Tử cung nhân tạo là tiền đề của bình đẳng?

21/11/2020 - 09:31

PNO - Khi nhà văn, nhà sản xuất phim Jenny Kleeman bắt đầu nghiên cứu tương lai của việc làm mẹ để viết sách, cô đối diện với một kinh nghiệm có thể thay đổi cả cuộc đời cô.

Khi ánh mặt trời rọi vào mắt Jenny, cô mở mắt từ từ và nhận ra cơ thể mình có gì đó không ổn. Một cơn đau khác thường trong bụng cô, cổ họng khô đắng và mặn chát chuẩn bị cho cơn buồn nôn. Cô đang mang bầu đứa con thứ hai được năm tháng, nhưng cơn đau và sự buồn nôn thật kỳ lạ không giống những trận ốm nghén. Cô đang ở trong một khách sạn hẻo lánh ở Na uy, nơi cô đến để quay một cuốn phim tài liệu. Cô hy vọng đây chỉ là cơn đau bụng do ăn phải món nào đó vào tối qua, lúc cô phỏng vấn nhân vật của mình. 

Kỳ mang thai này trải qua nhiều thử thách. Cô bị chảy máu vào tuần thứ chín, phải đợi đến ba ngày sau mới được siêu âm, và bác sĩ bảo rằng mọi việc vẫn ổn. Vào tuần thứ 12, bác sĩ nhìn chăm chú vào màn hình khi đang siêu âm cho cô và bảo rằng con cô có thể có các triệu chứng Down. Vào tuần thứ 14, một cây kim dài 20cm chích vào bụng cô để lấy DNA của bé làm xét nghiệm. Sau hai ngày dài chờ đợi trong đau đớn, cô được thông báo rằng bé hoàn toàn bình thường. Mọi thứ xảy ra thật kinh hãi. Nhưng sau tất cả, bác sĩ bảo cô có thể yên tâm tận hưởng thai kỳ của mình và được đi công tác. 

Vì thế, khi vị bác sĩ người Na Uy bảo rằng cô bị đau ruột thừa, cô không thể nhịn được cười. Cô bay về lại Anh vào chiều hôm sau. Cơn đau lại đến, lần này cô đi taxi thẳng đến trung tâm cấp cứu và ở lại bệnh viện một tuần. Cô được chuyển vào phòng sinh. Đứa trẻ được quấn trong khăn được trao cho cô ôm ấp, nhưng bé đã chết. Cô rời bệnh viện, nhợt nhạt, yếu ớt với bầu ngực đầy sữa và đôi tay trống rỗng.

Mất con, có nghĩa là bạn sẽ sống cả cuộc đời với những câu hỏi “sẽ như thế nào” mãi mãi: “Con trai tôi sẽ như thế nào? Cuộc sống của tôi sẽ như thế nào nếu con được sinh ra?”. Không có ai để đổ lỗi, cũng chẳng có bài học nào để ghi nhớ. Chỉ có một bi kịch. 

Ba năm sau, cô cắt ruột thừa và sinh một bé gái. Cô viết một quyển sách về tương lai của việc sinh nở, ẩm thực, tình dục, cái chết. Cô phỏng vấn nhiều người để xem ai có thể chấp nhận việc mang thai bằng tử cung nhân tạo - một cách hình thành một đứa trẻ hoàn toàn bên ngoài cơ thể con người - và cô nhận ra rằng, cô có thể là một trường hợp điển hình. 

Năm 2017, các nhà khoa học ở Philadelphia công bố họ đã thành công trong việc nuôi nấng bào thai cừu sinh non được lấy ra từ bụng cừu mẹ, nuôi dưỡng trong nước ối nhân tạo. Họ gọi cái túi này là Biobag. Cừu con sẽ ở trong túi khoảng bốn tuần trước khi túi được mở ra. Những con cừu được sinh ra bằng cách này hoàn toàn khỏe mạnh và không khác gì những con cừu khác.

Khi cô nhìn hình ảnh những chú cừu lớn lên trong Biobag, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu cô là nếu chiếc túi này có mặt lúc cô đến bệnh viện, hẳn con trai cô đã được cứu sống. Ý nghĩ tiếp theo là, nếu việc mang thai ngoài cơ thể được phát triển trên con người, điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc mang thai của phụ nữ trong tương lai?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mang thai vẫn còn nhiều tranh cãi trong việc thiếu cân bằng giữa hai giới cho đến nay. Khi mang thai lần đầu tiên, cô vẫn còn ngây thơ và không muốn đồng nghiệp nhìn vào cái bụng ngày càng lớn dần của mình. Khi bụng đã lớn và không thể nào giấu được, việc dẫn chương trình do cô phụ trách trên ti vi vào giờ cao điểm cũng biến mất. Khi cô đăng ký các chương trình cho thời kỳ sau sinh, sếp khuyên cô không nên, vì họ e rằng cô chỉ thích ở nhà chăm con sau khi em bé ra đời. Trong khi đó, chồng cô vẫn làm việc bình thường mà không ai nghĩ rằng sự nghiệp của anh sẽ bị ngưng trệ, nếu không muốn nói dường như anh ngày càng tham vọng kể từ khi làm bố.

Nhiều người tin rằng sự phân bổ lao động trong gia đình bắt đầu bằng cái bào thai và kết thúc với những bữa trưa cho con mang đến trường. Họ tin rằng tử cung nhân tạo sẽ là tiền đề cho việc bình đẳng hoàn toàn ngay từ khi khởi đầu: cả bố và mẹ sẽ cung cấp trứng và tinh trùng như nhau. Phụ nữ sẽ không còn là nạn nhân của những chỉ trích là bà mẹ tồi kể cả khi đứa con chưa ra đời.

Cô nhớ khi mang thai đứa đầu lòng, cô liên tục vào trang mạng y tế để bảo đảm mình ăn đúng thực phẩm, ngủ đúng tư thế, tập thể dục đúng cường độ. Đàn ông có con ở tuổi 50 trở lên chẳng bị phê phán hay ảnh hưởng đến sự nghiệp.  

Nếu tử cung nhân tạo có mặt vào buổi sáng cô bị đau ruột thừa, chắc chắn cô sẽ sử dụng nó, cô sẽ dùng mọi cách có thể để giữ con. Thế nhưng, mang thai là điều tự nhiên, còn bất bình đẳng là do não trạng xã hội. Nếu loài người kỳ vọng cải tạo tự nhiên để giải quyết vấn đề thuộc não trạng xã hội thì đó có lẽ là một kỳ vọng nhầm lẫn và viển vông.

Kỹ thuật này cũng sẽ xác định lại thiên chức làm mẹ hiện đang là việc không thể thay thế của phụ nữ, một thiên chức mà không phải ai cũng muốn từ bỏ, bởi việc mang thai có thể bấp bênh, rủi ro, nhưng đó là một đặc ân to lớn có thể mang đến những điều phi thường, và làm thay đổi cuộc sống của bạn. 

Phan Quỳnh Dao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI