PNO - Lịch sử phát triển của Sài Gòn - TPHCM được coi là lịch sử của “tụ cư”. Sài Gòn là vùng đất mới. Hơn 300 năm trước, vùng đất này còn hoang vắng, dân cư thưa thớt. Theo thời gian, mọi người tụ về đây như là nơi đất lành chim đậu.
Bến cảng Nhà Rồng từng là trung tâm giao thương ở phía Nam, đón nhiều thương thuyền quốc tế ghé thăm, trao đổi buôn bán - Nguồn ảnh: BDS times
Người ta có nhiều cách để lý giải việc Sài Gòn - TPHCM luôn là nơi lựa chọn sống lâu dài của nhiều người. Có thể do đây là vùng đất dễ làm ăn, tài nguyên giàu có, khí hậu dễ chịu, con người thân thiện. Nhưng có một yếu tố ít người nói đến, đó là thái độ của các chính thể thông qua chính sách với người nhập cư.
Cổ nhân nói nếu một vùng đất hội tụ được 3 điều - thiên thời, địa lợi, nhân hòa - thì sẽ phát. Mặc dù “nhân hòa” đứng cuối, nhưng dường như nó đóng vai trò quyết định chuyện “tụ cư”. Nhân hòa ở đây là mối quan hệ giữa người dân với nhau và người dân với chính quyền.
Hơn 300 năm qua, theo dòng thời gian, người tứ xứ kéo về Sài Gòn ngày một đông. So với cả nước, Sài Gòn là nơi đa dạng nhất về văn hóa, tôn giáo và tộc người. Nếu kể cả các tộc người nhỏ thì tất thảy có đến gần 40 tộc người khác nhau trong danh mục 54 dân tộc đang định cư nơi đây. Sài Gòn là nơi có người nước ngoài đến sinh sống, làm ăn từ rất sớm. Họ khác nhau về nguồn gốc xuất cư, dân tộc, tôn giáo, tiếng nói, phong tục tập quán. Tất cả mọi sự khác nhau ấy cùng tồn tại trên một vùng đất được và sống hòa bình với nhau được thì ắt phải có những chính quyền ở các giai đoạn khác nhau có chính sách cởi mở, khoan hòa với người nhập cư.
Ngay khi nhà Nguyễn xác lập chủ quyền trên vùng đất này năm 1698 đã chủ trương duy trì một định chế khá cởi mở và mềm dẻo. Trịnh Hoài Đức cho là nhà Nguyễn duy trì một “Pháp chế khoan dung giản dị” và việc quản lý đất đai là “tùy theo dân nguyện, không có ràng buộc chi cả, cốt yếu khiến dân mở đất khẩn hoang cho thành điền, lập làm thôn xã mà thôi… So với các dinh trấn về phía Bắc thì pháp chế Gia Định khoan hồng mà thuế cũng nhẹ hơn”, “Chúa Nguyễn ban hành chế độ sở hữu ruộng đất tư nhân, cho phép công thương nghiệp phát triển, cởi mở và khoan dung với các dân tộc ít người, các tôn giáo khác lạ nhau” và “Ở nơi đất rộng, người thưa, ai có sức đến đâu thì khai hoang đến đó nên hầu như không xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai mà trái lại, công việc nặng nhọc khiến người ta phải dựa vào sự giúp đỡ lẫn nhau mới có thể chiến thắng thiên nhiên và tạo dựng cuộc sống. Đó là điều kiện để phát triển tính cộng đồng và tính hào hiệp - một đức tính rất đáng quý của con người Nam Bộ”.
Vào năm 1822, khi Crawfurd - người dẫn đầu một phái đoàn của Anh đến Sài Gòn - ghi nhận ấn tượng của mình về vùng đất này và đặc biệt là về vị tổng trấn thời đó là Lê Văn Duyệt. Ông ta viết: “Dân xiêu tán tới đây được tổng trấn cho nhập hộ tịch, qua 1, 2 đời thành người Gia Định. Đông nhất nơi đây là người Trung Hoa. Các dân tộc nơi đây được nhà nước bảo hộ và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn mày rất hiếm. Tổng trấn rất nhân từ, tha thứ cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn… Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây. Một vị quan nhỏ ra đường ghẹo gái cũng bị cách chức lưu đày. Một đứa con vô lễ chửi mẹ, tổng trấn biết được cũng phạt rất nặng… Con người này (tổng trấn) ít học, nhưng lạ lùng thay là có được cái nhìn cởi mở hơn những đại thần và nhà vua học rộng, làu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác trong vùng Biển Đông…”.
