Tú Trinh giành “trọn gói” huy chương vàng (HCV) môn chạy cự ly ngắn: 100m, 200m, 4x100m ở SEA Games 29.
Hình ảnh người con gái rắn rỏi, gương mặt cương nghị, lạnh lùng, trong tư thế rẽ gió băng băng trên đường đua nhạt nhòa những hậu cảnh như đã trở thành biểu tượng trong lòng người yêu thể thao Việt. Thế nhưng, trên chính đường đua đưa Chinh đến ngai vị “nữ hoàng tốc độ” ấy, đã có biết bao nhiêu “đường đua” đầy mồ hôi, nước mắt, cùng những thử thách đến cùng cực với một cô gái chỉ vừa đôi mươi.
Mất mẹ từ năm 6 tuổi, lớn lên trong cuộc mưu sinh chật vật với nghề chạy xe ôm của cha, Chinh đã đeo mang cái trọng trách “thoát nghèo” từ những ngày vừa nguệch ngoạc học chữ. Một mình nuôi con với giấc mơ “con gái đỗ đạt, có nghề nghiệp ổn định”, ông Lê Tiết Nhân đã bao phen thất vọng, lo lắng khi Chinh “cứ lo tập chạy”. Ngày Chinh được huấn luyện viên (HLV) Thanh Hương phát hiện, giới thiệu vào đội điền kinh TP.HCM, thấy con quá say mê, ông Nhân cũng xuôi lòng: “Thôi con đã thích rồi thì cứ theo đuổi đam mê”.
Tự khước từ trọng trách thoát nghèo, “cuộc đua” của Chinh bắt đầu, với tất cả những “chớp mắt khốc liệt” của thể thao, với chuyện thắng - thua, cùng những thăng trầm trong gang tấc ở mỗi cuộc thi đấu. Năm 2016, được đánh giá là “đã rất trưởng thành” sau 10 năm luyện tập chuyên nghiệp, nhưng Lê Tú Chinh vẫn là một cô gái 20 tuổi, mong manh trước những kỳ vọng lẫn áp lực từ mọi người.
Ở giải Trẻ châu Á 2016, với thành tích tập luyện vượt trội, cùng kết quả vòng loại rất xuất sắc, trước cuộc thi chung kết, với những kỳ vọng càng lúc càng rõ rệt từ mọi người, Chinh… mất tinh thần, vuột mất HCV, rồi mất cả thứ hạng.
Hiểu Chinh, suốt từ lúc trận đấu kết thúc, HLV Thanh Hương liên tục động viên, giải tỏa tinh thần để Chinh lấy lại phong độ trước nội dung 200m nữ vào ngày tiếp theo. Được cô giáo đưa đi thi với tinh thần “không sợ thất bại”, ở ngày tiếp theo, Chinh lại đoạt HCV.
Những lần lên - xuống như thế đã không còn lạ trong hành trình thi đấu của Chinh. Cứ thế, những “cuộc đua tinh thần” cứ thử thách Chinh không ngừng bên cạnh cuộc đua với những cự ly thực sự. Và ở đó, với 10 năm kinh nghiệm, Chinh biết, mình chỉ chiến thắng khi thực sự tập trung vào đam mê, loại bỏ tất cả những thứ hạng khỏi đường đua của tốc độ.
Trong những ngày luyện tập cho SEA Games 29, Trinh khóa hẳn facebook, tự đặt mình ra khỏi những luận bàn về trận đấu để tập trung chuyên môn. Trong chính những ngày ấy, Chinh lại bắt đầu một cuộc đua mới, với… mưa Sài Gòn. Từ một tháng trước, được thông báo lịch thi với giờ giấc cụ thể, Chinh đã được HLV Nguyễn Thị Thanh Hương điều chỉnh lịch tập luyện cho trùng khít với giờ thi đấu.
Lịch thi hầu hết rơi vào khung giờ từ 21g40 (giờ Malaysia), HLV Thanh Hương đề xuất lên ban lãnh đạo sân vận động Thống Nhất để Chinh được mở đèn, tập luyện từ 19 - 21g (giờ Việt Nam). Nhưng, giai đoạn ấy, Sài Gòn vừa chuyển mùa mưa chiều. Mỗi lần hai cô trò xuống sân, trời lại mưa như trút nước. Chinh lại bị cận thị đến 3,5 độ, HLV Thanh Hương đã không thể chỉ huy bằng động tác ở khoảng cách 30m.
Có khi, đang phối hợp ngon trớn, khoảng cách giữa hai cô trò tăng thêm một chút, mọi ngôn ngữ cơ thể của cô giáo đã bị vô hiệu hóa trước thị lực của học trò. Mọi giao tiếp phải chuyển sang biểu đạt bằng tiếng còi. Những ngày tập luyện cho SEA Games còn chật vật hơn khi cứ đến giờ, sân tập vừa lên đèn, mưa lại trút xuống, cô gái bị cận thị lại thấy mọi thứ mờ nhòe trong ánh sáng đèn khó chịu.
Chinh vượt qua những trở ngại về ánh sáng bằng phép “thắng lợi tinh thần”: thị lực kém sẽ giúp mình đỡ áp lực vì không phải nhìn thấy quá đông người trong sân. Nhưng, chưa kịp vượt qua những bất tiện về mắt, Chinh lại bị đau chân dữ dội từ khoảng một tháng trước ngày thi đấu. Thế nhưng, trước kỳ SEA Games đang kề cận, Chinh quyết định bất chấp cơn đau.
Vừa yên tâm vì nhìn thấy học trò say sưa tập luyện với cường độ tăng dần theo đúng như kế hoạch thì vài ngày sau, HLV Thanh Hương mới chứng kiến học trò bật khóc sau một chặng đua với tiêu chí cao đỉnh điểm của mùa luyện tập. Vì, “chân đau quá, cứ mỗi lần đến đoạn cong, con lại không làm chủ được”. Chinh phải bước vào SEA Games với đôi mắt “chỉ thấy mờ mờ”, cùng đôi chân cứ thi xong một trận lại phải về ngâm nước muối.
***
Lúc Chinh bước lên để nhận HCV đầu tiên với nội dung 100m nữ, ở một góc máy rất vô tình, người ta nhìn thấy một HLV Thanh Hương rất đời thường, trong hình dáng của một người phụ nữ tất tả, lo lắng, nhiệt tình ra hiệu để hướng dẫn cho Chinh cách giương cờ với tư thế của một người chiến thắng.
Sau 10 năm gắn bó, với chị Hương, nhà vô địch Lê Tú Chinh đang loay hoay, vụng về ở vị trí vinh quang ấy vẫn như một đứa con khờ khạo mà chị đã nằm lòng từng ưu khuyết từ những ngày còn học tiểu học. Và “nữ hoàng tốc độ” trên những đường đua rực rỡ mà người ta nhìn thấy hôm nay là cô gái vẫn chưa đi qua hết những bỡ ngỡ trên đường đời, đường nghề.
Thanh Tân