Từ cù lao Nancy đến biệt động thành: Bản anh hùng ca của những người phụ nữ

17/04/2025 - 16:07

PNO - Ngày 17/4, Hội LHPN quận 8 tổ chức chương trình họp mặt, giao lưu nữ cựu tù chính trị quận 8 với cán bộ hội.

Tại chương trình, bà Nguyễn Thị Thu - nguyên Chủ tịch Hội LHPN quận 8 và nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Bích Nga - các nhân chứng sống của thời kỳ kháng chiến đầy gian khổ nhưng cũng vô cùng vẻ vang đã chia sẻ câu chuyện cảm động về lòng yêu nước, ý chí quật cường và tinh thần bất khuất của chính họ, mà cũng là của dân tộc Việt Nam.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại Hóc Môn, năm 1966, bà Nguyễn Thị Thu chính thức thoát ly, tham gia vào cánh Thanh niên công nhân của Thành đoàn, bắt đầu những ngày hoạt động cách mạng âm thầm giữa lòng Sài Gòn. Ở tuổi 18, bà được tổ chức đưa về sống một mình tại cù lao Nancy (thuộc quận 4, TPHCM ngày nay). Mỗi ngày, bà có nhiệm vụ phát truyền đơn và viết khẩu hiệu cách mạng.

Bà Nguyễn Thị Thu (giữa) - nguyên Chủ tịch Hội LHPN quận 8 - chia sẻ tại sự kiện
Bà Nguyễn Thị Thu (giữa) - nguyên Chủ tịch Hội LHPN quận 8 - chia sẻ tại sự kiện

“Hồi nhỏ ở nhà chăn trâu, tui chỉ học được bập bẹ vài chữ, còn chưa đọc thông viết thạo nên nhiệm vụ này là một nhiệm vụ khó khăn. Thế nhưng tôi vẫn nhận và nhờ các chị trong căn cứ viết giùm nguyên câu để tui tập viết theo. Tôi lấy trái cau chẻ ra, rồi dùng nó viết khẩu hiệu lên tường, trên nền xi măng. Mủ cau khi viết không thấy, nhưng khi nắng lên, chữ hiện ra không có cách nào xóa được. Sợ địch chê “Việt cộng viết chữ xấu”, ngày nào tui cũng ráng tập viết đi viết lại cho ngay ngắn nét chữ”, bà Thu kể.

Cuối năm 1966, khi tình hình hoạt động tại đô thị có nguy cơ bị bại lộ, bà Nguyễn Thị Thu được đưa đi điều lắng tại căn cứ cách mạng ở Tam Phước (Bến Tre). Tại đây, bà chuyển sang công tác hậu cần, đào hầm, xây dựng cơ sở cách mạng.

Đầu năm 1967, sau sự hy sinh anh dũng của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định thành lập Đội võ trang Nguyễn Văn Trỗi để tiếp nối tinh thần đấu tranh. Và chính tại đây, một cô gái chưa từng được đào tạo quân sự chính quy, bỗng trở thành tổ trưởng của một tổ vũ trang, với hai quả lựu đạn được giao thẳng tay và nhiệm vụ trực tiếp đi đánh đồn cảnh sát Hòa Hưng. Chiến công đầu tiên của bà đã khiến 4 tên lính địch tử vong và 14 tên khác bị thương. Những ngày sau đó, với sự gan dạ, mưu trí, bà lại tiếp tục đốt cháy 3 xe jeep của địch.

Cuối năm 1968, chiến dịch Mậu Thân đợt 2 kết thúc. Bà Thu được bố trí làm trưởng Ban quân sự quận 3, phụ trách 2 tổ võ trang toàn sinh viên bị lộ, đưa vào diện hoạt động bí mật.

Tháng 1/1969, bà bị địch bắt, tra tấn, bị giam cầm nơi ngục tối Côn Đảo. Vượt lên tất cả, bà vẫn vững niềm tin, giữ trọn lời dặn của người cha già: “Đi rồi thì đi luôn, không được về, không được đầu hàng.”

Nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Bích Nga (bìa phải) chia sẻ về trận đánh vào 5 cơ quan đầu não của địch trong chiến dịch Mậu Thân
Nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Bích Nga (bìa phải) chia sẻ về trận đánh vào 5 cơ quan đầu não của địch trong chiến dịch Mậu Thân

Nếu như câu chuyện của bà Nguyễn Thị Thu là hình ảnh về một cô gái chân đất giữa cù lao Nancy, với những dòng khẩu hiệu giữa lòng Sài Gòn, thì bà Nguyễn Thị Bích Nga - Quyền chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định - là một nữ biệt động thành từng trực tiếp tham gia vào các trận đánh lớn giữa lòng đô thị.

15 tuổi, bà đã tự nguyện thoát ly gia đình, gia nhập lực lượng biệt động Sài Gòn, được đào tạo quân sự tại Trường T44, học qua các chuyên ngành như đặc công, công binh, pháo binh và bộ binh.

Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, 88 chiến sĩ biệt động, trong đó có bà Bích Nga, được lệnh tấn công 5 mục tiêu trọng yếu của chính quyền Sài Gòn. Bà nhớ lại: “Lực lượng biệt động đã đơn độc chiến đấu với tương quan lực lượng không cân sức. Các đồng chí vẫn không nao núng và kiên cường chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Ở Tòa đại sứ, 16/17 đồng chí hy sinh tại chỗ. Những hình ảnh chiến đấu và hy sinh của các đồng chí tôi không bao giờ quên”.

Bà Trần Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội LHPN quận 8 - tặng quà tri ân các nữ chiến sĩ, cựu tù chính trị quận 8
Bà Trần Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội LHPN quận 8 - tặng quà tri ân các nữ chiến sĩ, cựu tù chính trị quận 8

Sau thời gian này, nữ chiến sĩ biệt động Bích Nga bị bắt giam, thẩm vấn tại nhiều nơi rồi đày ra Côn Đảo. Dù bị đàn áp dã man trong trại giam, nhưng bà kiên quyết không khai báo và vẫn giữ vững tinh thần đấu tranh. Mãi đến năm 1975, khi đất nước giải phóng, bà đã cùng các đồng chí tại Côn Đảo tự giải phóng trước khi hải quân tiến vào tiếp quản.

Thay mặt các cán bộ hội, bà Trần Thị Thu Trang – Chủ tịch Hội LHPN quận 8 – gởi lời tri ân đến những nữ chiến sĩ cách mạng, những cựu tù chính trị đã hy sinh thanh xuân, tuổi trẻ để góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, mang đến nền hòa bình, độc lập quý giá ngày hôm nay. Bà khẳng định, câu chuyện của những nữ chiến sĩ cách mạng năm xưa đã khơi gợi tinh thần bản lĩnh, kiên cường trong mọi hoàn cảnh, mọi khó khăn, luôn là bài học có giá trị cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Thường trực Hội LHPN các phường chụp ảnh giao lưu cùng các nhân chứng sống của một thời
Thường trực Hội LHPN quận 8 và các phường chụp ảnh giao lưu cùng các nhân chứng sống của một thời gian khổ nhưng hào hùng

“Các cô, các dì là những bậc tiền bối đã có công gầy dựng, nâng bước tinh thần yêu nước kiên cường, bất khuất. Tinh thần thép của các cô, dì giúp thế hệ phụ nữ hôm nay luôn ghi nhớ, tự hào và luôn nhắc nhở phải rèn luyện mình trong công việc và trong cuộc sống, nối tiếp những trang sử vẻ vang mà các cô, các dì đã để lại”, bà Thu Trang bộc bạch.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI