Tự chuốc lấy cô đơn

29/04/2018 - 15:00

PNO - Chị tình cờ đọc ở đâu đó hai câu thơ rằng: Sống sao đừng để về già - Cô đơn trong chính ngôi nhà ta xây. Chị giật mình, tự dưng muốn được một lần bật khóc thật to cho thỏa thích.

Nó là đứa con dâu do thằng Bin chọn, chứ không phải chị hoàn toàn ưng cái bụng. Ngày chính thức về nhà chị, nó chỉ hai mươi bốn tuổi, vừa mới đi làm, vẫn thích thú với trà sữa, bánh tráng trộn và ngủ nướng. Ham vui, trẻ con thế, thì sao phải vội lấy chồng? Chị hỏi câu ấy với thằng Bin và nhận lại sự phản ứng đầu tiên của con trai: mẹ xét nét thế để được gì?

Tu chuoc lay co don
Ảnh minh họa

Chị bực đủ thứ. Ba má nó cũng còn trẻ hơn chị, nhà họ giàu, có cửa hàng vật liệu xây dựng gần chợ. Của ăn của để thiếu gì, vậy mà bó rau chị mua về nó cũng so đo mắc rẻ. Mua gì cũng đưa tiền vừa khít, hiếm khi nào thấy có dư.

Chắc nó sợ chị xài hao tốn tiền bạc của vợ chồng nó đây mà, nên mọi thứ trong nhà đều tính toán sít sao như thế. Từ nay, chị quyết ăn riêng, cho chúng nó muốn tiết kiệm, thu vén thế nào cũng được. Cứ nhìn vẻ mặt từ ngỡ ngàng cho tới xấu hổ của nó lúc đó, là chị cảm thấy hả dạ rồi.

Từ ngày ấy, trong căn bếp nhà chị có hai cái mâm; hai hũ đường, hũ mắm; hai cái nồi cơm điện. Thi thoảng, con dâu tỏ ra hiếu thuận, bưng sang mời chị mấy cuốn chả giò hay bát canh cua. Chị bảo, thôi để cho cháu nó tẩm bổ, tôi ăn uống thế nào chẳng qua bữa. Chị thường tranh thủ ăn trước, người có tuổi chỉ cần một tô, một muỗng là xong. Rồi lúc vợ chồng đi làm về lúi húi nấu nướng, chị nhìn mà ngứa cả mắt khi con cái ỉ eo khóc kêu đói, thằng Bin vừa dấm dúi phụ vợ vừa lấm lét canh chừng mẹ. Thôi thì chị bỏ qua nhà hàng xóm ngồi chơi cho nó đỡ bực bội…

Thằng Bin là con trai út. Từ ngày nó lấy vợ, chị thấy mình đang dần mất đi đứa con trai yêu quý. Trong suy nghĩ của chị, nó vẫn là thằng Bin bé bỏng chị từng ẵm bồng, đút ăn cho tới tận năm cuối cấp II. Nó bị viêm họng và sốt xuất huyết mấy lần, toàn một tay chị chăm bẵm, giành giật lại từ thần chết. Chị không ngờ là thấy con mình lụy một đứa con gái khác lại mang tới cảm giác khó chịu đến như vậy.

Chị cứ ngỡ mình hiện đại lắm, không bao giờ có chuyện mẹ chồng nàng dâu, vậy mà cuối cùng...

Tu chuoc lay co don
Ảnh minh họa

Chung quy cũng tại đứa con gái ấy. Nó cứng đầu cứng cổ, luôn muốn đấu với chị. Hai con mắt to tướng của nó luôn chiếu về chị cái nhìn thẳng tưng, không biết kiêng dè. Nó đẻ con, cháu gái lại hay ốm, chị bày cái gì nó cũng gạt đi, bảo không khoa học. Ý nó chê chị ngu muội chứ gì? Chị từng tuổi này rồi, chả lẽ lại không đi guốc trong bụng đứa con gái hỉ mũi chưa sạch kia! 

Căn nhà ba tầng chị gom góp cả đời công chức của mình để xây lên, mục đích là để cho mấy mẹ con cùng với dâu rể ở chung. Thế mà giờ vắng vẻ dần. Đứa nào đủ lông đủ cánh cũng muốn bay đi, bỏ rơi chị. Mà chị cũng chẳng cần giữ đứa nào. Ai có chân thì cứ việc bước, chị còn có chòm xóm để la cà, lo gì chứ. Nên chuyện chị rị mọ nấu món này món kia rồi mang qua từng nhà biếu là bình thường.

Nhất cử nhất động trong nhà chị đều ngại lối xóm dòm ngó. Phải giữ thể diện chứ. Chồng mất sớm, cả đời cắc củm nuôi con, cuối cùng chúng nó vô tâm vô tình với mẹ, chỉ chăm lo cho tổ ấm riêng, đứa ở chung thì lại về phe vợ. Con dâu luôn so đo từng chút với mẹ chồng. Cháu nội lúc còn nhỏ thì bắt bà nội giữ giùm, chị vừa kêu vất vả, nó liền vội mang đi gửi trẻ, với lý do “sợ bà nội cực”. Sao vô lý thế chứ. Chẳng khác gì tuyên bố là chị vô tích sự, không có lòng với con cháu.

Giờ nó một hai đòi dọn ra ngoài ở. Thằng Bin không những chẳng dạy dỗ vợ, mà còn xa gần hùa theo, bảo muốn giữ lại chút tình cảm mẹ con, nên đành phải vậy. Chị điên lắm nhưng không thèm níu giữ ai hết. Chị chỉ nắm chặt lấy cái hộ khẩu, mặc kệ chúng nó xoay xở tạm trú hay chứng giấy tờ này nọ.

Mấy lần chồng nó mở lời mượn hộ khẩu để tách cho vợ hoặc làm thủ tục gì đó, chị đều lôi chuyện cũ ra để nói. Để cho chúng nó hiểu, không phải muốn lấn lướt bà già này thế nào cũng được, nhé. Chì chiết xong, chị thản nhiên như không hề liên quan gì tới cái cuốn sổ be bé mà nhiều quyền lực kia. Chị giờ còn gì ngoài lá bùa “hộ khẩu” để trả đũa đứa con dâu đáo để, xấu xa kia cơ chứ.

Hôm qua, chị tình cờ đọc ở đâu đó hai câu thơ rằng: Sống sao đừng để về già - Cô đơn trong chính ngôi nhà ta xây. Chị giật mình, tự dưng muốn được một lần bật khóc thật to cho thỏa thích. Bất kể nhà hàng xóm nghĩ ngợi hay đánh giá gì… 

Bằng Lăng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI