PNO - Đang có quan điểm cho rằng, tự chủ nghĩa là cơ sở giáo dục đại học được hoàn toàn “tự do” quyết định mọi việc, phủ nhận vai trò của Nhà nước trong kiểm soát chất lượng, định hướng hoạt động của các trường.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội - nhìn nhận, thực tế, tự chủ đại học có nơi, có lúc được hiểu và đánh đồng với việc tự chủ về tài chính. Các trường muốn thực hiện tự chủ toàn diện sẽ phải cân nhắc, đánh đổi giữa tự chủ với việc Nhà nước ngừng cấp ngân sách cho nhà trường cả về chi thường xuyên lẫn chi đầu tư. Đồng thời, có quan điểm cho rằng, tự chủ nghĩa là cơ sở giáo dục đại học được hoàn toàn “tự do” quyết định mọi việc, phủ nhận vai trò của Nhà nước trong kiểm soát chất lượng, định hướng hoạt động của các trường. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, tự chủ đại học dù ở mức độ nào vẫn luôn tồn tại vai trò của Nhà nước và luôn tồn tại mối quan hệ giữa kiểm soát chất lượng và tự chủ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện tự chủ đại học vẫn đang có sự mâu thuẫn, chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn, vướng mắc
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện tự chủ đại học vẫn đang có sự mâu thuẫn, chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, về mặt tài chính, tài sản, luật đề cao tính tự chủ của các trường đại học. Thế nhưng, việc đa dạng hóa nguồn thu của các trường gặp nhiều rào cản bởi các quy định pháp luật liên quan. Chẳng hạn, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai có một số quy định ràng buộc khiến các trường gặp hạn chế trong việc triển khai các hoạt động như liên doanh, liên kết, cho thuê, góp vốn đầu tư… nhằm gia tăng nguồn thu. Việc sở hữu và quyền khai thác kết quả nghiên cứu khoa học từ các công trình nghiên cứu cũng gặp nhiều khó khăn bởi các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và công nghệ.
Mặt khác, nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học còn nhiều khó khăn, còn thấp so với mức trung bình trong khu vực và thế giới. Xu hướng chung trên thế giới chỉ ra rằng, đầu tư tài chính cho giáo dục đại học cần phải đổi mới theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và cho phép các trường chủ động tìm kiếm nguồn thu mới, đa dạng hóa các nguồn lực thu hút từ xã hội. Mặc dù vậy, ngân sách nhà nước vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
Hiện nay, tỉ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm ở mức 20%, tương đương trên 5% GDP. Đây là mức đầu tư khá cao so với nhiều nước. Tuy nhiên, mức đầu tư công cho giáo dục đại học chỉ đạt từ hơn 4% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Như vậy, tỉ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.
“Cần đồng bộ và minh bạch hóa hệ thống quy phạm pháp luật về tự chủ đại học. Đồng thời, cần nghiên cứu quy định về cơ chế tài chính phù hợp với thực tiễn của Việt Nam theo hướng tăng phân quyền, giao thêm quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học về tài chính, tài sản và đầu tư. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách cải cách tiền lương và đẩy mạnh quá trình tự chủ để tạo quyền chủ động cho các cơ sở đại học thu hút, giữ chân người tài, chuyên gia đầu ngành” - bà Nguyễn Thị Mai Hoa góp ý.
Không nên giao quyền tự chủ “nửa vời” cho các trường
Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho hay, thời gian qua Đại học Quốc gia TPHCM đã hoàn thiện mô hình đại học mẫu mực, đa ngành, đa lĩnh vực với cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình trước xã hội. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng việc tự chủ vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, cần làm rõ quan điểm rằng, tự chủ đại học không phải là tự lo. Lấy ví dụ, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bắt đầu tự chủ từ năm 2022. Chương trình đào tạo của trường có nhiều chuyên ngành phục vụ các nhiệm vụ chính trị xã hội lâu dài của đất nước. Nếu xác định tự chủ là tự lo thì liệu có ai vào học những ngành như khảo cổ, Hán Nôm... với học phí mấy chục triệu đồng/năm. Như vậy, phải có sự hài hòa, có những ngành cần phải khuyến khích. Thế nhưng, ngân sách bị cắt đột ngột từ đầu năm khiến nhà trường “bỗng dưng muốn khóc” vì vẫn phải duy trì hoạt động, trả lương như bình thường, trong khi không có ngân sách, không có tích lũy. Cho nên, trường phải dựa vào hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM hỗ trợ học phí cho những ngành cơ bản.
Bà Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho rằng, cần giao đồng bộ quyền tự chủ cho các trường đại học
Như vậy, phải làm rõ tự chủ thì các trường tách khỏi sự quản lý của Nhà nước đến mức độ nào, ví dụ châu Âu có những mô hình tự chủ khác nhau tùy thuộc vào đặc thù từng cơ quan, công việc chứ không phải tự chủ nghĩa là hoạt động trong “môi trường chân không”. Theo bà, để tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cần có sự đánh giá đầy đủ, toàn diện về những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc của các trường khi thực hiện quyền tự chủ. Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình tự chủ của cả hệ thống giáo dục đại học trong mối tương quan với thế giới.
“Quan trọng nhất, cần giao đồng bộ quyền tự chủ cho các trường đại học, bao gồm tự chủ nguồn nhân lực, tự chủ trong tuyển sinh, tự chủ trong học thuật, tự chủ trong nghiên cứu và giảng dạy, tự chủ trong quản lý hành chính và tài chính... Bởi, các khía cạnh này liên quan chặt chẽ với nhau, nếu không được quyền tự chủ trong mặt này thì quyền tự chủ ở các mặt khác không thể phát huy đầy đủ. Từ đó, trao quyền tự chủ trọn vẹn cho các cơ sở giáo dục đại học, tránh tình trạng tự chủ “nửa vời”, hoặc được trao quyền tự chủ nhưng vẫn bị “trói buộc” bởi cơ chế” - bà Ngô Thị Phương Lan đề xuất.