Từ cô hoa hậu không đọc hết 1 cuốn sách đến trào lưu đáng sợ của thế giới mạng

30/08/2024 - 20:22

PNO - Không ai có quyền yêu cầu hoa hậu thì phải đọc sách, nhưng cách bộc bạch đầy lúng túng và ngây ngô khiến nhiều người ngao ngán...

Hoa hậu Kỳ Duyên với phát ngôn gây nhiều ồn ào
Hoa hậu Kỳ Duyên với phát ngôn gây nhiều ồn ào

Trong ảnh trên là câu nói của một cô hoa hậu. Vì nội dung bàn đến chuyện đọc sách, nên dân mạng lại chia phe cãi nhau. Phần lớn bỉ bai, chê cười, thậm chí là chửi bới nặng lời cô hoa hậu vì chưa từng đọc hết một cuốn sách nào. Một số tranh thủ đu trend khoe mình đọc sách, chê người không đọc sách là kém văn hoá; một ít người tỏ ra thông cảm, ủng hộ sự “thật thà quá mức” ấy, như đã quá quen rồi với các tuyên bố ngây ngô gây sốt của các danh xưng hoa hậu, á hậu… xứ mình.

Sự thẳng thắn tới bất ngờ của cô hậu (theo tôi là phản xạ vụng về, chứ không phải chủ đích tạo hiệu ứng truyền thông như phân tích của một số người). Nếu xem hết đoạn clip có toàn bộ câu trả lời, người xem sẽ thấy cô hoa hậu ấy lúng túng.

Nhưng từ phát biểu của cô hoa hậu, bỗng dưng có một trào lưu đáng sợ: mắng mỏ và khinh nhau vì không đọc sách.

Nhiều người băn khoăn tự hỏi: Chẳng lẽ sách chính là phương tiện khiến người ta sang lên? Lẽ nào thời buổi của chữ nghĩa đã lên ngôi thật sao? Một chị tôi quen thú nhận đã mua cả chồng sách mấy chục cuốn, đợi khi nào rảnh thì đọc dần, mà năm tháng trôi đi, có cuốn còn chưa từng được mở ra khỏi lớp giấy gói. Chị chia sẻ trên trang cá nhân là đã “đọc mạng ngày mấy tiếng”, và tự vấn như vậy liệu có phải là sai quá sai rồi chăng?

Và may thay, lời thật lòng này chẳng vấp phải sự ồn ào sôi sục của cư dân mạng, bởi chị nọ không phải là hoa hậu! Chị kết: Đọc sách nhiều thì cực kỳ tốt, không phải bàn cãi rồi. Được mở mang tầm hiểu biết, giải trí, thỏa mơ mộng qua con chữ, gần gũi với văn chương… Nhưng sách cũng đâu dạy ai được quyền lên mặt ta đây, mạt sát, bỉ bôi người khác vì mình đọc nhiều, còn họ thì ít đọc!

Không ít người đồng tình với cảnh “đọc mạng suốt ngày” vẫn thấy thú vị, chứ cầm sách lên một chút đã buồn ngủ. Chả bù cho ngày xưa, ngốn hết cuốn này đến cuốn khác vẫn còn thèm. Tại sao?

Hãy thử quay trở lại với nội dung đang dậy sóng của hoa hậu. Cô ấy có lẽ nói thật, "sống thật", như một số phân tích, nhưng bởi vì cô là hoa hậu, một khi đã chọn vào “con đường thi thố làm hoa hậu”, cô ấy phải chấp nhận việc nhất cử nhất động của mình sẽ bị soi xét, đánh giá. Người nổi tiếng có ảnh hưởng tới một bộ phận dân chúng nhất định. Câu trả lời kia sẽ vô tư, không bị chỉ trích nếu chỉ là chia sẻ nội bộ tới bạn bè, người thân, nhưng đứng trước truyền thông, thì hứng chịu gạch đá không phải là điều lạ.

Vẫn biết kiến thức có thể được thu thập qua nhiều kênh, nhưng việc đọc sách từ nhỏ, đọc sách một cách nghiêm túc, xây dựng niềm yêu thích đọc sách sẽ mang lại rất nhiều bổ ích, không thể chối cãi. Nếu việc đọc sách không phải sở thích, thì ít nhất cũng nên biết cách nói sao cho hợp lý, dễ nghe, để không bị ngại ngùng, "đứng hình" trên sân khấu một cuộc thi như cô hoa hậu…

Việc cô hoa hậu "quay lưng" với sách và chọn hình ảnh, âm thanh cho "thực tế" là vấn đề dễ hiểu, đặc biệt khi mạng xã hội bùng nổ thông tin, các phương tiện nghe nhìn mỗi ngày thêm hấp dẫn. Sách ngày nay không còn là kênh duy nhất hay tốt nhất để trau dồi kiến thức; càng không ai có quyền yêu cầu hoa hậu thì phải biết đọc hết một cuốn sách, nhưng cách bộc bạch đầy lúng túng và ngây ngô khiến nhiều người ngao ngán, buông tiếng thở dài…

Ngọc Hằng (quận 10, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI