Tự chủ đại học: Ai 'cho' mà tự chủ?

16/11/2019 - 09:57

PNO - Đó là nhận định của một số đại biểu đưa ra tại Hội thảo khoa học "Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập" thu hút gần 100 chuyên gia giáo dục đại học cả nước.

Muốn kiện toàn tự chủ đại học để phát triển nền giáo dục đại học nước nhà chắc chắn phải cần một quá trình, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào sự ưu tiên và tính khẩn trương của cả hệ thống.

Khó khăn của tự chủ là… không được tự chủ!

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nói: việc tự chủ của các trường ĐH hiện nay có khó khăn lớn nhất là không được tự chủ. Để giải quyết khó khăn này, cần cho phép các trường tự chủ. Tất nhiên không chắc chắn thành công 100% mà còn phụ thuộc vào người lãnh đạo của cơ sở. Nếu người lãnh đạo trường có tư duy, bản lĩnh, cách làm, có trách nhiệm sẽ làm được.

Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng, trường muốn tự chủ chỉ có được khi được “cho” tự chủ. Vậy ai cho phép tự chủ? Hiện nay, các cấp cao nhất đều đã cho phép tự chủ đại học nhưng đang bị tắc nhiều ở cấp bộ.

Theo tiến sĩ Trần Đức Cảnh, chuyên gia gáo dục Mỹ, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, đại học Việt Nam còn mới lạ với mô hình tự chủ đại học so với các nước. Trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế bộ chủ quản sang mô hình tự chủ đại học thật sự, chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, phức tạp và tranh cãi. 

Cần tư duy “mở” từ cấp lãnh đạo

Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến luôn quan tâm đến việc tự chủ đại học và tự do học thuật, tạo điều kiện cho người học thành người độc lập tự chủ về tư duy và trong công việc, tự do trong nhận thức và lựa chọn các khả năng. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, để thực hiện thành công tự chủ đại học và tự do học thuật thì điều đầu tiên cần chính là phải có tư duy mở từ các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở cấp vĩ mô.

“Từ đó cho mở khung pháp lý về vai trò tự chủ của các cơ sở đại học. Để quản lý chất lượng đầu ra, cần hình thành các tổ chức kiểm định do các hiệp hội đại học và hiệp hội chuyên ngành tạo ra. Còn tổ chức quản lý nhà nước thì kiểm tra đánh giá và cấp phép, hoặc thu giấy phép hoạt động cho các tổ chức kiểm định ấy”, tiến sĩ Hoàng đưa ra giải pháp.

Tu chu dai hoc: Ai 'cho' ma tu chu?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng phát biểu tại hội nghị

Tiến sĩ Trần Đức Cảnh cho rằng, giáo dục đại học luôn mong muốn có tự chủ và tự do học thuật và nên cần như vậy. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tự chủ đại học có bốn phần chính bao gồm: học thuật, tổ chức, tài chính và nhân sự. Theo ông, tự chủ đại học hiện nay ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu thí điểm đối với Bộ GD-ĐT và một vài trường đại học. Việc còn liên quan rất nhiều đến các luật, bộ ngành khác: tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản công và ngay cả nội dung chương trình.

Muốn kiện toàn tự chủ đại học để phát triển nền giáo dục đại học nước nhà chắc chắn phải cần một quá trình, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào sự ưu tiên và tính khẩn trương của cả hệ thống.

Tu chu dai hoc: Ai 'cho' ma tu chu?
Tiến sĩ Trần Đức Cảnh: giáo dục đại học luôn mong muốn có tự chủ và tự do học thuật và nên như vậy.

“Để cho một mô hình tự chủ hoạt động đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhiều luật bổ sung lẫn nhau, chẳng hạn có luật hành chính, luật nhân sự, luật tài sản, luật thuế… Cả một hệ thống phải tham gia cùng giải quyết vấn đề này một cách đồng bộ, nhịp nhàng”, ông Cảnh nhấn mạnh.

Nói về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học , Bộ GD-ĐT, cho biết: Tự chủ đại học là vấn đề đã được nói từ rất lâu, và cũng đã được đưa vào trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Trường đại học không chỉ hoạt động tuân theo Luật Giáo dục đại học. Nó là một thực thể mà các hoạt động nào có luật tương ứng đó để điều chỉnh. Luật Giáo dục đại học không thể giải quyết tất cả các hoạt động của trường đại học.

Còn một số luật mà chúng ta bàn đến như Luật Đầu tư công, Luật Tài chính, Luật Công chức viên chức thì đang và sẽ phải sửa. Nếu như các luật đồng bộ được với nhau thì sẽ rất tốt.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI