Tự chủ bệnh viện: Không thể kinh doanh trên sức khỏe con người

09/03/2017 - 10:30

PNO - Dịch vụ y tế là một loại hình đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, không thể đem ra kinh doanh giống như các mặt hàng, dịch vụ khác.

Vì vậy, theo các chuyên gia, bệnh viện  (BV) không thể là một doanh nghiệp theo nghĩa thuần túy để chỉ tìm kiếm lợi nhuận.

Sau 10 năm thực hiện, tính đến năm 2016, TP.HCM có 10 BV tự chủ tài chính hoàn toàn. Tại buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng với Đảng ủy Sở Y tế TP.HCM hạ tuần tháng Hai vừa qua, vấn đề tự chủ hoàn toàn tiếp tục được đề cập với đề nghị “háo hức” hơn, đó là cho BV hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Người dân đang “liên tưởng” đến câu chuyện cổ phần hóa BV công từng hứng “cơn mưa gạch đá” của dư luận, cách đây hơn chục năm.

Cái khó vẫn chưa ló cái “khôn”

Tính đến năm 2016, Sở Y tế TP.HCM có 94 BV, cơ sở y tế trực thuộc. Trong đó, có 10 đơn vị tự chủ tài chính hoàn toàn, 72 đơn vị tự chủ một phần và còn 12 đơn vị vẫn do Nhà nước bao cấp. Điều mà các BV mong muốn khi thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn là có thể chủ động nguồn kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên, đầu tư trang thiết bị (trước đây do ngân sách rót xuống). Từ đó, BV chủ động hơn trong mọi công việc, như tuyển dụng nhân sự, bố trí, sắp xếp lại bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp…

Tuy nhiên, theo BS Trần Văn Khanh - Giám đốc BV Q.2, đơn vị vừa được thành phố giao cho tự chủ hoàn toàn hồi tháng 5/2016 - việc tự chủ kéo theo không ít khó khăn. Về cơ chế tài chính, dù đã được bổ sung thêm tiền lương vào viện phí nhưng hiện vẫn còn ba phần, gồm chi khấu hao tài sản cố định, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nghiên cứu khoa học, vẫn chưa được cơ cấu vào giá viện phí.

Ngay cả bốn trong bảy cơ cấu giá viện phí hiện tại, có cái chỉ thu không lợi nhuận. “Ví dụ, hiện nay BV Q.2 khám gần hơn 80% bệnh nhân BHYT nên thuốc và vật tư y tế tiêu hao chiếm đến 70% trong cơ cấu giá thu. Thế nhưng, theo quy định, thuốc mua vào bao nhiêu thì cấp lại bấy nhiêu, không được tính lãi”, ông Khanh nói.

Bên cạnh đó, theo BS Nguyễn Minh Quân - Giám đốc BV Q.Thủ Đức, khi các BV công theo con đường tự chủ tài chính hoàn toàn, đòi hỏi người làm quản lý phải năng động hơn và phải am hiểu tài chính hơn. Đây cũng chính là cái khó, bởi không phải ai cũng có thể rành rẽ về tài chính. Thực tế, hiện đa số giám đốc BV thường xuất thân từ các bác sĩ giỏi chuyên môn. Ngoài vấn đề tài chính, BS Quân cho rằng, các dự án xây dựng cơ sở vật chất cũng khiến các BV “đau đầu” do thiếu kinh nghiệm.

Tu chu benh vien: Khong the kinh doanh tren suc khoe con nguoi
 

BS Khanh dẫn chứng, tại BV Q.2, trung bình mỗi ngày có 2.500-2.600 bệnh nhân đến khám ngoại trú, gần 500 bệnh nội trú, công suất sử dụng giường bệnh khá cao. “Do đó, khi tự chủ, ngoài việc được cơ cấu tiền lương vào giá viện phí cộng với công suất giường bệnh cao như thế, sau gần một năm tự chủ, tổng thu chi trước mắt cân đối, bảo đảm. Nhưng về lâu dài, khi cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, nếu muốn mua sắm lớn thì sẽ khó”, ông Khanh chia sẻ.

Thực chất trước tiên, “doanh nghiệp” tính sau

Tóm lại, theo BS Khanh, lượng bệnh không đông thì khó tự chủ hoàn toàn. Có quan hệ hỗ tương cho lập luận này của ông khi cho thấy sự tự chủ giúp nâng cao lợi ích cho cả hai phía: BV và bệnh nhân.

Trước hết, đối với BV, điều phải bảo đảm khi tự chủ là làm sao có tích lũy, nhằm tái đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị và tái đầu tư cho đào tạo nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn. Một phần nữa không thể thiếu là phải tăng thu nhập cho nhân viên, theo ông Khanh.

Muốn giải quyết những mục tiêu này, không còn cách nào khác là phải có thực lực để thu hút người bệnh. “Cơ bản nhất vẫn là chất lượng khám, điều trị. Muốn chất lượng tốt thì con người phải chất lượng, bác sĩ phải giỏi, lành nghề, ứng xử giao tiếp tốt, bệnh nhân mới tin tưởng quay lại tái khám.

Chưa hết, chất lượng đội ngũ phục vụ cũng phải tốt, cải cách các thủ tục hành chính nhanh gọn, tránh phiền hà, chờ đợi lâu. Kế đến, muốn người dân tin tưởng đến điều trị, thuốc cũng phải tốt. Để xây dựng danh mục thuốc tốt phải đối mặt khả năng vượt trần, nhưng dù sao, muốn thu hút phải đặt sức khỏe người bệnh lên hàng tối quan trọng. Cuối cùng, trang thiết bị phải đủ, hiện đại để có thể chẩn đoán chính xác”, ông Khanh phân tích.

Theo lộ trình, khi đã có được thực chất trong hoạt động khám chữa bệnh, thu chi bảo đảm đời sống, BV Q.2 mới mạnh dạn bứt phá từ BV bao cấp nhóm 4 lên tự chủ tài chính hoàn toàn ở nhóm 1. Nhưng BS Khanh khẳng định: “Dịch vụ y tế là loại hình đặc biệt, vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người chứ không đơn thuần như chuyện kinh doanh như các mặt hàng, sản phẩm khác. Tôi cho rằng đây phải gọi là hoạt động theo mô hình doanh nghiệp về quản lý, nhân sự, công tác tài chính… chứ không phải là doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận thuần túy”.

Có nghĩa là cơ cấu bộ máy, tổ chức, kiểm soát tài chính, kiểm soát các hoạt động chuyên môn… của BV công theo mô hình doanh nghiệp, có hội đồng quản lý, hội đồng kiểm soát và ban giám đốc để điều hành.

Nhưng dù hoạt động theo mô hình gì, vẫn cần phải có sự can thiệp về mức trần giá theo quy định của cơ quan nhà nước. “Các đơn vị sự nghiệp có thu nhóm 1 (BV tự chủ hoàn toàn) hoặc tới đây cho một vài nơi thí điểm theo mô hình doanh nghiệp, đều phải chia sẻ những khó khăn của cộng đồng…

Vì tài sản, cơ sở này là của Nhà nước, con người cũng Nhà nước giao cho. Chỉ khác là Nhà nước không cung cấp vốn ban đầu. Không thể nói tôi đầu tư nhiều, tôi có quyền thu cao hoặc cứ lấy cớ đây là thỏa thuận giữa đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với người có nhu cầu cung cấp dịch vụ y tế được. Tôi nhắc lại, đây là hoạt động trực tiếp trên sức khỏe của con người, do đó không thể nào dùng từ kinh doanh được”, ông Khanh quả quyết.

Coi chừng “tư bản lang sói”

Nhắc lại câu chuyện cổ phần hóa BV Bình Dân hơn chục năm trước với so sánh liệu một BV hoạt động theo mô hình doanh nghiệp có giống như điều mà dư luận đã từng lo sợ, phản đối? BS Khanh cho rằng, cổ phần hóa chỉ phù hợp với những đơn vị Nhà nước đầu tư, kinh doanh, khai thác không hiệu quả. Còn lại đơn vị đang làm ăn tốt, người dân và cán bộ viên chức vẫn được thụ hưởng, Nhà nước vẫn quản lý tốt thì không cần cổ phần.

“Hơn nữa với lĩnh vực y tế, cá nhân tôi thấy không nên cổ phần hóa. Bởi mô hình này đâu có loại trừ những người bỏ tiền ra kinh doanh thuần túy. Họ chỉ biết bỏ tiền vào bao nhiêu, hàng tháng tính toán lợi nhuận, không quan tâm chất lượng điều trị thế nào, phát triển nghiên cứu khoa học ra sao…”, ông Khanh nêu quan điểm.

Trao đổi với chúng tôi ngày 5/3, ông Nguyễn Duy Thuận - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị BV TP.HCM cũng cho rằng, tất cả các BV công nên chuyển sang tự chủ hoàn toàn. Bởi khi toàn dân đã được BHYT chi trả, nguồn thu đã được đảm bảo. Theo ông, nguồn thu hiện nay của nhiều BV đảm bảo được nhu cầu chi. Do đó, không cần thiết phải có nguồn vốn ngân sách của nhà nước chi cho các BV nữa.

“Hiện ngân sách từ các UBND tỉnh đều không thể bù đắp chi phí hoạt động của BV. Việc tự chủ tài chính là việc bình thường và chẳng ai hưởng lợi hay thiệt hại gì trong mô hình này. Một BV tự chủ hoàn toàn cũng như việc một người trưởng thành tự kiếm việc làm để sống”, ông Thuận so sánh.

Cũng theo ông Thuận, mô hình tự chủ hoàn toàn chính là mô hình doanh nghiệp, nghĩa là tự chủ hoàn toàn từ ý tưởng. “Trong mô hình tự chủ hoàn toàn, mọi việc sẽ được hành xử theo Luật Khám chữa bệnh, Luật Doanh nghiệp và các luật chi phối các hoạt động của doanh nghiệp”, ông nói.

Khi đó, BV cũng sẽ bị chi phối bởi quy luật thị trường. Quyền lợi của người bệnh là được chữa khỏi bệnh. BV nào chữa không khỏi thì bệnh nhân đi chỗ khác. Các BV sẽ phải tự hoàn thiện để phục vụ và cân bằng tài chính một cách bình thường. Không như hiện nay, người trả tiền thì không phải bệnh nhân và bệnh nhân không trả đúng số tiền mà họ đáng ra phải trả. Do đó, quan hệ cung cầu bị lệch, dẫn đến quan hệ bác sĩ và bệnh nhân cũng trở nên lệch lạc như tại đa số các cơ sở y tế công.

“Hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tự chủ tài chính hoàn toàn khác với mô hình cổ phần hóa BV, vì khi cổ phần hóa BV thì nhà đầu tư sẽ quyết định các biện pháp phát triển BV, thậm chí xóa bỏ BV. Còn việc tự chủ tài chính thì chỉ đảm bảo cho BV tuân thủ các quy luật thị trường nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu BV hiện nay đang thuộc về Nhà nước, phục vụ cho quyền lợi của bệnh nhân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất của xã hội. Tránh cho BV trở thành nơi kiếm tiền cho các nhà
“tư bản lang sói”, ông Thuận cho biết.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng đồng ý với ý kiến của lãnh đạo TP.HCM về việc trước mắt chỉ nên thực hiện thí điểm cho BV hoạt động theo mô hình doanh nghiệp như đề nghị của một số BV đã tự chủ tài chính hoàn toàn. Ông Thăng cũng cho rằng tự chủ tài chính sẽ mang lại ba điều tốt, đó là làm người dân hài lòng, tăng thu nhập cho nhân viên y tế và có tiền để tái đầu tư.

Quốc Ngọc

Thêm một lợi ích về mặt xã hội của việc BV tự chủ tài chính hoàn toàn, đó là khi nguồn kinh phí của Nhà nước không rót cho BV như trước nữa, thì nguồn kinh phí này sẽ dùng hỗ trợ lại cho một số đơn vị y tế dự phòng, cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu… người dân sẽ được hưởng lợi. Đây cũng là động lực, cơ hội để những BV phát triển sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để thu hút người bệnh bằng những giải pháp khác nhau để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng xử, giao tiếp…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI