“Tôi đọc các tin nhắn và không tin nổi đây là cuộc nói chuyện giữa hiệu trưởng với các em học sinh. Những tin nhắn tục tĩu, bệnh hoạn và tởm lợm. Ông hiệu trưởng Đinh Bằng My thể hiện rõ sự thèm khát của mình với các em. Đấy là bằng chứng tôi đánh giá rất chân thực, không thể chối cãi về hành vi phạm tội của ông này”.
Đó là nhận định của phóng viên Anh Tuấn (Chuyển động 24h - VTV), một trong những người đầu tiên vào cuộc điều tra vụ việc hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ xâm hại tình dục nam sinh. Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có trao đổi với phóng viên Anh Tuấn xung quanh quá trình điều tra này.
* Để có thể phanh phui hành vi đáng sợ của ông Đinh Bằng My, anh đã tiếp cận vụ việc thế nào và từ đâu?
Phóng viên (PV) Anh Tuấn: Đầu tháng 11/2018, đường dây nóng Chuyển động 24h nhận được điện thoại của một người, xin được giấu danh tính, tố cáo ngắn gọn về vụ việc. Họ cũng không nói rõ ràng, chỉ nói là nghe thấy và biết thông tin về đường dây dâm ô trên địa bàn huyện Thanh Sơn, có liên quan đến ông Đinh Bằng My. Lúc đầu, tôi cũng hoài nghi về tính chân thực nhưng ngay sau đó tôi gọi điện lại và nói chuyện với nguồn tin này. Tôi nghĩ đây là đường dây giống như ở tỉnh Hà Giang, vụ Sầm Đức Xương. Là thầy giáo thực hiện hành vi dâm ô và có thể cả môi giới mại dâm cho các nữ sinh. Nhưng khi tôi hỏi kỹ, thì đây lại là vụ việc liên quan đến nam sinh ở trường học. Tôi nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, chạm tới giới hạn hành vi, đạo đức con người, chứ chưa nói đến người thầy.
Căn phòng nơi ông Đinh Bằng My có hành vi xâm hại các em.
|
* Trong quá trình điều tra, anh và các đồng nghiệp gặp những khó khăn gì? Việc tiếp cận những nạn nhân trong vụ việc có trục trặc gì không?
Trong một tháng qua, để điều tra vụ việc này, chúng tôi đã không biết bao nhiêu lần ngược xuôi lên địa bàn đó, tìm gặp các nạn nhân. Việc gặp để thuyết phục các em lên tiếng không phải dễ dàng, bởi đây là câu chuyện các em muốn chôn giấu trong lòng, không muốn kể với ai, vì ngại, xấu hổ và lo sợ. Có những em đang là học sinh của trường, nhiều em cũng chỉ mới ra trường.
Có khi tôi đi cả ngày chỉ gặp một em, có khi chẳng gặp được em nào hoặc khi đến gặp thì các em từ chối chia sẻ. Tuy nhiên, ngay từ đầu chúng tôi xác định phải thu thập được bằng chứng, gặp các em được cho là nạn nhân nhiều nhất có thể. Em nào lên tiếng, chúng tôi sẵn sàng gặp và lắng nghe câu chuyện của các em.
Chúng tôi đã tìm gặp được khoảng mười em trong suốt quá trình làm việc. Nhưng tôi biết rằng, trên thực tế số nạn nhân nhiều hơn rất nhiều. Bởi qua câu chuyện của những em chúng tôi gặp được, các em còn biết các bạn khác cũng là nạn nhân, kể vanh vách và nhớ rất rõ. Có thể do các em cùng hoàn cảnh, dễ chia sẻ, dễ nói chuyện.
* Qua lời kể của những em học sinh, nhóm của anh đã thu thập được những bằng chứng gì để tố giác hành vi của ông Đinh Bằng My?
Tôi nghĩ trong vụ việc này, mười người đủ để nói lên hành vi tội ác của hiệu trưởng. Ngoài ra, tôi cũng thuyết phục xem các em còn bằng chứng gì về hành vi lạm dụng tình dục, dụ dỗ thực hiện hành vi khủng khiếp như vậy thì hãy chia sẻ với chúng tôi. Trong điện thoại của các em còn lưu tin nhắn của ông My. Ông này nhắn tin gọi các em lên phòng, nhắn tin chia sẻ, nói chuyện hằng ngày.
Tôi đọc các tin nhắn và không tin nổi đây là cuộc nói chuyện giữa hiệu trưởng với các em học sinh. Những tin nhắn đó quá tục tĩu, bệnh hoạn và tởm lợm. Ông My thể hiện rõ sự thèm khát của mình với các em. Đấy là bằng chứng tôi đánh giá rất là chân thực, không thể chối cãi về hành vi phạm tội của ông My.
Chúng tôi cũng dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác để tìm ra các bằng chứng chắc chắn, khẳng định rằng ông My đã có hành vi như vậy.
* Được nghe câu chuyện của nạn nhân với tư cách là người trưởng thành, anh cảm thấy thế nào?
Từ đầu, tôi không tin vào thông tin nghe từ người tố cáo. Tôi bị sốc, bất ngờ và bàng hoàng. Tôi đã đặt ra nhiều nghi vấn nhưng khi trực tiếp gặp các em thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi thấy câu chuyện này vượt qua trí tưởng tượng của tôi, không nghĩ nó diễn ra ngoài đời thực. Tôi đau xót và cảm thấy thương các em rất nhiều, vì mình cũng là một người cha. Con rơi vào hoàn cảnh đó, bố mẹ nào chẳng đau xót.
Ánh mắt sợ hãi của các em khi kể lại vụ việc.
|
* Trong quá trình điều tra, anh và các đồng nghiệp có gặp áp lực gì không?
Áp lực của chúng tôi là làm sao thu thập được bằng chứng, chứng minh hành vi phạm tội, đưa vụ việc này ra ánh sáng trong thời gian nhanh nhất. Nếu để kéo dài, sẽ có những em bị tái diễn hành vi đó. Rất có thể sẽ có thêm học sinh mới trở thành miếng mồi của ông này.
* Cảm xúc của anh thế nào sau khi phóng sự được lên sóng?
Khi đó, trong đầu tôi quá nhiều suy nghĩ, cảm xúc dồn về khiến tôi quá tải. Mọi thứ chỉ dừng lại ở bằng chứng chúng tôi đưa ra, còn ông My thì đang phủ nhận hành vi đó. Nên tôi rất lo không biết vụ việc đi về đâu, có được xử lý triệt để hay không. Nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Áp lực lớn nhất là phải làm sao cho cơ quan chức năng vào cuộc. Rất may mắn Công an tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc kịp thời.
Chúng tôi cũng lo lắng rất nhiều khi có nguồn tin cho biết, các thầy cô trong trường nói với học sinh khi làm việc với công an hãy nói giảm nhẹ tội cho ông My. Tôi lo những đứa trẻ khi gặp sự tác động như vậy, tính chất vụ việc sẽ sai lệch theo hướng giảm nhẹ. Rất may, những học sinh tôi tiếp xúc rất trưởng thành, không ngại khó khăn, các em rất thành thật, dũng cảm.
* Với sự đón nhận của dư luận, phải khẳng định phóng sự của anh đã thành công. Nhưng liệu còn góc khuất nào chưa thể phơi bày?
Tất nhiên, góc khuất trong vụ việc này, những thứ kinh tởm, đen tối nhất đều được đưa ra ánh sáng. Trong quá trình điều tra, thứ mà tôi cảm thấy bức xúc, phẫn nộ nhất là thái độ của người trong cuộc. Ở đây, những người đầu tiên mà tôi nhắc đến, chính là thầy cô mang danh là những người đứng trên bục giảng để dạy đạo đức cho các em. Họ làm tôi thất vọng và mất niềm tin.
Một vài em nói rằng, trong trường có thầy cô được ông My chuyên nhờ để gọi các em lên. Vụ việc này diễn ra nhiều năm thì việc nhờ thầy cô gọi lên, không thể có chuyện thầy cô không biết. Các bằng chứng cho thấy họ hoàn toàn câm lặng. Có học sinh nói với tôi rằng, sau khi lên gặp ông My, thầy cô còn hỏi trêu là “hôm nay có được cho ăn kẹo mút không”.
Tôi hỏi “em trả lời thế nào” thì em bảo không trả lời gì cả mà im lặng. Chính sự im lặng ấy mới là nỗi đau. Trong số các em được gọi lên, chỉ số ít dám phản kháng, đó là bỏ chạy khi ông My giở hành vi đồi bại. Một số khác nói rằng quá sợ, vì ông ấy là hiệu trưởng, có khả năng đe dọa các em. Có em nói rằng nói ra sẽ bị đuổi học. Chính vì vậy, những đứa trẻ thường chọn im lặng.
An Vũ (thực hiện)