Tự chế pháo, nhiều trẻ chịu thương tích nặng

25/12/2024 - 14:26

PNO - Những ngày qua, liên tiếp nhiều trường hợp trẻ em phải vào bệnh viện cấp cứu do tự chế pháo theo hướng dẫn trên mạng, bị chấn thương nghiêm trọng.

Thương tích nặng nề

Lướt mạng xã hội, em D.S.R. - 12 tuổi, ở Bình Phước - thấy clip hướng dẫn làm pháo từ vòi ruột xe và thuốc bồi bằng đầu diêm. Em liền đi mua 1 hộp quẹt diêm và 1 ruột xe đạp cũ về chế. R. cạo phần lưu huỳnh trên đầu que diêm cho vào vòi ruột xe rồi cầm lên đập. Một tiếng nổ lớn vang lên làm rách toạt bàn tay trái của R. Em được người thân đưa đến bệnh viện (BV) địa phương cấp cứu. Nhận thấy chấn thương quá nặng, bác sĩ liền chuyển em đến BV Nhi Đồng 2 (TPHCM). Tại đây, các bác sĩ Khoa Bỏng - Chỉnh trực đã mổ cấp cứu, xử lý các mô dập nát... Hiện vết thương của em đã ổn định, nhưng tâm lý còn hoảng loạn.

1 bệnh nhi trong nhóm 6 trẻ bị nổ pháo ở tỉnh Tây Ninh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy
1 bệnh nhi trong nhóm 6 trẻ bị nổ pháo ở tỉnh Tây Ninh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Em H.K.B. - 10 tuổi, ở Lâm Đồng - thì xin mẹ đến nhà bạn chơi. Lúc này, anh trai của bạn em mới chế xong quả pháo, rủ B. và bạn chơi cùng. Pháo nổ, B. không kịp chạy nên bị thương nặng. Mẹ em cho biết: “Nghe tiếng nổ lớn, hàng xóm phát hiện và đưa con tôi đi trạm xá rồi mới cho tôi hay. Thương tích con quá nặng, phải chuyển lên tuyến trên. Hiện, bé vẫn còn bị nhiễm trùng, lơ mơ”.

4 ngày trước, một bé trai 12 tuổi - ở tỉnh Tây Ninh - cũng phải vào BV Nhi Đồng 1 cấp cứu vì chấn thương nghiêm trọng do chế pháo bông theo clip trên mạng. Trong lúc nhồi thuốc pháo gồm lưu huỳnh, phốt pho… vào ống nhựa thì bị phát nổ. Gương mặt, ngực, bụng… của bệnh nhi bị phỏng nặng, bàn tay trái không còn nguyên vẹn, tình trạng đang diễn tiến nặng.

Trưa 23/12, một vụ nổ lớn làm căn nhà ông P.P.D. - ở tỉnh Tây Ninh - hư hỏng nặng, 6 trẻ em từ 12-16 tuổi bị thương nghiêm trọng, trong đó có con trai của ông. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu là các em coi hướng dẫn chế pháo trên mạng rồi đi mua thuốc pháo về làm. Do chấn thương nặng, các bệnh nhi được chuyển đến BV Chợ Rẫy cấp cứu. Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình của BV - cho biết, các bệnh nhân đều bị đa chấn thương, có em tổn thương cả 2 mắt, gãy xương, dập mô, cơ, phỏng nặng hơn 60%, phỏng sâu…, 1 bệnh nhân tiên lượng rất xấu.

Nhiều di chứng về sau

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Hồng Phúc - Phó trưởng khoa Bỏng - Chỉnh trực, BV Nhi Đồng 2, hằng năm, càng gần tết, số lượng trẻ bị chấn thương do pháo nổ càng nhiều. Hầu hết bệnh nhi thuộc nhóm trẻ từ 10 tuổi trở lên, đây là độ tuổi rất tò mò, thích khám phá, chế tạo. Khi tai nạn xảy ra, các bệnh nhi bị chấn thương từ nhẹ như phỏng ngoài da, sang thương tay, chân đến tổn thương bàn tay, ngón tay, nặng hơn phải cắt lọc cả bàn tay, múc bỏ nhãn cầu… Ông cho biết: “Tai nạn pháo nổ thường là tổn thương không hồi phục. Dù điều trị khỏi, các em vẫn bị các di chứng như biến dạng vùng mặt, mù mắt, tàn tật, thậm chí tử vong”.

Bác sĩ Ngô Đức Hiệp cũng cho biết, không chỉ bệnh nhi mà người lớn nhập viện do pháo nổ cũng đang có xu hướng tăng. Một số bệnh nhân khi được đưa đến BV đã tử vong. “Vì vậy, mọi người phải nghiêm túc trong vấn đề sử dụng, chế tạo pháo nổ. Một khi tai nạn xảy ra, ngoài phá hủy tài sản, còn gây chấn thương cho mình và người xung quanh. Đặc biệt, với trẻ nhỏ chưa ý thức được nguy hiểm, làm theo hướng dẫn trên mạng cực kỳ nguy hiểm” - ông khuyến cáo.

Theo các bác sĩ, những clip hướng dẫn trên mạng đa số chưa được kiểm chứng. Người quay clip cung cấp kiến thức sai lệch, không đề cập đến sự nguy hiểm của hậu quả nổ pháo, không có cảnh báo cho trẻ. Hầu như clip hướng dẫn nào cũng kèm theo việc cung cấp nguyên liệu. Vừa xem hướng dẫn, vừa dễ dàng mua hóa chất tạo pháo là nguyên nhân chính của các tai nạn thương tâm trong những ngày qua. Tình trạng này cho thấy rất cần có sự can thiệp, xử lý quyết liệt của cơ quan chức năng.

Người lớn trong gia đình cần phối hợp nhà trường giáo dục trẻ về sự nguy hiểm của cháy nổ, chế tạo vật liệu nổ, cũng như quy định cấm của pháp luật đối với các hành vi này.

Người chế pháo gây tai nạn bị phạt tiền, truy trách nhiệm hình sự

Bộ luật Dân sự quy định người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu chế tạo pháo gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ… Người chế tạo pháo nổ gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu người gây nổ không đủ tài sản bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu. Đối với người dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức. Người từ 14 tuổi trở lên tự chế pháo gây tiếng nổ sẽ bị xử lý hành chính về hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm với mức phạt từ 5-10 triệu đồng.

Hành vi mua bán nguyên liệu có thể gây cháy nổ như lưu huỳnh, thuốc pháo, diêm… hay hướng dẫn chế tạo pháo nổ có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng theo quy định tại điểm i khoản 4 điều 11 Nghị định 144/2021.

Tùy theo mức độ nguy hiểm, người bán, người chế pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép quy định tại điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI