí gia đình nặng nề, bố mẹ đánh chửi nhau trước mặt con cái.
Trầm cảm đến dần dần khi các mẹ ép cho con mình ăn để cân nặng bằng bạn bằng bè, mà không hiểu rằng mỗi bé có cơ địa và thể trạng khác nhau. Trầm cảm đến khi bố mẹ bắt con học triền miên ngày lẫn đêm, chỉ để có thành tích nở mày nở mặt với thiên hạ.
Những nguy cơ đó dần dẫn chúng ta đến cái hố sâu của chứng trầm cảm chết người. Trong quá trình o ép đó, bé bị trầm cảm mà người mẹ ép uổng con cái, tạo nên bầu không khí căng thẳng cũng có nguy cơ trầm cảm cùng con.
|
Hai thiên thần nhí nhảnh một trai một gái làm động lực sống của chị thêm phần mạnh mẽ. Ảnh: NVCC |
Cuộc sống hiện tại của chị bình yên bên hai bé. Các cháu càng lớn càng ngoan và là người bạn song hành, chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn cùng mẹ trong cuộc sống. Dù Trúc Phương ly hôn chồng đã lâu, nhưng ba mẹ chồng cũ vẫn dành tình cảm đặc biệt cho chị, yêu thương con dâu cũ còn hơn con đẻ.
Chị cũng muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, đừng sợ "sống chung với mẹ chồng". Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Các bạn trẻ hãy là người gieo hạt giống tâm hồn trước, và các bạn sẽ nhận được tình cảm chân thành tương tự từ những người tưởng như "khác máu tanh lòng" ấy.
Minh Thuật