Từ năm 1859, sau khi người Pháp đặt ách cai trị ở vùng đất này, một mặt họ cố gắng đưa vào đây kiểu quản lý đô thị theo phương Tây, nhưng đồng thời họ cũng vẫn duy trì kiểu tự trị mang tính địa phương. Họ không cấm người nhập cư và cách cư trú truyền thống của người Việt. Trong thư của Louis Aries (Tổng quản vùng đất Gia Định từ 1813-1878) gửi Đô đốc Bonard có đề cập đến việc cư trú. Ông ta viết các chính sách định cư của TP Sài Gòn như sau: “Người Nam nào muốn đến đây lập nghiệp hay tiếp tục cư trú tại đây thì không cấm cản, nhưng hẳn nhiên phải chịu phục tùng những luật lệ cảnh sát và an ninh công cộng”.
Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986. Một trong số các đổi mới quan trọng là mở cửa hội nhập với thế giới, với mong muốn “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, kể cả với những quốc gia có thể chế chính trị khác biệt”.
Bắt đầu từ năm 1993, các nhà đầu tư nước ngoài đến TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Một loạt các luật mới liên quan đến người nước ngoài ra đời như Luật Đầu tư, Luật Xuất nhập cảnh, Luật Cư trú, Luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình đã tạo điều kiện cho người nước ngoài đến đầu tư, làm ăn ổn định, cư trú lâu dài ở Việt Nam. Họ có quyền tự do hôn nhân với người Việt Nam, được mua/thuê nhà, được thực hành tôn giáo, con cái họ được tự do học tập, lao động và đi lại.
Sài Gòn - TPHCM là vùng đất bao dung, luôn đón nhận mọi người từ khắp nơi đến làm ăn, sinh sống
Nhờ những chính sách thông thoáng, cởi mở này mà số người nước ngoài đến định cư ở TPHCM ngày một đông, tạo nên các cộng đồng ngoại kiều mới (sau 1990), hình thành nên các khu phố đặc trưng như người Nhật tập trung ở khu vực đường Lê Thánh Tôn, Thi Sách, Thái Văn Lung, Ngô Văn Năm; người Hàn Quốc ở An Phú, An Khánh (TP Thủ Đức), đường Phạm Văn Hai (Tân Bình); người Đài Loan tập trung đông ở Phú Mỹ Hưng; người châu Âu, Bắc Mỹ cư trú nhiều ở TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh… Di cư nội địa từ các vùng khác nhau đến TPHCM chưa bao giờ dứt. Trung bình mỗi năm TPHCM tiếp nhận từ 200.000-250.000 dân nhập cư. Cho dù còn khó khăn, chính quyền TPHCM luôn tạo điều kiện về học hành, cư trú và an sinh xã hội cho người nhập cư.
Sinh thời, ông Sáu Giàu (giáo sư Trần Văn Giàu) từng nói, vùng đất này làm gì có người chính cư và người ngụ cư, tất cả đều là người tứ xứ tụ nên. Có được một cộng đồng phóng khoáng, cởi mở, nghĩa hiệp như thế, chắc hẳn có công lao rất lớn của các chính quyền, có thể có khác biệt về thể chế chính trị, xung đột quyền lợi, nhưng có một thực tế lịch sử không phủ nhận được là hầu như chính quyền qua các thời kỳ không có thái độ kỳ thị người nhập cư, bất cứ ai đến mảnh đất này với thiện chí làm ăn, không mưu mô, không gây sự luôn được người dân và chính quyền chào đón.
Trong thế giới phẳng, không quốc gia nào đóng cửa mà phát triển được. Các nền kinh tế phải mở cửa hội nhập, hợp tác chia sẻ để cùng phát triển; nhưng các nhà đầu tư dài hạn, khách du lịch có đến với anh hay không phụ thuộc vào tài nguyên, vốn mà anh đang có. Tài nguyên không chỉ là đất đai, khoáng sản, khí hậu, địa lý mà còn cả vốn xã hội.
Sự thân thiện, mến khách, sẵn sàng làm bạn với tất cả được coi là một trong số các ưu thế quan trọng để mời gọi nhà đầu tư. Không ai muốn đến, dù chỉ là ngắn hạn, nếu người dân nơi đó tỏ thái độ kỳ thị, tẩy chay, lạnh lùng vô cảm. Do vậy, trong xã hội hiện đại, thân thiện và hiếu khách là một trong số các chỉ báo quan trọng của một nền kinh tế toàn cầu hóa. Sài Gòn - TPHCM cũng đang sở hữu loại tài nguyên xã hội vô giá này.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.