Tử cung nhân tạo đầu tiên trên thế giới sắp ra mắt

16/09/2023 - 16:06

PNO - Tử cung nhân tạo đầu tiên có khả năng nuôi dưỡng bào thai như tử cung thật sẽ là một cột mốc khoa học quan trọng có thể mang lại hy vọng cho hàng triệu trẻ sinh non mỗi năm.

 

Hình ảnh thai nhi trên màn hình của hệ thống siêu âm cầm tay
Hình ảnh thai nhi trên màn hình qua hệ thống siêu âm

Sau khi thử nghiệm thành công trên động vật, nhau thai nhân tạo có thể sẽ được chính thức thử nghiệm ở người vào tuần tới tại Mỹ. Theo kế hoạch, các quan chức Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sẽ cân nhắc về tính an toàn và hiệu quả của các thiết bị công nghệ cũng như những cân nhắc về mặt đạo đức trước khi cho thử nghiệm nghiên cứu đầu tiên trên người. 

Nhau thai nhân tạo là những quả nang chứa đầy chất lỏng nhằm giúp trẻ sơ sinh non tháng được nuôi dưỡng như trong tử cung của người mẹ.

George Mychaliska, bác sĩ phẫu thuật nhi khoa và nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan, cho biết: “Điều này sẽ được xem là mang tính cách mạng trong chăm sóc trẻ sơ sinh”.

Nhau thai nhân tạo là một thiết bị của công ty khởi nghiệp Vitara Biomedical cùng với một nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (Mỹ) đã thử nghiệm thành công trong các nghiên cứu trên động vật. "Những con cừu non được nuôi trong thiết bị tới 4 tuần và có thể phát triển bình thường. Thử nghiệm trên người sẽ là bước quan trọng tiếp theo để chứng minh giá trị của tử cung nhân tạo" - nhóm nghiên cứu cho biết.

Thiết bị này có tên là hệ thống EXTEND (viết tắt của EXTra-uterine Environment for Neonatal Development). Nếu trong tử cung con người, thai nhi nhận được tất cả dinh dưỡng và oxy cần thiết thông qua dây rốn nối với nhau thai thì thiết bị EXTEND - dành cho trẻ sơ sinh được sinh ra dưới 28 tuần tuổi - cũng được thiết kế bắt chước tương tự. 

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong thử nghiệm này là các nhà khoa học phải giữ bào thai nguyên vẹn khi ra khỏi bụng mẹ và đưa vào  tử cung nhân tạo. Quá trình chuyển đổi từ tử cung con người sang tử cung nhân tạo phải diễn ra liền mạch. Vì vậy, trong quá trình sinh mổ, các ống sẽ được đưa vào mạch máu rốn và trẻ sơ sinh ngay lập tức được nuôi vào một túi sinh học, một cái kén chứa đầy dịch ối vô trùng. Các ống nối với dòng máu của trẻ sơ sinh được gọi là ống thông rốn sẽ cung cấp dinh dưỡng. Một cỗ máy được gọi là máy tạo oxy màng ngoài sẽ cung cấp oxy cho bào thai.

Tiến sĩ George Mychaliska cho biết, mặc dù phải mất vài năm nữa công nghệ này mới được sử dụng thường xuyên trong bệnh viện nhưng theo ông, tương lai nó sẽ cứu sống hàng ngàn trẻ sinh non mỗi năm. “Điều hợp lý là nếu bạn tái tạo lại môi trường của bào thai, tỉ lệ sống sót của trẻ sơ sinh sẽ tăng lên và hy vọng rằng những bệnh tật lâu dài hoặc hậu quả về sức khỏe của chúng sẽ giảm bớt” - ông nói.

Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh ở Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới. Theo dữ liệu mới nhất từ ​​Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), 1/3 số trẻ sơ sinh tử vong ở Mỹ có thể là do sinh ra quá sớm. Những trẻ sống sót đôi khi phải chịu khuyết tật suốt đời.

Trong bệnh viện, các đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh, thường sử dụng các phương pháp như lồng ấp và máy thở để trợ giúp cho trẻ sinh thiếu tháng. Thế nhưng, những đứa trẻ này thường gặp các biến chứng do các cơ quan trong cơ thể yếu ớt, chưa phát triển toàn diện vì sinh sớm. Việc phát triển tử cung nhân tạo sẽ giúp cho trẻ sinh non tiếp tục được nuôi dưỡng và phát triển thêm như trong tử cung mẹ và điều đó giúp các cơ quan phát triển hơn, trẻ ít nguy cơ hơn.

Trọng Trí (theo Bloomberg)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI