"Tưởng ổng là võ sư thiệt"
Trong phim Một thời ngang dọc của đạo diễn Xuân Cường có cảnh đánh nhau giữa tướng cướp Ba Lành (Quyền Linh) với võ sư Campuchia Xavirit (võ sư Quốc Cường) và võ sĩ Pháp (RaJa).
|
RaJa trong Một thời ngang dọc |
RaJa dùng thế “cương đao phạt mộc” (dùng tay chặt gỗ) điệu nghệ hạ nhánh cây án ngữ trước mặt để hù thiên hạ. Tổ thiết kế cưa trước nhánh cây hơn phân nửa, rắc bột mì, để khi RaJa tung chiêu, nhánh cây gãy tung bụi.
Theo đúng kịch bản, thì nhánh cây sẽ gãy lìa, nhưng RaJa chặt đến cú thứ ba mà cây vẫn cứ trơ trơ, chỉ có chút xíu bột mì bay là là phía trước.
Đạo diễn la làng: “Tại sao nhánh cây không gãy, còn ông võ sĩ Pháp chặt cái gì mà mặt bí xị thế?”. Phó đạo diễn chạy ra, thấy RaJa nhăn nhó xoa tay bị sưng.
Đến phút này, anh thiết kế mới thật thà: “Sáng giờ cảnh đấm đá nào ổng làm cũng siêu quá, cứ tưởng ổng là võ sư thiệt, nên em không… cưa nhiều chờ coi cho đã mắt. Thôi quay lại đi, em cưa sát vỏ cây luôn”. Đạo diễn rên: “Trời ơi, đóng phim mấy ông nội thiết kế ơi, làm gì có võ sư thiệt ở đây!”.
Tấm kính ngàn đô
Trong phim Kế hoạch 99, chỉ đạo võ thuật Hồng Kông yêu cầu cung cấp một cascadeur đánh nhau với diễn viên Lý Hùng vài chiêu, kết cảnh bằng cú giật chỏ, tay cascadeur bật ngửa ra sau, đập đầu vô tấm kính xe hơi của diễn viên Lê Tư rồi chết.
Đúng ra phải có mũ bảo hiểm để an toàn, đằng này tay chỉ đạo võ thuật nói anh cứ đập đầu thoải mái vô tấm kính, ở Hồng Kông chuyện này làm dễ ẹc à.
|
Cascadeur Quốc Thịnh trong Kế hoạch 99 |
Phía nhóm cascadeur tất nhiên không chịu liều mạng. Chỉ đạo võ thuật kiêm sản xuất Lý Huỳnh xuất hiện, ông cười: “Hiểu lầm thôi! Đây là tấm kính giả bằng đường hóa chất được chở từ Hồng Kông qua, để dành cho những cảnh quay như thế này, các em cứ làm thoải mái, có chuyện gì tôi lo hết”. Nói thì nghe, nhưng sờ vào tấm kính ai cũng nổi da gà. Kính giả gì mà y như kính thật, cũng 5 ly, cứng ngắc, trong veo…
Máy! Diễn! Cả phim trường im lặng. Mặt chàng cascadeur lộ rõ căng thẳng. Lý Hùng đầy hưng phấn, sau tiếng hét giựt chỏ vào mặt đối phương, anh cascadeur bật ngửa ra sau, đầu đập thẳng vô cửa kính xe hơi. Kính vỡ toang, anh chàng lảo đảo rồi… sụp xuống “chết”.
|
Các cascadeur cũng có khi "chơi" cùng kính thật |
“Good take” – tiếng đạo diễn vang lên, bên ngoài đồng loạt vỗ tay. Vài giây sau, chàng cascadeur mở mắt, sờ tay vô đầu thấy vẫn y nguyên, mừng quá hét lên như vỡ xóm.
Chàng cascadeur bỗng nhìn Lý Huỳnh: “Chú ơi, cho con đóng lại cảnh này đi, hồi nãy đập đầu nhanh quá con chưa có cảm giác… đau!”. Lý Huỳnh từ tốn: “Tấm kính này giá 500 đô la, chở từ Hồng Kông qua Việt Nam với phí vận chuyển thêm 500 đô nữa. Mỗi lần con đập đầu vô một tấm là chú tốn một ngàn đô. Bộ muốn đập là đập sao con!”. Muốn có cảm giác đập đầu vô kính… giả đâu phải dễ!
Khổ thân bình hoa giả
Trong phim Thám tử miệt vườn của đạo diễn Võ Tấn Bình có cảnh nhóm thám tử đột nhập vào nhà ông trùm phá đường dây buôn bán ma túy. Biết mình bị bại lộ, ông trùm nhanh trí xử đẹp tên đàn em bằng cách chụp bình hoa đập thẳng vào đầu tên này phun máu.
Nguyên Khôi - người đóng vai ông trùm là võ sư thứ thiệt, được đạo diễn khích lệ: “Tôi thích quay thật, không chơi cắt ghép. Anh cứ đập như thật, chính xác đập vào đầu cho tôi! Có chuyện gì tôi lo".
Trước thái độ dứt khoát của đạo diễn, cả hai diễn viên đóng vai giang hồ và ông trùm đều… run. Để hạn chế nguy hiểm, cả hai cố gắng tập thử nhiều lần.
|
Đạo diễn Võ Tấn Bình chỉ đạo "đập đầu" trong Thám tử miệt vườn |
Máy! Diễn! Sau hai câu đối đáp, ông trùm tức giận chụp bình hoa trên bàn, nhưng do hơi khớp, đã đập… sượt qua đầu tên đàn em, bình bể tan tành nhưng đầu người bị đập không đổ máu như dự định.
Tổ thiết kế đem bình hoa khác đến, kèm theo lời dặn: “Cái bình này mấy trăm ngàn, phải đặt trước mới có. Giờ chỉ còn một cái, anh cố gắng diễn chính xác nếu không là… xong phim”.
Ông trùm tới động viên đàn em trong phim nhưng là đàn anh ở ngoài đời: “Thôi anh ráng cho em đập một phát nhe, chứ diễn không tới đạo diễn chửi thì anh em mình quê lắm”. Đàn em trong phim cười như mếu.
|
Cảnh đập đầu trong phim |
Lần này vừa la hét ông trùm vừa túm áo, thuận tay cầm cái bình quất thẳng vào đỉnh đầu tên đàn em cái bốp. Bình bể tan, rất tuyệt. Cả đoàn phim nín thở, tiếng đạo diễn bực dọc: “Chết tôi rồi mấy cha! Bị đập nguyên cái bình bông trên đầu mà không thấy đau đớn gì hết là sao?”.
Tên đàn em phân trần: “Dạ, em rất tập trung, thấy anh ấy đập đầu đàng hoàng, nhưng đập lẹ quá, em không thấy đau thì làm sao diễn… đau!”. Cả đoàn vỡ lẽ, cái bình hoa giả của tổ thiết kế quá ư dễ bể, nên mới có chuyện đập đầu phun máu mà… hổng đau. Sau cảnh quay “chảy máu không đau”, đoàn phim phải chờ tổ thiết kế đi đặt cái bình khác để quay lại!
"Khoái chí" vì cái chân giả
Phim Lệnh xóa sổ của đạo diễn Đỗ Quang Minh có cảnh sau khi hạ gục đối phương, nam chính sẽ nắm cổ chân đối thủ bẻ xoay 180 độ, để khán giả thấy cái chân gãy lặt lìa, tạo độ rùng rợn.
Anh chàng diễn viên đóng vai bị bẻ chân hoang mang không biết mình sẽ bị... bẻ thế nào, liệu sau cảnh quay có an toàn về bằng... chân không?
|
Diễn viên "khoái" vì bẻ lặc lìa cái chân giả |
Sau những màn đánh nhau kịch liệt, đến cảnh quay đặc tả cảnh bẻ chân, tổ thiết kế đem cái chân giả ra hiện trường, mặc quần và mang giày đàng hoàng. Nam chính xuống tấn, bẻ cái chân với gương mặt sát thủ, hét lên kinh hồn giữa đêm khuya. Trên khung hình, khán giả thấy cảnh bẻ chân ghê gớm, chứ trên phim trường, người bị bẻ chân lại ngồi nhìn cười nắc nẻ.
Chí Tài... tởn bánh bao đến 6 tháng
Trong phim Trúng số, diễn viên hài Chí Tài phải xơi một lèo 10 cái bánh bao trong cảnh quay ông Tư đói khổ phải lết đi lượm mót đồ ăn thừa do thiên hạ vứt bỏ. Đạo diễn Dustin Nguyễn khá kỹ tính, buộc tổ đạo cụ phải làm bánh bao dính đất như thật và Chí Tài phải ăn thật.
|
Chí Tài trong Trúng số |
Rốt cuộc, để làm tròn trịa phân đoạn này và có thể gieo cảm xúc cho người xem, Chí Tài đã phải “cắn răng” ăn hết 10 cái bánh bao đạo cụ. Hậu quả là 6 tháng sau, mỗi lần nhác thấy bánh bao thì mặt mày Chí Tài… xanh lè.
Lữ Đắc Long