PNO - Chưa bao giờ có ý định trở thành người của công chúng chứ đừng nói đến việc thể hiện bản thân qua hình ảnh của một chính trị gia có sức hút mọi ánh nhìn khi đứng trên vũ đài chính trị. Thế nhưng, ông ấy đã tỏa sáng. Một cách đầy bất ngờ!
Tấm ảnh ông Yoshihide Suga ăn trưa đang được người dân Nhật Bản "săn lùng" - Ảnh từ Instagram
Tấm hình ông Yoshihide Suga đang ngấu nghiến một cách vội vàng lát bánh kếp - món đồ ăn nhanh ưa thích của ông ấy - vốn được chụp từ rất lâu đột nhiên đang được dân chúng “đào mộ” và xuất hiện tràn ngập trở lại trên các trang mạng xã hội sau tuyên bố tham gia cuộc đua vào chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản ngày 2/9. Hình ảnh “cute” của nhân vật đầy tiềm năng cho vị trí cao nhất trong nội các Nhật Bản đã góp phần làm dịu đi sự hụt hẫng với việc ra đi bất ngờ của Thủ tướng Shinzo Abe cũng như không khí ngột ngạt do coronavirus gây ra cho người dân Nhật Bản những ngày gần đây.
Một lần khác, khi người đàn ông nghiêm nghị này xuất hiện ở một lễ hội cộng đồng, ông đã mỉm cười một cách bẽn lẽn khi được đám đông cuồng nhiệt, hầu hết là giới trẻ, chào đón bằng những tràng pháo tay thật lớn cùng những cánh tay vẫy gọi, và thậm chí cả những tiếng gào thét gọi tên ông “cứ như thể tôi là một ngôi sao nhạc rock nổi tiếng vậy”, “chú Reiwa” (Reiwa ojisan) - nickname thân mật công chúng đặt cho ông Suga - thú nhận.
Ông Suga nhận được sự ủng hộ của số đông dân chúng Nhật Bản, kể cả giới trẻ - Ảnh: Jiji Press/EPA
Hồ sơ chính trị của “vị quản gia” có thời gian phục vụ lâu nhất trong Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng trở nên dày dặn hơn bằng chuyến công du 4 ngày vào tháng 5/2019 đến thủ đô Washington nơi ông Suga được đón tiếp một cách trọng thị bởi những nhân vật cao cấp nhất của nhà Trắng, bao gồm cả Phó tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Những chỉ dấu trên đã vén lên phần nào tấm màn nhung của sân khấu chính trị Nhật Bản, mở đường cho “ngôi sao đang lên” này thay thế ông Shinzo Abe để trở thành vị Thủ tướng tiếp theo của xứ sở Mặt trời mọc.
Trong các buổi họp báo hàng ngày từ trước đến nay, ông Suga luôn phủ nhận những lời khuyến khích của mọi người về việc ông nên tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp chính trị của mình. Thậm chí kể cả khi ông Toshihiro Nikai - Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) - vào năm 2018 đã dành những lời “có cánh” để khen ngợi sự “xuất sắc trong vai trò người phát ngôn cao nhất của chính phủ Nhật Bản trong suốt hơn 6 năm làm việc của mình” thì Suga vẫn giữ một thái độ im lặng.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) đón tiếp ông Suga tại Nhà Trắng ngày 10/5/2019 - Ảnh: Kyodo
Một cuộc thăm dò ý kiến công chúng được Nikkei - tờ nhật báo có ảnh hưởng lớn ở Nhật Bản - tổ chức trong tháng 5/2019 cũng cho thấy ông Suga nổi lên như là một trong 4 nhân vật được yêu thích nhất cho chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản. Thế nhưng, giới quan sát chính trị thì lại cho rằng ông Suga không phải là người phù hợp để ngồi vào vị trí cao nhất ở Văn phòng Thủ tướng, bởi bản thân ông ấy thể hiện rõ nét nhất ở vị trí một cố vấn tận tụy cho Thủ tướng Shinzo Abe hơn là một thủ lĩnh đóng vai trò dẫn dắt cuộc chơi trên chính trường Nhật Bản.
Ngườiđàn ông luôn lùi lại phía sau
Ông Suga sinh năm 1948 trong một gia đình thuần nông ở tỉnh nông nghiệp Akita, phía Bắc Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, ông rời quê nhà để chân ướt chân ráo bước vào chốn phồn hoa đô hội với công việc làm thêm đầu tiên trong một nhà máy sản xuất thùng các-tông tại phường Itabashi, thủ đô Tokyo.
Ôn Suga bắt đầu những bước đi đầu tiên trên con đường chính trị bằng vị trí Uỷ viên Hội đồng lập pháp ở Yokohama năm 1987 trước khi nổi lên như là một nhà làm luật xuất sắc ở Hạ viện vào năm 1996. Mãi đến năm 2001 khi bắt đầu để tâm đến ông Abe, lúc đó đang là Phó chánh văn phòng nội các Nhật Bản thì 2 người đàn ông này ngay lập tức gây sự chú ý trong công chúng với việc Tokyo thể hiện thái độ cứng rắn với Bắc Triều Tiên đối với các vụ thử tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Suga bắt đầu con đường chính trị của mình ở Yokohama năm 1987 - Ảnh: Bloomberg
Mối quan hệ gắn bó giữa ông Suga với Thủ tướng Shizo Abe càng lúc càng tốt đẹp mà theo như mô tả của Arina, một quan chức cao cấp thuộc Văn phòng Thủ tướng thì “Ông Suga toàn tâm toàn ý thực thi tất cả những gì được Thủ tướng yêu cầu, với lòng trung thành vô điều kiện”.
“Thủ tướng Abe trọng dụng ông Suga một cách lâu dài bởi vì ông ấy biết rằng, ông Suga không phải là loại người chơi trò sau lưng để tìm cách tiếm ngôi người khác”, Arima tiết lộ. “Nếu chỉ cần có dấu hiệu như vậy thôi thì ông Suga sẽ không có cơ hội để ở lại trong văn phòng này lâu đến vậy”.
“Ông Suga tự nhận thức được rằng, mình đang đứng ở vị trí số 2, và nhiệm vụ của vị trí này chính là trở thành ‘cánh tay phải đắc lực’ để phục vụ Thủ tướng Shinzo Abe”, Katsuei Hirasawa, luật gia thuộc đảng LDP và cũng là người quan sát chính trị lâu năm ở Nhật Bản, nhận xét.
Ông Suga được biết đến như là một cố vấn trung thành bên cạnh Thủ tướng Shinzo Abe - Ảnh: Reuters
Trên thực tế thì ông Suga tự nhận mình như là hình mẫu của chiến binh samurai Toyotomi Hidenaga, vốn được biết đến như là người đã hết lòng phò tá "Nhà thống nhất vĩ đại" (great unifier) Toyotomi Hideyoshi của Nhật Bản trong những năm 1500.
“Bức tường thép”Suga
Giới quan sát chính trị Nhật Bản cho rằng, “bí quyết” giúp Suga tồn tại được lâu đến thế trên vai trò Chánh văn phòng Nội các một phần là nhờ vào tính cách “cứng nhắc” thể hiện bằng đôi môi luôn mím chặt của ông ở các buổi họp báo diễn ra 2 lần/ngày, và cả cách mà ông chủ trì buổi họp báo bằng các câu trả lời khuôn mẫu đã được chuẩn bị sẵn và hầu như không có câu trả lời cho bất cứ câu hỏi thêm nào từ phía báo giới. Bởi vậy, cánh truyền thông đã không ngần ngại đặt cho ông biệt danh Teppeki (bức tường thép).
Là một người cầu toàn và cứng nhắc, ông Suga được giới truyền thông đặt cho biệt danh "Bức tường thép" - Ảnh: AP Photo/Koji Sasahara
“Điều đặc biệt về Suga là ông ấy hiếm khi phát ngôn điều gì khác bên ngoài các văn bản đã được soạn sẵn… Ông ấy có thể lặp đi lặp lại câu trả lời đến 20 lần cho những câu hỏi khác nhau từ các nhà báo”, Arima nói.
“Ngay cả khi có phóng viên nào đó mất kiên nhẫn và bắt đầu tìm cách tấn công Suga thì cũng khó mà mong ông ấy nhỡ mồm bởi Suga luôn nhận thức được rằng, ông không được phép gây ra bất cứ sai lầm nào có thể gây tổn hại đến chính quyền của ông Abe”.
Một người tôn thờ “chủ nghĩa khắc kỷ” (stoicism)
Không chỉ là một người “nghiện việc”, ông Suga còn bị xem là người “yêu nước Nhật hơn cả bản thân mình”, Kazuo Tanoi, một thành viên thuộc đảng LDP bình luận.
Kể từ khi được giao nhiệm vụ quản lý văn phòng của Thủ tướng cách đây 8 năm, người đàn ông có vợ và 3 đứa con trai này chưa hề có thời gian trở về và ngủ lại qua đêm tại ngôi nhà thời thơ ấu của mình ở Yokohama. Thay vào đó, người ta thường xuyên thấy ông ở khu nhà công vụ nằm sát bên cạnh Văn phòng Thủ tướng.
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga (trái) và Thủ tướng Shinzo Abe (phải) trong tạo hình búp bê truyền thống Nhật Bản - Ảnh: AP
“Dường như mỗi phút trôi qua thì ông ấy chỉ nghĩ về đất nước”, Tanoi nói. “Chẳng hạn như, ông ấy là một kẻ ăn nhanh hơn tất thảy mọi người ở trong văn phòng này, chỉ để không phải lãng phí thời gian mà đáng ra là dành cho công việc”.
“Những lần đi ăn ngoài cùng mọi người thì ông ấy luôn muốn đến các nhà hàng có món ăn phục vụ sẵn. Và người ta dễ dàng thấy ông ấy cáu gắt nếu phải ngồi chờ những suất ăn được chế biến cầu kỳ và phải rất lâu mới được mang ra”.
Thế nhưng giờ đây, “chú Reiwa” với khuôn mặt khắc khổ và hiếm khi nở nụ cười ấy đã gật đầu chấp nhận cơ hội nắm lấy sứ mệnh trở thành “người đàn ông quyền lực số 1” trong văn phòng Thủ tướng của một quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh thứ 3 trên thế giới, ngay tại thời điểm được cho là chông chênh nhất trong lịch sử chính trị Nhật Bản.
Liệu ông Suga có thoát khỏi cái bóng của thủ tướng Abe để chèo lái nước Nhật qua cơn khủng hoảng kinh tế thời COVID-19? - Ảnh: AFP
Floating Doctors (Bác sĩ lưu động) tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho các cộng đồng xa xôi và thiếu thốn trên thế giới.