Tự chủ đại học, lo học phí tăng

05/08/2022 - 06:59

PNO - Ngày 4/8 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội tổ chức Hội nghị tự chủ đại học. Cơ chế này đã được thí điểm từ năm 2014, được xem là “cuộc cách mạng để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học”. Tuy nhiên thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ…

 

Vẫn còn nhiều vướng mắc trong cơ chế tự chủ đại học, nhất là vấn đề hoàn thiện  khung pháp lý (trong ảnh: Sinh viên Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ trong giờ  thực hành nghiên cứu y sinh) - ẢNH: HVU
Vẫn còn nhiều vướng mắc trong cơ chế tự chủ đại học, nhất là vấn đề hoàn thiện khung pháp lý (trong ảnh: Sinh viên Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ trong giờ thực hành nghiên cứu y sinh) - Ảnh: HVU

Thu nhập giảng viên, nhân viên tăng 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2014 - 2017, bốn trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Ngoại thương, ĐH Hà Nội được chọn thí điểm cơ chế tự chủ; sau đó mở rộng thêm các trường ĐH Mở TPHCM, Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội… Đến nay, cả nước có 141/232 trường ĐH đủ điều kiện tự chủ theo quy định. 

Từ khi triển khai, cơ chế tự chủ giúp các trường nâng cao chất lượng tuyển dụng, chất lượng nhân sự. Trong đó, không ít trường đã chủ động xây dựng đề án vị trí việc làm, chủ động tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc với những giảng viên có trình độ và năng lực nghiên cứu cao. Năm 2018, tỷ lệ giảng viên ĐH có trình độ tiến sĩ là 25%; đến năm 2021, tỷ lệ này đã tăng lên 31%. Các vị trí viên chức, hành chính, lao động phục vụ cũng được nhiều trường giảm biên chế, sắp xếp lại… 

Đặc biệt, cơ chế tự chủ đã giúp nâng thu nhập bình quân của cả giảng viên (tăng 20,8%) và cán bộ quản lý (tăng 18,7%). Các trường được chọn thí điểm đã củng cố được vị thế trong hệ thống giáo dục quốc dân, có thêm động lực phát triển, khả năng hội nhập cao hơn.

Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT - tiến sĩ Lê Trường Tùng - khẳng định: Nếu ĐH không tự chủ thì khó có thể tạo lập được môi trường đổi mới cũng như khó đào tạo được lớp người có tư duy sáng tạo - đặc biệt trong nền kinh tế tri thức phát triển theo quy luật “nhanh thắng chậm”.

Chưa kể, nếu không có hai yếu tố đó, sinh viên sau khi ra trường rất khó cạnh tranh. Chỉ có tự chủ và tạo lập môi trường đổi mới, người học mới có được sự khác biệt, có tư duy, làm tốt hơn và vượt lên khỏi các công việc mang tính quy trình. Bởi tương lai, những công việc mang tính quy trình là việc của robot và trí tuệ nhân tạo. “Sứ mạng của ĐH là kiến tạo tương lai, dẫn dắt kinh tế xã hội chứ không phải đi sau để xã hội dẫn dắt”, tiến sĩ Lê Trường Tùng nhấn mạnh. 

Chưa chuẩn bị tốt năng lực quản trị 

Tuy nhiên, tự chủ ĐH vẫn là một cơ chế mới, phức tạp nên còn không ít vướng mắc, khó khăn. Theo tiến sĩ Vũ Tiến Dũng - ĐH Xây dựng Hà Nội - những bất cập đáng nói nhất là các quy định liên quan, quy định pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, chưa cụ thể; khung pháp lý về tự chủ không nằm gọn trong Luật Giáo dục ĐH mà còn rải rác trong các bộ luật khác. Ông cũng cho rằng, việc tự chủ mới được chú trọng ở tổ chức nhân sự, tài chính; trong khi yếu tố then chốt tạo sự đột phá là tự chủ về chuyên môn, học thuật thì chưa được quan tâm xứng tầm. 

Thạc sĩ Lương Vân Hà - Học viện Ngân hàng - cũng cho rằng khung pháp lý về tự chủ ĐH chưa đồng bộ, thiếu nhất quán và còn mang tính thử nghiệm. Các quy định về căn cứ, điều kiện, nguyên tắc chung để giao quyền tự chủ cũng như cụ thể hóa quyền tự chủ ĐH còn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, một số trường được giao tự chủ nhưng chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ ĐH, chưa chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ, nhất là năng lực quản trị. 

Nhiều ý kiến quan ngại, nếu mở rộng cơ chế tự chủ sẽ dẫn đến học phí tăng cao, ảnh hưởng đến người học. Việc tăng học phí ồ ạt thậm chí sẽ là một trong những nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của các trường. Bài toán đặt ra là các trường phải làm sao để có thể vừa cạnh tranh về học phí vừa nâng cao chất lượng đào tạo. Trường ĐH phải chịu trách nhiệm trước người học, xã hội và Nhà nước. Như thế mới đảm bảo được chất lượng đào tạo cũng như công bằng xã hội.

Đổi mới giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH phải theo đúng xu thế quốc tế. Nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam - một nước đang phát triển, thu nhập thấp; khác biệt về văn hóa, truyền thống, nhất là phải phù hợp với thể chế chính trị của đất nước.

 Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Uông Ngọc

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI