Từ chuyện một con mèo bị đánh

17/03/2015 - 11:34

PNO - PN - Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác của mình hồi 5 tuổi, khi các bạn trai trong xóm cùng tập trung ném đá, chọc gậy vào một con mèo bé nhỏ ở bên đường. Nó co rúm, kêu gào. Tôi khóc thét, nước mắt giàn giụa, cố gắng đẩy bằng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nghĩ lại, bao nhiêu năm đã qua, vẫn thấy ánh mắt con mèo đáng thương.

Và mới đây, xem clip em học sinh ở Trà Vinh bị đánh hội đồng bằng ghế nhựa. Em bé đáng thương một mình, bất lực giữa bao nhiêu sự đối xử tàn nhẫn của bạn bè.

Tu chuyen mot con meo bi danh

Vừa ăn Tết xong, bản tin đưa, mấy ngày nghỉ Tết mà cả nước có 6.200 người nhập viện vì đánh nhau. Thế rồi những ngày đầu tháng Giêng, mở báo ra nay thấy hội này đánh nhau vì cướp lộc, mai thấy hội kia đâm người vì bị hăm dọa.

Người Việt có đúng là ngày càng hung hãn hơn, như nhận xét của nhiều người không, khi mà trong lớp học, những học sinh lớp 7 mặt mũi rất khôi ngô, sáng sủa, túm tóc, cầm ghế “nện” bạn như trong phim Bụi đời Chợ Lớn…?

Học sinh nhất quỷ nhì ma, nghịch ngợm, hiếu động, nhưng chưa bao giờ sự hiếu động ấy đến mức bao vây tập thể để đánh bạn bằng ghế như một cuộc tra tấn, cả về thể xác và tâm lý.

Học sinh côn đồ với nhau, không phải ngoài đường, mà ngay trong lớp học, ngay trong giờ học, khi chúng còn khoác trên người đồng phục và khăn quàng đỏ. Phải chăng những tiết học về giáo dục công dân với các em bị bỏ qua hoặc được học chưa đến nơi đến chốn?

Chúng ta cứ nói mãi về việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học trò, phải làm thế nào để những tiết học đó sinh động hơn, giản dị hơn, dễ ứng dụng vào thực tế hơn. Nhưng để ý xem, có mấy trường, mấy lớp được học những tiết học kỹ năng sống, giáo dục công dân bài bản, khoa học, hay chúng được cắt ghép giờ cho những bộ môn toán, văn, Anh… khác?

Học sinh đánh nhau trong lớp học, mà người khởi xướng ở đây lại chính là lớp trưởng, sự coi thường kỷ luật trong lớp học, trường học được thể hiện rõ ràng như một sự thách thức.

Nếu coi trường học là một xã hội thu nhỏ, chắc chắn phải có những kỷ cương, quy tắc chung bắt buộc mọi người phải tuân thủ. Vậy những học sinh này sẽ ra sao nếu ra ngoài xã hội rộng lớn bên ngoài, các bạn lại bất chấp luật pháp, và nhân danh mình có chức vụ, “được phép” đánh và hô hào mọi người cùng đánh người khác?

Xem toàn bộ diễn đàn "Con tôi có bị đánh hội đồng tại lớp?" tại đây.

Văn hóa ứng xử giữa con người với con người đang báo động khẩn cấp. Người ta ngày càng “ngại” nói với nhau mà “thích” dùng nắm đấm. Đến mức như học sinh, có thể báo cáo với giáo viên chủ nhiệm việc có học sinh phạm lỗi, ứng xử trên nguyên tắc, nội quy của nhà trường thì đằng này lại “ra tay” với bạn một cách độc ác, không có tình người.

Đứa trẻ sẽ bước qua vòng tay của gia đình, tới nhà trường, từ nhà trường bước ra ngoài xã hội. Tôi không dám chắc những em học sinh đánh bạn đến chảy máu đầm đìa, mặc cho bạn than khóc, bất lực kia là những đứa con ngoan, hiếu thảo với bố mẹ.

Tôi cũng không dám chắc những em học sinh này, sau khi bước qua khỏi cánh cổng trường, các em là những công dân biết tuân thủ luật pháp, sống nhân ái, vị tha.

Từ cái tát, những cái liệng ghế vào đầu bạn trong giờ ra chơi của lớp học đến bạo lực gia đình, đến xô xát ngoài đường, hỗn chiến ngoài lễ hội là khoảng cách rất gần. Nó vẽ lên một bức tranh u ám cho văn hóa ứng xử hiện nay.

Trẻ cần được dạy học không chỉ với toán, văn, các em cần được dạy nhiều hơn nữa về đạo đức, tình yêu thương. Nó được lồng ghép trong bài văn, giờ học lịch sử, môn công nghệ, hay tiết học về vật nuôi trong nhà… chứ không nhất nhất cứ phải quy thành một môn học riêng.

Một đứa trẻ biết yêu thương động vật, rơi nước mắt khi con mèo của mình bị chảy máu, đau ốm, tôi nghĩ đứa trẻ ấy khó có thể làm điều gì đau đớn cho bạn bè, những người sống ở quanh mình.

THÚY NGUYỄN (Hà Nội)

Kính mời bạn đọc gửi bài, ý kiến cho diễn đàn “Con tôi có bị đánh hội đồng tại lớp?” qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.
Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI