Trên 76% nhà trường sẵn sàng chuyển đổi mô hình thực hiện tự chủ
Trong hội nghị về thực hiện tự chủ trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tại TPHCM mới đây, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thông tin, khảo sát thực hiện trên 1.096 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở một số địa phương về nhu cầu thực hiện tự chủ cho thấy, 76,1% cán bộ quản lý trường mầm non, phổ thông có nhu cầu đổi mới mô hình giáo dục; 76,3% đội ngũ nhà trường sẵn sàng chuyển đổi mô hình để thực hiện tự chủ; 59,5% nhà trường có đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ…
Từ kinh nghiệm triển khai các mô hình tự chủ giáo dục trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nêu rõ, thực hiện tự chủ giáo dục nhà trường cần hoạt động dưới sự vận hành của hội đồng trường để nâng cao trách nhiệm giải trình và nâng cao hiệu quả quản trị nhà trường. Đội ngũ sẵn sàng chuyển đổi mô hình. Các địa bàn có điều kiện khác nhau tthực hiện tự chủ khác nhau, với những mức độ tự chủ từ mạnh - trung bình - yếu trong các cơ sở giáo dục.
|
Khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho thấy trên 76% trường sẵn sàng chuyển đổi mô hình thực hiện tự chủ giáo dục |
“Tự chủ giáo dục thể hiện sự chuyển đổi vai trò quản lý và tổ chức hoạt động của nhà trường, đáp ứng các nhu cầu giáo dục đa dạng. Bản chất của tự chủ là đáp ứng đổi mới giáo dục và sự phát triển của nhà trường. Mô hình tự chủ giáo dục bao gồm nhiều thành tố mà trường phải hướng tới, bao gồm sứ mệnh, tầm nhìn, cam kết đầu ra, giám sát. Trong đó, bước chuyển từ vai trò của hiệu trưởng sang hội đồng trường để cùng gắn kết, nâng cao trách nhiệm, đảm bảo quyền tự chủ”, PGS.TS Hồng Vân nhận định.
Theo bà, điều kiện để một cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ bao gồm 4 yếu tố. Trước hết là địa bàn phải có kinh tế phát triển, nhu cầu giáo dục đa dạng; Địa phương trao quyền với những chính sách tạo hành lang pháp lý, cơ chế giám sát, kiểm định; Cơ sở giáo dục phải có năng lực, hội tụ việc xây dựng được chương trình nhà trường, cơ sở vật chất, đội ngũ, năng lực quản trị; Quan trọng nhất là đội ngũ, cơ sở giáo dục phải thực sự sẵn sàng.
Cần có lộ trình nếu không sẽ… gãy
Trường Mầm non Nam Sài Gòn là một trong số 2 cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính trên địa bàn TPHCM. Cô Lê Thị Xuân Thương - Hiệu trưởng nhà trường đánh giá, mô hình này giúp trường chủ động về tài chính và đảm bảo chế độ cho người lao động.
Dù vậy, mô hình cũng bộc lộ hạn chế. Suốt 25 năm (từ 1997) mức thu học phí của trường là 400 ngàn đồng/tháng. Để duy trì hoạt động, năm học 2018-2019 trường đã thoả thuận mức thu thêm từ đó cân đối thêm nguồn chi chính sách cho người lao động. Đặc biệt, trong dịch bệnh khi trẻ không đến trường, nguồn dự phòng không còn, hoạt động trường chủ yếu dựa vào trẻ, buộc trường phải cân đối chi tiêu nội bộ.
“Thực hiện mô hình tự chủ hoàn toàn, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường phải hết sức nỗ lực làm sao để phụ huynh tin tưởng, hài lòng, thu hút được phụ huynh”, cô Thương bày tỏ.
Đánh giá mô hình tự chủ là ước mơ của các nhà trường, song cô Mai Thị Kim Phượng (Hiệu trưởng Trường TH Tân Sơn Nhì, Q. Tân Phú) cho rằng chỉ khi tự chủ về tài chính thì mới có thể tự chủ trong nhiều vấn đề khác, bao gồm cả việc thu hút được người giỏi với mức lương cao. Trong khi đó, tự chủ tài chính lại là “bài toán khó”.
“Trường TH Tân Sơn Nhì đang thực hiện mô hình trường tiên tiến hội nhập với mức thu 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng. Với mức thu này làm chất lượng cao đã rất khó, vậy mà trường phải gửi thông báo liên tục cho phụ huynh mới thu được. Vấn đề tài chính luôn là bài toán khó phải có sự tính toán thật kỹ, phải có lộ trình rõ ràng, nếu làm không khéo có thể sẽ… gãy”, cô Mai Thị Kim Phượng nhìn nhận.
|
Thực hiện tự chủ giáo dục cần có lộ trình, tính toán kỹ nếu không sẽ... gãy |
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) Nguyễn Đoan Trang lại băn khoăn về bài toán nhân sự khi chuyển đổi mô hình giáo dục, làm sao thu hút được người giỏi, nâng cao và tạo ra tính riêng biệt trong chất lượng giáo dục để đủ sức cạnh tranh với các trường quốc tế, tư thục.
Hiệu trưởng này phân tích, nhiều giáo viên nội tại của trường có tuổi nghề cao song mức đáp ứng với đòi hỏi của chương trình để thực hiện tự chủ thì lại không theo kịp. So với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tư thục, quốc tế có lợi thế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình nhà trường thì liệu các trường công lập tự chủ có đủ sức để cạnh tranh.
“Khi thực hiện tự chủ, nếu nhà trường không được “thay máu” đội ngũ thì rất khó. Chúng ta có thể lấy tin học, ngoại ngữ để xây dựng chất lượng giáo dục, tạo nên thương hiệu nhưng cần thiết phải có một đội ngũ đủ mạnh”, cô Nguyễn Thị Đoan Trang nói thêm.
TPHCM đã thực hiện mạnh mẽ vấn đề tự chủ giáo dục Bàn về vấn đề thực hiện tự chủ trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn TPHCM, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam đánh giá nhìn ở một góc độ rộng, TPHCM đã triển khai rất mạnh mẽ vấn đề tự chủ giáo dục. “Nói về tự chủ thường nghĩ về tự chủ tài chính. Tuy nhiên, thực tế TP đã trao quyền để các trường tự chủ về chương trình giáo dục trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, giảng dạy ngoại ngữ… Thậm chí cùng một bậc học mức tự chủ cũng khác nhau giữa các trường ngoại thành, nội thành, trường đông học sinh - ít học sinh để phù hợp với đặc thù nhà trường. Ngoài ra, còn tự chủ về biên chế, hợp đồng thỉnh giảng thêm, ở bậc mầm non ngoài 2 giáo viên/lớp còn có bảo mẫu”, ông Lê Hoài Nam thông tin. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, TP cũng thực hiện mạnh mẽ vấn đề tự chủ tài chính. Cụ thể, thành phố cấp kinh phí trên định mức số học sinh, từ nguồn kinh phí được cấp hiệu trường sẽ chủ động xây dựng tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp, chứ không theo cơ chế xin - cho. |
Tấn Dũng