Từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, chúng ta học được gì để đối phó với đại dịch COVID-19?

24/08/2020 - 06:00

PNO - Trong cuộc họp báo về COVID-19 ngày 21/8/2020, WHO đã nhắc đến dịch cúm năm 1918 như là lời cảnh báo về sự khủng khiếp của dịch bệnh đối với loài người.

Mới đây, trong một cuộc họp báo về tình hình COVID-19 vào ngày 21/8/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã phải một lần nữa nhắc lại đại dịch cúm xảy ra năm 1918 như là một lời cảnh báo về sự khủng khiếp của dịch bệnh đối với loài người.

jdfubro broe
Hơn 500 triệu người bị lây nhiễm, 50 triệu người tử vong bởi đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 - Ảnh: Getty Images

 

Đại dịch cúm Tây Ban Nha - “Mẹ của tất cả các loại dịch bệnh

Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 là một trong những đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người với hơn 500 triệu người trên toàn thế giới (khoảng một phần ba dân số lúc đó) bị lây nhiễm, 50 triệu người tử vong, và một số cộng đồng dân cư bản địa bị tuyệt chủng. Con số người chết có thể còn cao hơn nhiều nếu khả năng ghi chép và thống kê thời bấy giờ được cải thiện.

Đại dịch cúm 1918 được phát hiện lần đầu tiên ở Châu Âu và Hoa Kỳ trước khi nhanh chóng lan rộng khắp ra khắp thế giới. Vào thời điểm đó chưa có vắc-xin phòng bệnh cũng như không có thuốc điều trị hiệu quả cho căn bệnh này.

Không ai biết chính xác chủng cúm đặc biệt gây ra đại dịch cúm Tây Ban Nha xuất phát từ đâu ngoài việc nó được phát hiện lần đầu tiên vào mùa xuân năm 1918 ở Châu Âu. Sau đó lan sang Châu Mỹ và một số khu vực ở Châu Á trước khi tấn công hầu như toàn thế giới chỉ trong vòng vài tháng và tiếp tục gây chết chóc với 02 làn sóng dịch bệnh liên tiếp vào mùa thu và mùa đông các năm 1918 - 1919.

ưgsrfbvrs ibf3u
Đại nhạc viện Oakland Municipal Auditorium ở California được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến với sự tham gia cứu chữa của các tình nguyện viên thuộc Hội chữ thập đỏ Mỹ năm 1918 - Ảnh: Getty Images

 

Mặc dù có tên gọi là Cúm Tây Ban Nha, nhưng “quê hương” của căn bệnh này có vẻ không bắt đầu ở Tây Ban Nha. Thời đó, Tây Ban Nha là một quốc gia trung lập trong chiến tranh và không thực thi kiểm duyệt chặt chẽ các nguồn thông tin báo chí, chính vì vậy, người ta tin rằng, việc các bản tin về bệnh cúm được tự do xuất bản ở đất nước này khiến mọi người “đóng đinh” trong đầu rằng dịch bệnh này xuất phát từ Tây Ban Nha. 

Một điểm bất thường của đại dịch cúm 1918 khiến nhiều nhà khoa học đau đầu, và kể từ khi được nêu ra vào đầu những năm 1990 thì cho đến nay sau 30 năm, giới nghiên cứu y khoa vẫn còn “nợ” câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao bệnh dịch này có thể gây tử vong với số lượng lớn đến như thế, và cả với những người trẻ tuổi?”.

Quả thật như vậy khi đại dịch cúm Tây Ban Nha đã “hạ knock out” nhiều người trẻ tuổi khỏe mạnh vốn được xem là có hệ miễn dịch mạnh đủ sức tự chống lại được các loại bệnh truyền nhiễm. 

bebfuwf biwr
Thanh niên vẫn là đối tượng nhiễm bệnh cao trong đại dịch 1918 - Ảnh tư liệu

 

“Tốc độ lây lan và sức tàn phá khủng khiếp của nó đã đánh gục hầu như mọi thứ theo cách không thể tưởng tượng được. Và hậu quả là 1/3 dân số trên trái đất này đã nhiễm bệnh”, WHO đã phát biểu như vậy trong một báo cáo về đại dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra năm 1918.

Và giờ đây, vào năm 2020, khi mà cả thế giới đang oằn mình trước “cơn bão COVID-19” thì những bài học rút ra được từ đại dịch 1918 cũng có thể hữu ích giúp loài người tìm cách chế ngự đại dịch của thế kỷ 21 gây ra bởi coronavirus.

Bài học số 1: Không được dừng “giãn cách xã hội” quá sớm

Trong suốt thời gian xảy ra đại dịch cúm Tây Ban Nha, người ta đã dừng việc thực hành giãn cách xã hội quá sớm, dẫn đến sự quay trở lại của làn sóng lây nhiễm thứ 2 với quy mô và tốc độ khủng khiếp hơn cả giai đoạn 1. Đây là nhận định của các nhà dịch tễ học khi nghiên cứu sâu về đại dịch 1918.

Một cuộc tụ tập đông người khi giai đoạn 1 của dịch bệnh sắp bị khống chế đã thổi bùng lên làn sóng dịch bệnh thứ 2. Câu chuyện xảy ra ở thành phố San Francisco (Mỹ) khi số ca nhiễm bệnh đã được đẩy xuống gần chạm mức zero thì nhiều vị có chức sắc trong hội đồng thành phố kêu gọi “Hãy mở cửa thành phố. Hãy cho phép dân chúng được tuần hành ăn mừng. Đã đến lúc chúng ta được cho phép tháo khẩu trang khi ra đường”, tiến sĩ Larry Brilliant, chuyên gia dịch tễ học mô tả lại. “Và thế là, trong vòng 02 tháng sau những cuộc tụ tập đông người do lệnh giãn cách xã hội bị gỡ bỏ, “cơn sóng thần” dịch cúm đã tấn công cư dân thành phố trở lại khiến không ai kịp trở tay”.

Ở phía bờ bên kia của nước Mỹ, Philadelphia cũng phải gánh chịu một hậu quả chết chóc tương tự. Mặc dù 600 thủy thủ trên chiến hạm hải quân Philadelphia bị xác nhận mắc cúm Tây Ban Nha vào đầu tháng 9/1918, các quan chức của thành phố này vẫn liều lĩnh không chịu hoãn một cuộc diễu binh lớn đã được lên lịch diễn ra vào ngày 28/9/1918.

vrufvue
Cuộc diễu binh của Hải quân Philadelphia ngày 28/9/1918 đã gây ra tai họa khủng khiếp với sự quay trở lại của làn sóng thứ 2 của dịch cúm Tây Ban Nha - Ảnh: U.S. Naval History and Heritage Command

 

Ngay lập tức, chỉ 03 ngày sau buỗi lễ diễu binh, Philadelphia đã nhận được “quả đắng” với 635 ca nhiễm cúm Tây Ban Nha. Đây là chi tiết được tiết lộ trong một báo cáo nghiên cứu do Trung tâm lưu trữ thuộc Đại học Pennsylvania thực hiện.

“Chỉ trong nháy mắt, Philadelphia đã trở thành thành phố chết với số lượng người tử vong do dịch cúm cao nhất nước Mỹ”, nghiên cứu từ Đại học Penn cho biết.

Ngược lại, St. Louis - vốn cũng đã có kế hoạch cho một cuộc diễu binh tương tự nhưng, may mắn thay, kịp thời hủy bỏ, và nhờ thế, đã không phải gánh chịu cơn giận dữ của “thần chết” mang tên dịch cúm Tây Ban Nha. “Tháng tiếp theo, trong khi số người chết ở Philadelphia đã vọt lên hơn 10.000 người thì ở St. Louis, con số tử vong đã được khống chế ở mức không quá 700”, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cho biết.

Các nhà khoa học trong lĩnh vực Y tế công cộng đã quan sát đại dịch 1918 và nhận thấy, những địa phương có sự lơ là chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp cách ly hay giãn cách xã hội đều có số ca tử vong vượt “đỉnh của đỉnh”, tức là, cứ vừa công bố đỉnh dịch thì chỉ vài ngày sau đã có đỉnh mới được ghi nhận.

“Tôi có thể sử dụng hình ảnh những cơn sóng thần (tsunami) cho dễ hình dung. Tức là, cơn sóng sau sẽ nối tiếp và vượt lên cơn sóng trước”, tiến sĩ Larry giải thích. “Và mức độ của những ngọn sóng đó như thế nào thì hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ của con người đối với dịch bệnh”.

sddidbi
Một khu vực cách lý ngoài khơi mang tên Căn cứ Bệnh viện Hải quân Hoa Kỳ được tổng thống John Adams ra lệnh thiết lập năm 1798 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh - Ảnh: cdc.gov

 

Bài học số 2: Những người trẻ tuổi vẫn nhiễm bệnh 

“Thực tế thì, đại dịch 1918 đã giết chết nhiều người trẻ khỏe, những đối tượng vốn bị chủ quan do nghĩ rằng, hệ miễn dịch của họ có đủ khả năng chống lại dịch bệnh”, Giáo sư John M. Barry tại trường đại học Y tế Công cộng và bệnh Nhiệt đới Tulane (Mỹ) cho biết.

Có khoảng ⅔ ca tử vong rơi vào nhóm đối tượng có độ tuổi từ 18 đến 50, “và độ tuổi có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất là 28”, giáo sư Barry, tác giả của cuốn sách “Câu chuyện về đại dịch chết chóc khủng khiếp nhất trong lịch sử” (The Great Influenza: The Story of the Deadliest Pandemic in History) cho biết.

bsdviu jwb
Những cậu bé mang trên cổ một túi vải nhỏ với các loại rễ cây bên trong được cho là giúp chống lại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 - Ảnh: Bettmann/Getty Images

 

Bên cạnh nhiều giả thuyết cho vấn đề này thì có một cách lý giải được chấp nhận rộng rãi trong giới y khoa liên quan đến việc người trẻ bị mắc và chết nhiều bởi bệnh cúm Tây Ban Nha. Đó là, dịch cúm này xảy ra đúng thời điểm chiến tranh thế giới lần thứ Nhất khi mà phần lớn binh sĩ phải sống trong các doanh trại với điều kiện sinh hoạt tiếp xúc gần nhau trong một không gian khép kín.

“Số liệu thống kê cho thấy, các trại huấn luyện hoặc các toa tàu chở binh sĩ hành quân chính là những nơi có số lượng người nhiễm bệnh và tử cong cao nhất”, giáo sư Barry cho biết.

Cúm Tây Ban Nha là mối lo ngại lớn trong Thế chiến I, bởi thế, những binh sỹ tại War Garden ở Camp Dix (nay là Fort Dix, New Jersey) này súc miệng bằng nước muối hằng ngày để ngăn ngừa viêm đường hô hấp, năm 1918. (Nguồn: Getty Images)
Những binh sỹ tại căn cứ War Garden (nay là Fort Dix, bang New Jersey) đang súc miệng bằng nước muối hằng ngày để ngăn ngừa dịch bệnh năm 1918 - Ảnh: PhotoQuest/Getty Images

Và mặc dù hiện nay loài người không phải trải qua một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3, thế nhưng, bài học cốt tử có thể rút ra là: COVID-19 không hề “chê” những người trẻ. Và hệ miễn dịch vốn tưởng như mạnh khỏe trong cơ thể họ cũng không giúp ích gì nhiều trước sự tấn công của coronavirus.

Bài học số 3: Đừng liều lĩnh “nghịch dại” bằng những loại thuốc hay vắc-xin chưa được thử nghiệm đầy đủ hoặc chưa được cấp phép

Mặc dù nhân loại đã có những bước tiến lớn trong lĩnh vực y tế và công nghệ trong vòng 102 năm kể từ khi đại dịch cúm Tây Ban Nha khởi phát thì có một thực tế phũ phàng mà loài người phải chấp nhận khi đối diện với 2 loại đại dịch này: tình trạng thiếu vắc-xin và thiếu các phương pháp chữa trị hiệu quả.

Trở lại năm 1918, phương pháp phòng trị dịch cúm Tây Ban Nha là “nhiều vô thiên lủng, từ những loại thuốc mới được điều chế trong phòng thí nghiệm cho đến những liệu pháp dân gian như dùng dầu ăn hoặc lá cây”, một bài báo nghiên cứu của Đại học Stanford viết.

Vào những ngày vừa qua của năm 2020, một giả thuyết được lan truyền rộng rãi, và gây nhiều tranh cãi về việc liệu hydroxychloroquine, một loại thuốc thông dụng có hoạt chất trị sốt rét, có khả năng điều trị được COVID-19 hay không. Ngay cả tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng có lần “vạ miệng” khi ca tụng công dụng kỳ diệu này của hydroxychloroquine gây nên một làn sóng chỉ trích nặng nề của không chỉ công chúng mà còn cả giới chuyên môn khắp nơi trên thế giới.

 

George Frey / Reuters
Hydroxychloroquine là một loại tân dược phổ biến được nhiều người tin là có thể trị được COVID-19 - Ảnh: George Frey / Reuters 

 

“Các nghiên cứu mới nhất đã cung cấp bằng chứng rằng, hydroxychloroquine hoàn toàn không có khả năng chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19”, tiến sĩ Paul Offit, chuyên gia các bệnh truyền nhiễm công tác tại Bệnh viện Nhi Philadelphia (Mỹ) khẳng định. “Thậm chí tệ hơn là, một số tác dụng phụ gây ra khi sử dụng loại thuốc này đã bị phát hiện, nhất là tình trạng nhiễm độc tim - vì vậy, cần chấm dứt ngay việc sử dụng nó vào điều trị COVID-19”.

Các bác sĩ ở Brazil và Thụy Điển cũng nêu quan ngại về việc sử dụng chloroquine, một loại thuốc phòng và điều trị sốt rét, được sử dụng trong điều trị COVID-19 bởi nhiều trường hợp phản tác dụng gây hại cho sức khỏe đã được ghi nhận.

Thế là, ngay lúc này, khi các nhà khoa học trên khắp thế giới vẫn đang làm việc cật lực ngày đêm thì loài người vẫn chưa có được một loại vắc-xin nào được chứng minh là hiệu quả để có thể chính thức tiêm vào cơ thể mình với hy vọng sẽ thoát được “lưỡi hái tử thần” của coronavirus.

Nguyễn Thuận (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI