Cuộc họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, và Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra tuần qua, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tham gia cuộc họp này có ông Trần Đức Cảnh với vai trò ủy viên hội đồng.
Ông Cảnh nguyên là Giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của bang Massachusetts (Mỹ), nhiều năm từng là cố vấn Ban tuyển sinh cho Đại học Harvard... Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông về các vấn đề xoay quanh cuộc họp quan trọng vừa qua.
Ông Trần Đức Cảnh cho biết: “Có nhiều vấn đề quan trọng của ngành giáo dục đáng được quan tâm, trong đó vấn đề tự chủ đại học (ĐH) thật sự cần được bàn sâu”.
Phóng viên: Như thế nào là tự chủ ĐH thật sự, thưa ông?
Ông Trần Đức Cảnh: Tự chủ ĐH lẽ ra phải được tiến hành từ nhiều năm trước, yếu tố chính có thể giúp cho các ĐH của ta bắt kịp các trường trong khu vực Đông Nam Á. Tự chủ ĐH là điều tất yếu trong phát triển giáo dục ĐH. Hiện nay, có ba trường ĐH được chọn làm thí điểm cho mô hình tự chủ ĐH và họ đang trong thời gian xây dựng cơ chế, chính sách vận hành trường theo hướng này.
Hiểu nôm na thì tự chủ ĐH có ba vế chính: tài chính, nhân sự và học thuật. Về tự chủ tài chính, trường tự cân đối ngân sách và linh hoạt hơn trong việc chi thu, đầu tư cho trường, cũng như phát triển các chương trình liên quan đến giáo dục, đào tạo. Về nhân sự cũng vậy, các trường được tự do tuyển dụng nhân sự đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu và các công việc quản lý hành chính, mà không cần phải xin phép đơn vị chủ quản. Tuy nhiên, cả tự chủ tài chính và nhân sự đều nhằm vào mục tiêu học thuật, đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng lâu dài.
Không nên kỳ vọng tự chủ ĐH sẽ trở thành “cây đũa thần” cho các vấn đề giáo dục ĐH hiện nay, nhưng ít ra cũng hình thành được cấu trúc tự chủ, qua sự tự chịu trách nhiệm, tính linh động và sáng tạo trong việc quản lý, điều hành, xây dựng các chương trình giáo dục.
- Học thuật phải được xem thành tố thiết yếu của một nền tự chủ ĐH. Vì mục đích của giáo dục ĐH không dừng lại ở việc truyền kiến thức có sẵn mà quan trọng hơn là đi tìm chân lý thông qua việc phát triển tri thức mới. Điều quan trọng nhất để đánh giá kết quả là chất lượng của nguồn nhân lực, chứ không phải chỉ là giáo trình, môn học, người dạy, tài liệu…
* Hiện vẫn còn những tranh cãi xung quanh vấn đề học thuật trong tự chủ ĐH. Theo ông thì sao?
|
Định hướng phát triển nguồn nhân lực sẽ giúp giảm tỷ lệ sinh viên thất nghiệp khi ra trường |
Tuy nhiên, do đặc thù của thể chế và can thiệp sâu của nhà nước vào ĐH, nên không tránh được những ràng buộc ít nhiều vào “khung”. Do đó, chúng ta nên nói đến việc xây dựng tự chủ ĐH sao cho nhắm đến mục tiêu học thuật và tính sáng tạo, tư duy phản biện khoa học phải được xây dựng trong các chương trình cơ bản.
* Có thể thấy câu chuyện về tự chủ ĐH đã đạt sự đồng thuận từ nhiều phía, liệu chúng ta có quyền tin rằng con đường này sẽ đến đích trong thời gian không xa?
- Không đâu, sẽ còn rất nhiều khó khăn trên con đường tự chủ ĐH. Một đứa trẻ muốn sống tự lập vào năm 18 tuổi thì cha mẹ cần có sự chuẩn bị các kỹ năng cần thiết từ nhỏ. Trẻ em được nuôi kiểu “gà công nghiệp” như giáo dục Việt Nam truyền thống thì khó mà sống tự lập ngay được. ĐH Việt Nam cũng vốn được “bao cấp” và “bộ quản lý” như vậy hàng thập kỷ, từ cơ chế đến hình thái cấu trúc ĐH hiện nay đều không cho phép ĐH tự chủ hoàn toàn ngay được, nên chắc chắn sẽ còn nhiều thách thức, thậm chí thất bại.
Nhưng không vì vậy mà chúng ta không quyết tâm đi theo con đường này. Nước Mỹ cũng cần đến cả trăm năm để hình thành ĐH đúng nghĩa. Chúng ta cũng vẫn phải kiên trì định hướng này, nếu không giáo dục Việt Nam sẽ không bao giờ có thể trưởng thành, đừng nói chuyện cạnh tranh với thế giới.
* Cũng liên quan đến cuộc họp vừa rồi, được biết ông có đề xuất mô hình xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 25-30 năm tới. Vì sao ông quan tâm vấn đề này?
- Hầu hết quốc gia phát triển đều có định hướng phát triển nguồn nhân lực gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong một chu kỳ nhất định. Nguồn nhân lực liên quan đến đào tạo ngành nghề, công việc. Nếu không có định hướng này thì sẽ còn nhiều người làm việc trái ngành, không đúng sở thích, đam mê thì rất khó để có động lực sáng tạo, phát triển. Như vậy sẽ phần nào triệt tiêu động lực phát triển cần thiết trong mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Chúng ta thường nói một cách chung chung về định hướng phát triển giáo dục, nhưng kế hoạch phát triển thì còn khá mù mờ. Hoặc tình trạng ngành nào cũng tự nhận là ngành mũi nhọn, không biết ngành nào “nhọn” hơn ngành nào. Điều này gây khó khăn cho việc tập trung đầu tư, định hướng chiến lược phát triển kinh tế.
* Ông có thể nói rõ hơn về cách làm?
- Từ kinh nghiệm nhiều năm làm Giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của bang Massachusetts, tôi cho rằng việc xây dựng định hướng phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam không quá khó. Nếu có mục tiêu cụ thể phát triển, chúng ta có thể tính toán nguồn lao động trong tương lai, cần bao nhiêu lao động, nhân viên kỹ thuật, dịch vụ, kỹ sư, quản lý cho các ngành nghề… Từ đó sẽ tính được cho các trung tâm đào tạo, trường ĐH về tiêu chí đào tạo, tài chính, nhân sự…
Mô hình hoàn toàn không có tính áp đặt, các trung tâm, các chuyên gia sẽ nghiên cứu và đưa ra các con số dự báo. Con số này được chỉnh sửa, bổ sung và đưa vào khung dự báo khi cần. Mô hình này có thể lúc đầu còn thiếu sót nhưng nó là nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực, trong đó giáo dục ĐH là cốt lõi, đồng thời, các chính sách của nhà nước cũng đi liền với định hướng đó. Định hướng rõ ràng cùng những con số và kế hoạch cụ thể, chứ không phải khẩu hiệu suông.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.
Xuân Lộc (thực hiện)