Tự chủ đại học: Quan trọng nhất là giá trị học thuật

17/09/2018 - 06:25

PNO - Liên quan tới đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục đại học, chuyên gia giáo dục Mỹ - ông Trần Đức Cảnh - nhận định: tự chủ ĐH sẽ giúp cho các trường chủ động, sáng tạo, tích cực hơn trong vai trò của mình với xã hội.

Vừa qua, Quốc hội đã có những ý kiến đa chiều xung quanh các đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục đại học, trong đó có vấn đề tự chủ đại học. Là chuyên gia giáo dục Mỹ và cũng là ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia và Phát triển nguồn nhân lực (nhiệm kỳ 2016-2021), ông Trần Đức Cảnh cho rằng, tự chủ đại học sẽ giúp các trường chủ động, sáng tạo và tích cực hơn trong vai trò của mình với xã hội.

Tu chu dai hoc: Quan trong nhat la gia tri hoc thuat
Tự do học thuật là mục tiêu quan trọng của tự chủ đại học

Phóng viên: Thưa ông, khi bàn về sửa đổi Luật Giáo dục đại học (ĐH), có nhiều ý kiến trái chiều về tự chủ ĐH. Theo ông, vấn đề nằm ở đâu? 

Ông Trần Đức Cảnh: Tôi cho tự chủ ĐH là vấn đề cốt lõi trong sửa đổi Luật Giáo dục ĐH lần này, tạo động lực để ĐH phát triển. Về cơ bản, Bộ GD-ĐT sẽ chuyển từ vai trò cơ quan chủ quản sang quản lý nhà nước, đóng vai trò làm và thực hiện chính sách giáo dục chung, phân phối nguồn lực, kiểm định chất lượng và áp dụng biện pháp chế tài... Thực hiện được tự chủ ĐH trong bối cảnh giáo dục ở nước ta hiện nay là điều không hề đơn giản, cần có quyết tâm, thời gian và lộ trình. 

Hệ thống ĐH nước ta so với thế giới có phần nào giống như nuôi gà công nghiệp... nay phải tự bươn chải, tự lập và tự phát triển, chắc chắn không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ, vướng mắc ban đầu. 

Ở bất cứ quốc gia nào, ĐH luôn là nơi có lực lượng tiên phong trong các vấn đề của đất nước, dù là kinh tế, xã hội, khoa học hay khoa học kỹ thuật và nếu không là thế thì các ĐH không làm đúng vai trò của mình, cần phải thay đổi. Tôi tin là tự chủ ĐH sẽ giúp cho các trường chủ động, sáng tạo và tích cực hơn trong vai trò của mình với xã hội.

* Tự chủ ĐH thường xoay quanh tài chính và nhân sự, đây phải chăng là hai vấn đề cốt yếu?

- Không thể nhầm lẫn giữa phương tiện và mục tiêu của tự chủ ĐH. Tự chủ ĐH có ba vế chính là tự chủ tài chính, nhân sự và nội dung học thuật. Trong đó, tự chủ tài chính và nhân sự là phương tiện cần thiết để các ĐH thực hiện mục tiêu học thuật và phát huy sáng tạo. Cũng có ý kiến cho rằng, quan trọng là tự chủ tài chính và nhân sự, còn học thuật thì tính sau. Đây là suy nghĩ cục bộ, vì mục tiêu tự chủ ĐH là hướng đến nội dung chương trình, đào tạo ra sinh viên có tri thức, chất lượng chuyên môn để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội. 

Tu chu dai hoc: Quan trong nhat la gia tri hoc thuat
Ông Trần Đức Cảnh, chuyên gia giáo dục Mỹ và cũng là ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia và Phát triển nguồn nhân lực (nhiệm kỳ 2016-2021).

* Trong đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục ĐH lần này, hội đồng trường quyết định các chính sách lớn cho trường chứ không phải là hiệu trưởng như trước?

- Theo đề xuất, hội đồng trường sẽ có thực quyền hơn. Từ trước đến nay, quyền hành trong các ĐH công tập trung vào hiệu trưởng và ban giám hiệu. Nay đề xuất hội đồng trường đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định nhân sự chính, lập chính sách, phê duyệt đầu tư và kế hoạch của trường... Sự phân quyền sẽ giúp cho việc quản lý minh bạch, cân đối và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mô hình phân quyền này cũng cần làm rõ trách nhiệm và vai trò của hội đồng trường và hiệu trưởng, nếu không thì thay vì hợp tác nhịp nhàng lại nảy sinh xung đột, nghi kỵ, cục bộ, khả năng làm tê liệt hoạt động trường. Do đó, thiết kế cơ chế vận hành trường cần nghiên cứu mô hình tương tự ở các nước phát triển. 

Riêng trường tư thục, cấu trúc hội đồng quản trị và hiệu trưởng không thay đổi mấy, ngoại trừ một số yêu cầu báo cáo, giải trình và ràng buộc khác từ Bộ GD-ĐT có khả năng sẽ giảm hay bỏ.

* Cũng liên quan tự chủ ĐH ở các ĐH quốc gia, có người cho rằng, mô hình trường trong trường là xu hướng của các ĐH trên thế giới, ông nghĩ sao?

- Trường trong trường đúng là mô hình phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Như ở Mỹ, những trường lớn cấu trúc ĐH làm bốn bậc: ĐH, trường thành viên (con), khoa và bộ môn. Còn trường nhỏ thì ba bậc: ĐH, khoa và môn. Lịch sử hình thành và nhu cầu phát triển của trường thành viên (con) hầu hết do trường mẹ đầu tư xây dựng nên. Các trường thành viên của Mỹ thường chỉ đào tạo sau ĐH, giảng dạy và nghiên cứu sâu các chuyên ngành như luật, kinh tế, kỹ sư… 

Ngoài việc quản lý hiệu quả vì các trường con nằm trong cùng khuôn viên, việc liên kết, chia sẻ nguồn lực giảng dạy, nghiên cứu rất dễ dàng, tiện ích. Như thế mới mang lại giá trị, thương hiệu và xây dựng tinh thần của một ĐH đúng nghĩa. Ngược lại, trường trong trường theo mô hình hai ĐH quốc gia ở Việt Nam thì lại thiếu tính liên kết, rất giới hạn trong việc chia sẻ các nguồn lực trường. Tôi cho mô hình hai ĐH quốc gia của ta là “tổ hợp” các trường ĐH hơn là một ĐH lớn nói trên. 

* Như vậy theo ý ông, trường thành viên ĐH quốc gia cũng có thể phát triển thành trường tự chủ?

- Hình thành hai ĐH quốc gia ở thời điểm hơn 20 năm trước có lý do của nó, nay nên xem lại hệ thống các trường trong hệ thống trường này có còn phù hợp. Luật Giáo dục ĐH cũng nên cho phép các trường thành viên chọn lựa là họ có muốn tiếp tục nằm trong hệ thống ĐH quốc gia hay không. Theo tôi, những trường nào muốn tiếp tục làm trường thành viên thì cần có sự liên kết, tập trung nguồn lực, chẳng hạn như nằm cùng trong khu ĐH quốc gia, đồng thời phải là một trường chuyên ngành. Như vậy mới đúng nghĩa là một ĐH. Đồng thời, cũng có thể xem xét xây dựng lại mô hình ĐH quốc gia ngay từ đầu. Như vậy có khi sẽ hiệu quả hơn so với mô hình tổ hợp ĐH hiện có.

Vấn đề tự chủ ĐH cũng nên xem xét áp dụng cho các ĐH vùng. Hiện có ba ĐH vùng là Đà Nẵng, Huế và Thái Nguyên. Mỗi ĐH vùng có 6-8 trường thành viên, trực thuộc Bộ GD-ĐT. Do quy chế quản lý của mô hình ĐH vùng còn lỏng nên trách nhiệm và việc tuân thủ các chính sách không thống nhất. Theo tôi, nên bỏ ĐH vùng và các trường thành viên, cho phép các trường được chọn là trường thành viên hay trở thành ĐH độc lập và tự chủ. Mô hình ĐH vùng hiện nay phần lớn mang tính liên kết hơn là trường thành viên và nên là như thế. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của tự chủ ĐH vẫn luôn là giá trị về học thuật. Và dù có cải cách, thay đổi thế nào, thì vẫn cần hướng đến tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính cạnh tranh lành mạnh.

* Xin cảm ơn ông. 

 Xuân Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI