Tự chủ đại học vẫn còn nhiều vướng mắc dù giúp thu nhập giảng viên tăng

04/08/2022 - 12:24

PNO - Đánh giá chung về nâng cao năng lực tài chính của các trường tự chủ, Bộ GD-ĐT cho biết từ 2018 đến 2021 tổng thu của các trường này đa phần tăng lên.

 

Mô hình tự chủ đại học tại Việt Nam hiện còn nhiều vướng mắc (ảnh minh họa)
Mô hình tự chủ đại học tại Việt Nam hiện còn nhiều vướng mắc (ảnh minh họa)

Phát biểu tại hội nghị tự chủ đại học 2022 diễn ra vào sáng 4/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định trường đại học hoạt động với tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao là mô hình và cơ chế phổ biến trên khắp thế giới. 

Ở Việt Nam, tự chủ đại học như một cuộc cách mạng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, và đã đạt được nhiều thành tựu. Đặc biệt, trong mấy năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã và đang chuyển đổi dần cơ chế, từng bước thực hiện các quyền chủ động của mình.

Đánh giá chung về nâng cao năng lực tài chính của các trường tự chủ, Bộ GD-ĐT cho biết từ 2018 đến 2021 tổng thu của các trường này đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm.

Đặc biệt, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh: tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý.

Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.

Nếu năm 2018, tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu/năm chiếm 26,2% thì năm 2021 chỉ còn 12,7%; năm 2018 tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu/năm là 57,5% thì năm 2021 con số này giảm xuống còn 46,3%/ năm.

Trong khi đó, sau 3 năm tự chủ (2018-2021), giảng viên có thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, quá trình triển khai tự chủ đại học thời gian qua vẫn có những vướng mắc, bộc lộ những hạn chế, khó khăn. 

Cụ thể, có những vướng mắc do hệ thống văn bản quy định pháp luật còn có những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ và nhất quán; khó khăn vướng víu do những thói quen cũ, cách nghĩ cũ, tư duy cũ; vướng mắc do sự chia sẻ và đón nhận từ xã hội có chuyển biến chưa đồng bộ và tương thích.

Ngoài ra, có những ngộ nhận về các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan tới tự chủ…; những trục trặc phát sinh trong quá trình chuyển đổi hệ thống và chuyển đổi của các đơn vị, các thành tố...

 

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI