Suốt thời tuổi thơ, tôi đã chứng kiến cảnh ba tôi làm khổ mẹ vì ông hay giúp bạn bè. Không đủ lực, nhưng vì muốn làm một người “bạn tốt” nên ông nhận hết và buộc mẹ phải làm thay ông. Nhiều lần, tôi thấy mẹ khóc vì ba không quan tâm đến cảm xúc của bà. Tôi nhận ra, cả nể là biểu hiện của sự thiếu thành thật, làm nảy sinh nhiều hành vi ứng xử không tốt trong các mối quan hệ.
Tôi tập từ chối lịch sự những việc nằm ngoài khả năng hay đi ngược lại giá trị đạo đức và nỗ lực dạy con mình thói quen này ngay khi còn nhỏ. Dù vậy, thật sự không hề dễ dàng giúp một đứa bé dũng cảm từ chối những người lớn hơn mình.
|
Tác giả không chỉ tập cho con trai nấu ăn, lau nhà mà còn tập cho con biết từ chối một cách lịch sự |
Ngại từ chối vì không muốn người khác buồn
Nguyên tắc nuôi con của nhà tôi là không dùng bạo lực. Ngay từ nhỏ, con trai tôi không được chơi súng. Tôi giải thích với con rằng súng không phải là món đồ chơi cần thiết. Con tôi đồng ý và mỗi lần chơi với bạn, ngay cả trò bắn nhau bằng ngón tay cậu bé cũng không tham gia. Tuy nhiên, một ngày, tôi thấy con cầm trên tay một cái súng nhựa đi lại trong nhà, tôi hỏi ở đâu con có, cậu bé trả lời mẹ của một bạn tặng sinh nhật con. Con giải thích, con biết không được phép chơi súng nên đã từ chối nhưng mẹ của bạn lại nói: “Từ chối quà tặng của người khác là không lịch sự”. Vì ngại bị mang tiếng “bất lịch sự”, con tôi đã nhận cây súng.
Lần khác, con tôi mang một bao lì xì đến tặng chú bảo vệ của một quán ăn quen, vì thấy tết mà chú vẫn làm việc trong khi nhiều người khác được nghỉ ngơi. Chú bảo vệ cảm ơn bằng cách rót cho con một ly nước ngọt. Dù không bao giờ uống nước ngọt, con tôi vẫn nhận và cầm về nhà, xong không biết làm gì với cái ly đó, quay qua nhờ ba mẹ uống dùm.
“Con không biết cách xử lý thì con nhận làm gì? Đây là lựa chọn của con. Sao con yêu cầu người khác gánh trách nhiệm dùm con được” - tôi hỏi. “Dạ, con sợ chú buồn. Mẹ dạy con phải tử tế với người khác. Con nhận là vì tử tế chứ không phải con muốn uống nước này” - con trai tôi trả lời.
Tôi biết con mình rất cả nể, vì cháu còn nhỏ nên ngại từ chối người lớn, nhưng mặt khác do bản tính quan tâm đến cảm xúc của người khác nên con tôi tự đặt mình vào nhiều tình huống khó xử. Đặt mình vào vị trí của người khác cũng cần biết giới hạn, để không tự làm khổ mình.
Trao quyền cho trẻ nói “không”
Dù vợ chồng tôi luôn trao cho con trai quyền được thể hiện ý kiến và từ chối lịch sự, nhưng rõ ràng thực hành “nói không” với người trong nhà dễ hơn so với người ngoài. Dù biết những quy định của gia đình và sở thích của bản thân, con tôi vẫn chưa đủ khả năng đối diện với tình huống phải nói không với người ngoài. Chúng tôi luôn cố gắng dạy con biết tôn trọng, cư xử tốt nhưng cũng dám nói “không” với người lớn khi cần thiết.
Nhận thấy mức độ nguy hiểm của tính cả nể ở trẻ nhỏ (vì có thể dẫn đến những tình huống không kiểm soát khi không có cha mẹ bên cạnh), chồng tôi cố gắng giải thích thêm với con và cũng yêu cầu con chịu trách nhiệm cho hành vi cả nể của mình, tự đưa ra hướng xử lý. Việc trao cho trẻ khả năng tự đưa ra lựa chọn hướng xử lý giúp trẻ có khả năng lắng nghe cảm xúc, từ đó biết tôn trọng người khác và cũng tôn trọng chính cảm xúc của mình.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng khi trẻ thực hành kỹ năng từ chối lịch sự, điều này sẽ trở thành bản tính tự nhiên của trẻ. Trẻ sẽ biết cách lắng nghe cảm xúc thật, biết tạm dừng để kiểm tra tiếng nói thật sự bên trong của mình và biết cách từ chối hay xử lý những áp lực từ các mối quan hệ xung quanh.
Từ chối lịch sự là tử tế với chính mình
Không chỉ đối với trẻ em, do còn đang phân vân trong quá trình học hỏi cách cư xử phù hợp, mà cả nhiều người lớn cũng quan niệm sai lầm rằng cư xử lịch sự nghĩa là bạn không nên “có ý kiến”. Thay vào đó, trọng tâm nên là cách chúng ta giao tiếp: cách diễn đạt, giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể. “Con có thể nêu ý kiến và quan điểm của con về bất cứ điều gì, với bất kỳ ai. Quan trọng là thái độ khi con từ chối có lịch sự không, bao gồm lời nói, giọng nói, từ ngữ, nét mặt...
Từ chối lịch sự đồng nghĩa với thái độ tử tế. Con tử tế với mọi người xung quanh nhưng đừng ép buộc mình phải làm điều mình không thấy vui.
Từ chối lịch sự không chỉ giúp trẻ biết tự bảo vệ mình khỏi những áp lực và cám dỗ mà còn giúp trẻ phát triển cảm xúc một cách lành mạnh, không sống trong cảm giác giằng co hay tội lỗi vì rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, cũng không đẩy người thân của mình vào cảnh chấp nhận những hậu quả do mình gây ra bởi tính cả nể.
Chấp nhận “phản ứng phụ”
Việc nuôi dạy những đứa trẻ biết nói “không” sẽ mang lại nhiều thử thách cho người làm cha mẹ. Nhưng trách nhiệm của chúng ta là giúp con trưởng thành và biết xử lý tình huống khó. Những gì bạn dạy con, chúng sẽ áp dụng trước với cha mẹ, như một tác dụng phụ của thuốc. Như con trai tôi rất dễ nói “không” và từ chối cha mẹ, nhiều khi còn thêm cả thái độ chống đối. Dĩ nhiên, đối với cha mẹ thì tình huống con cãi lại mình thật khó chấp nhận, nhưng không phải vì vậy mà ta không trang bị khả năng nói “không” cho trẻ.
Việc nhắc nhở con đôi khi lặp đi lặp lại trong những tình huống khác nhau, nhưng chúng tôi tránh la mắng con vì không muốn con sợ bị la mà giấu cha mẹ, sau này sẽ không còn muốn chia sẻ khi có những tình huống phức tạp hơn. Vì vậy, đừng ngại trao quyền cho con nói không.
Nhất Phương