PNO - PNO - Tôi là nạn nhân bạo hành thường xuyên của chồng suốt 4 năm ròng, đã bao lần tôi phải vùng chạy thoát thân trong đêm khuya, đã bao lần tôi phải nhập viện vì những trận mưa đòn roi của chồng. Và điều tôi muốn nói ngay là tôi...
edf40wrjww2tblPage:Content
Tôi và chồng là bạn thời đại học. Trước anh, tôi có một mối tình cũng là người bạn học chung lớp chúng tôi. Lúc đầu, tôi chẳng thích anh, vì thấy anh có vẻ cộc tính, không hòa đồng với mọi người. Nhưng anh yêu tôi một cách bền bỉ, trồng cây si ở trường rồi ở nhà tôi. Anh sẵn sàng đứng chờ từ 6g chiều đến 1-2g sáng chỉ để được gặp tôi. Sự săn đón, kiên trì suốt một năm của anh đã làm tôi xiêu lòng và chúng tôi kết hôn ngay sau ra trường.
Tôi đã hình dung về cuộc hôn nhân màu hồng với người chồng hết mực yêu thương mình và tôi cũng yêu thương đáp lại. Nhưng anh lại cột chặt tôi bằng thứ tình yêu sở hữu, kiểm soát, ghen tuông đến bức bối, ngột ngạt. Tôi đi làm về muộn. Anh bắt bẻ, truy vặn và cáo buộc tôi đi chơi. Tôi lên mạng đọc báo, tìm tài liệu, anh nửa đùa nửa thật bảo tôi lên chat với người tình cũ. Họp lớp, anh cấm tiệt tôi ở nhà. Vì anh sợ tôi gặp lại người xưa, mà anh luôn quan niệm “tình cũ không rủ cũng tới”. Có lần tôi đi họp lớp, vừa về đến nhà anh túm tóc và trấn tôi vào tường: “Mày dám chống lại lệnh của ông à?” và tiếp theo là những cái tát, lên gối, dập đầu vào tường làm tôi phải vào bệnh viện.
Chưa hết, anh dần dần tách tôi ra hẳn bạn bè vì anh sợ họ làm “cầu nối” cho tôi và bạn trai cũ. Để chồng không nghi ngờ và giữ hòa khí gia đình, tôi cũng hạn chế gặp gỡ bạn bè. Nhưng không thể cắt đứt hết tình cảm, mối liên hệ, mà có người đã thân thiết với tôi như chị em ruột thịt. Mỗi lần tôi đi cà phê với bạn là anh chì chiết, chửi tôi là hạng đàn bà lăng loàn, trắc nết. Tôi nói chuyện điện thoại với bạn, anh nổi nóng và xỉa xói: “Nhớ tình cũ à. Muốn gặp thì cứ gặp đại đi, nhờ vả người này người kia chuyển lời làm chi?”. Tôi thanh minh thì anh bảo “có tật giật mình”. Tôi im lặng, anh lại kết luận: “Nói trúng tim đen rồi chứ gì”. Tôi cãi lại thì anh tát, đạp, đấm tới tấp. Có lần anh còn kề dao vào cổ tôi, chỉ vì ngày hôm đó tôi đi ra ngoài quên mang điện thoại theo và không nghe được cuộc gọi của anh. Anh quy chụp tôi đi “đú đởn” với trai và dọa tôi còn một lần nữa anh sẽ cắt cổ tôi thật. Sau vụ này, ở nhà anh tịch thu điện thoại của tôi, khi có cuộc gọi đến anh xem xét kĩ lưỡng và anh duyệt thì tôi mới được nghe. Tôi thật sự cảm thấy ngột ngạt và ngán ngẩm, nhưng tôi hy vọng anh sẽ thay đổi nên cố gắng chịu đựng.
Nhưng tôi càng nhún nhường, chồng càng làm tới. Sau khi tôi sinh con thì anh bắt tôi nghỉ việc ở nhà chăm con. Tôi không đồng ý, bởi tôi không muốn lệ thuộc vào chồng và không muốn từ bỏ công việc mình yêu thích, một nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao. Từ bất đồng này chồng tôi càng hành hạ tôi nhiều hơn. Thậm chí, nửa đêm con khóc, anh đòi đánh thằng bé, tôi ngăn không cho thì anh trút giận vào tôi, nhào vô túm tóc và đấm đá tôi. Mẹ con tôi phải chạy trốn giữa đêm. Hàng xóm gọi điện báo công an đến. Anh tỏ ra hối lỗi và hứa không bao giờ tái phạm. Nhưng ngay sau đó, khi tôi về nhà thì anh chửi mắng tôi đến sáng. Gia đình, bạn bè tôi đều khuyên tôi ly hôn. Nhưng tôi không dám vì anh dọa sẽ giết tôi, bồng con đem giấu biệt tích.
Vậy là tôi lại sống trong những cơn ghen tuông mù quáng, kì quặc của chồng cùng những trận đòn man rợ. Không chỉ hành hạ thể xác, anh còn bạo hành tôi cả chuyện chăn gối. Tôi đau đớn, sợ hãi và tìm cách hạn chế gần chồng thì anh càng đánh tôi "tợn" hơn. Để giữ mạng sống, tôi kêu cứu hàng xóm và anh dọa giết những ai “xen vào chuyện gia đình anh”. Ba mẹ tôi hay chuyện, đến giải vây cho con gái cũng bị anh chửi “không biết dạy con”. Anh đóng cửa nhốt tôi lại. Ba tôi gọi bảo vệ chung cư lên can thiệp. Anh cũng không mở cửa. Gọi công an đến thì anh lấy dao, buộc tôi nói “không có chuyện gì” nếu không anh sẽ đưa con về nhà nội ở ngoài Bắc và không cho tôi gặp. Tôi phải làm theo lời và lúc đó tôi nhận ra: tôi sẽ không bao giờ hạnh phúc hay đảm bảo an toàn khi sống với chồng và không ai có thể giải thoát cho tôi ngoài tôi.
Ý nghĩ này làm tôi mạnh mẽ hơn, tôi quyết định ly hôn. Tuy nhiên, trước khi “tháo cũi sổ lồng”, tôi phải chuẩn bị nhiều thứ. Trước tiên là phải cách ly với chồng bằng cách mẹ con tôi về nhà ngoại ở. Tôi nhờ em trai tôi đưa đón tôi đi làm, nhờ người giám sát con tôi chặt chẽ. Tôi cũng báo trước với cảnh sát khu vực, nhờ các anh can thiệp nếu gia đình tôi bị quấy rối. Sau đó tôi mới thông báo cho anh việc ly hôn. Đúng như tôi nghĩ, anh gầm lên, đòi giết tôi, bồng con đi luôn, đòi lấy hết tài sản là căn nhà (tôi chấp nhận mất nhà để lấy tự do). Anh liên tục nhắn tin đe dọa chặn đường đánh tôi hay lên tận công ty “xử” tôi. Đó thật sự là những ngày khủng khiếp của tôi khi luôn sống trong sự khủng bố, đe dọa của chồng.
Thấy tôi không nhượng bộ. Anh đổi chiến thuật quay sang năn nỉ, xin lỗi. Tôi vẫn kiên quyết thì chồng chuyển qua yêu sách khác: “Giao con cho anh ta nuôi thì anh mới ký đơn ly hôn”. Tôi cũng mặc kệ, vì tôi đã tìm hiểu trước, tôi vẫn có quyền xin đơn phương ly hôn và tôi cũng đủ điều kiện để tòa xét cho con sống với mình. Và sau nhiều lần hòa giải không thành, tòa giải quyết cho tôi được ly hôn và được quyền nuôi con. Rời tòa án, tôi thấy mình như trút được tảng băng nặng. Tôi đã có được ngày tháng tự do, không còn cảnh sống nơm nớp lo sợ và con tôi cũng không còn khóc thét, hoảng loạn mỗi khi chứng kiến ba đánh mẹ.
Tôi nghiệm ra, để thoát được bạo lực gia đình, bạn phải dũng cảm: không sợ dư luận đàm tiếu, không sợ những lời đe dọa, không sợ tương lai bấp bênh trước mắt (dù có bấp bênh vẫn hơn bạn sống mà tính mạng lúc nào cũng bị nguy hiểm) và bạn phải chấp nhận cả sự mất mát, thiệt thòi về tài sản (rất nhiều người chồng thường lấy lý do này để trấn áp vợ khi bị đòi ly hôn), đồng thời phải chuẩn bị chu đáo cho cuộc tự “giải vây” (đã tính ly hôn thì phải dọn ra ngoài, vì sống cùng nhà rất dễ bị chồng đánh đập, hành hạ thể xác lẫn tinh thần).
Nếu cảm thấy cuộc sống chung không hạnh phúc và luôn bị bạo hành, thì không có lý do gì bạn phải “tù chung thân” với một hung thần và tính mạng mình lúc nào cũng bị đe dọa. Phải tự cứu mình trước khi người cứu bạn à.