Tự công bố chất lượng sản phẩm, giảm phiền hà sao doanh nghiệp lại than?

16/10/2018 - 11:14

PNO - Nghị định 15 cho phép hơn 90% loại sản phẩm doanh nghiệp (DN) được tự công bố chất lượng sản phẩm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó.

Sau một thời gian thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP (gọi tắt NĐ 15, có hiệu lực ngày 2/2/2018, thay thế NĐ 38/2012/NĐ-CP), nhiều DN than phiền đã gặp khó khăn khi làm việc với đối tác.

Tu cong bo chat luong san pham, giam phien ha sao doanh nghiep lai than?
Nghị định 15 cho phép hơn 90% loại sản phẩm doanh nghiệp (DN) được tự công bố chất lượng sản phẩm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó. Ảnh minh họa

Với NĐ mới này, DN được tự đứng ra công bố chất lượng sản phẩm đồng nghĩa với việc DN tự chịu trách nhiệm về mọi thông tin của sản phẩm khi đã tự công bố. Mặt lợi cho DN là hồ sơ đơn giản, quy trình tiếp nhận và thời gian xử lý hồ sơ nhanh chóng, tạo cơ chế thông thoáng DN...

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, không ít DN than phiền gặp khó khăn khi làm việc với đối tác. Anh Hùng - chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm ở TP.HCM cho biết mặc dù đã có đầy đủ hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm nhưng khi đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại một số trường học ở nhiều địa phương trên cả nước thì có bất cập.

“Mới đây, khi tôi làm việc với một trường trung học ở Bắc Giang, Phó hiệu trưởng của Trường này thắc mắc hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm là tự DN làm, sao không có chứng nhận nào của cơ quan chức năng?. Trong khi quy định trước đây, hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm của DN đều có xác nhận của các cơ quan Nhà nước. Chính vì sự khác biệt này nên DN rất khó để thuyết phục được đối tác”, anh Hùng nêu ý kiến.

NĐ 15 cho phép hơn 90% loại sản phẩm DN được tự công bố chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó. 

Theo đó, việc kiểm tra của cơ quan chức năng cũng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Còn nay, thông tin tự công bố của DN được Ban An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM đưa lên trang web của Ban, nhưng cũng chỉ có tên DN, địa chỉ, điện thoại, tên sản phẩm. Còn những thông tin chi tiết như: thành phần, nguyên liệu, phụ gia phụ phẩm... thì không thể hiện trên đó.Tương tự, anh Tuấn, chủ DN chuyên sản xuất thực phẩm đóng gói cung cấp cho trường học, nhà hàng, khách sạn cũng nêu ý kiến: Trước đây, khi làm việc với khách hàng, DN chỉ cần trưng ra bản công bố chất lượng sản phẩm có dấu xác nhận của cơ quan chức năng là khách hàng tin tưởng ngay.

“Cái khó của DN là không thể giải trình với đối tác là DN công bố theo tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia. Hầu hết, các đối tác khách hàng họ không tin vào sự “tự khai” của DN, mà cái họ muốn là có cái chứng nhận của cơ quan chức năng. DN thực hiện đúng quy định nhưng đầu ra cho sản phẩm gặp khó như vậy không biết tính sao”, anh Hùng lo lắng.

Trước những than phiền của DN về việc DN tự công bố theo quy định tại NĐ 15 nhưng gặp nhiều bất cập, vướng mắc, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, khẳng định: “Việc bỏ tiền kiểm (theo quy định cũ) chuyển sang hậu kiểm (theo NĐ 15) đã giảm phiền hà cho DN, cải cách thủ tục hành chính... Còn việc các đối tác, khách hàng của DN thắc mắc sao không có dấu chứng nhận của cơ quan chức năng mà chỉ có thông tin công bố của DN thì họ có lý của họ. Vấn đề là DN phải giải thích cho họ hiểu”.

Tu cong bo chat luong san pham, giam phien ha sao doanh nghiep lai than?
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, DN phải giải thích cho đối tác, khách hàng hiểu rõ về quy định mới công bố chất lượng sản phẩm

Theo phân tích của bà Lan, trước đây, với quy định cũ, hồ sơ công bố của DN yêu cầu có hai phiếu kiểm nghiệm sản phẩm (do DN tự đi kiểm nghiệm). Trong 6 tháng cuối năm 2017, có 9 labo (phòng thí nghiệm) thực hiện 490.000 mẫu kiểm nghiệm với kết quả 99,7% đạt, tốt.

“Tôi không tin kết quả đẹp như thế này. Thế nhưng, đây cũng đã góp phần trong bức tranh chung. Tức là nếu như đi kiểm nghiệm theo yêu cầu, các DN sẽ lựa những mẫu tốt để kiểm nghiệm, thậm chí có những trường hợp chúng tôi ghi nhận là lấy hàng của người khác bóc xé, dán nhãn của mình vô, xong đem đi kiểm nghiệm. Số liệu này đó là của quy định cũ, tức là công bố có xác nhận của cơ quan chức năng.

Nhưng, nếu cứ ỷ y, căn cứ vào kết quả đẹp thế này mà không đi hậu kiểm thì cũng không có ý nghĩa gì. Vì vậy, theo quy định mới DN tự công bố về chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về những công bố của mình. Điều này đòi hỏi DN phải làm hồ sơ cho chuẩn. Việc của cơ quan quản lý Nhà nước là tăng cường hậu kiểm. Hậu kiểm và xử phạt nếu DN vi phạm”, bà Lan cho biết.

Theo NĐ 115/2018/NĐ-CP (NĐ 115), qui định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 20/10 tới, thay thế cho NĐ 178 trước đây. Theo đó các mức phạt đều tăng, kể cả phần hậu kiểm. 

“Trước đây chúng tôi đi kiểm tra hậu kiểm, chỉ mong nhắc nhở chỉ ra những cái sai của DN để họ sửa. Nhưng bây giờ NĐ 115 quy định rõ, hậu kiểm thấy sai xử phạt luôn, thanh tra cũng xử phạt luôn”, bà Lan nhấn mạnh.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI