Câu trả lời ứng xử “trớt quớt” của thí sinh Đào Thị Hà trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 (HHVN) khiến nhiều người bật cười nhưng cũng cho thấy một thực tế đáng buồn: bản sắc - cái riêng của các cô gái Việt nay đã bay đi quá nhiều. Mà, đâu chỉ các cô gái, nhìn lại cả chương trình HHVN năm nay, bản sắc Việt dẫu chắt chiu lại cũng không được mấy.
Nếu trong năm 2014, chiếc quyền trượng dành cho HH được công chúng giễu là cái bình hút shisha thì năm nay khán giả lại gọi nó là cây đả cẩu bổng. Bởi dù mang quyền trượng, HH chẳng có quyền lực gì đối với ai. Đôi giày đính ngọc lấp lánh, gắn cánh sau gót nếu không phải dành cho công chúa Cinderella thì chắc cũng của vị thần truyền tin Hermes (Mercury) trong thần thoại Hy Lạp-La Mã.
Những bộ áo dài - cái ngỡ như sẽ mang đầy bản sắc Việt cho các thí sinh HH lại bị đánh giá là mang những màu sắc không tồn tại trên trái đất. Chưa kể một chuyện, nhỏ thôi, nhưng cũng đáng buồn: bên dưới sân khấu, các đời HH trước cũng toàn váy áo dạ hội với những chiếc cổ khoét sâu, ngồn ngộn ngực. Rồi những chiếc đầm dạ hội kiểu mỹ nhân ngư, bung xòe kiểu công chúa, mệnh phụ Tây thể hiện điều gì cho nhan sắc Việt? Nếu nói như phần thi ứng xử của Người đẹp Nhân ái Phạm Thủy Tiên - “hãy lưu giữ những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt”, thì các giá trị ấy dường như thiếu vắng trên sân khấu HHVN 2016.
|
Thí sinh Đào Thị Hà trả lời câu hỏi ứng xử tại đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 - Ảnh: Youtube |
Một sân khấu theo kiểu Oscar, các họa tiết nhắc nhớ bộ phim hoạt hình Frozen của Disney, những ca khúc yêu đương, tây - ta lẫn lộn từ những ca sĩ, vũ công quần ngắn áo bó, một chàng ca sĩ Hàn Quốc lên hát các bài ca mà khán giả chẳng hiểu gì, nhạc dance giậm giật, chớp lòe đèn lazer... Nếu không được nhắc nhớ rằng đó là cuộc thi HH của Việt Nam, liệu chừng chúng ta có nghĩ mình đang xem một chương trình đại nhạc hội của người Việt hải ngoại hay một chương trình ca nhạc ở bất kỳ đâu đó trên thế giới?
Vẫn biết HH là sân chơi du nhập từ phương Tây, hoàn toàn không giống những cuộc tuyển phi, phong hậu của vua chúa ngày trước. Song nếu thử so sánh thì rõ ràng các vương phi, hoàng hậu trong lịch sử Việt Nam mang nhiều bản sắc hơn khi các mỹ nữ ngoài chuyện phải đủ cầm kỳ thi họa còn phải am hiểu về công việc triều chính. Nhiều trong số họ đã góp phần vào chuyện hưng vong của sơn hà xã tắc. HH hôm nay, ngoài chuyện trang điểm lộng lẫy, tham gia sự kiện của các doanh nghiệp dường như chẳng đóng góp gì nhiều cho quốc gia (xin không bàn đến việc “đẹp đã là một tài sản”). Những chương trình giao lưu văn hóa giữa các nước, chúng ta không thấy hình ảnh của các HH Việt Nam. Các cô cũng không làm gì để củng cố, nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia trong mắt bạn bè thế giới!
Không chỉ HH, hàng loạt chương trình mang tầm vóc quốc gia hiện nay cũng thiếu vắng bản sắc Việt, nếu không muốn nói là ngày càng biến tướng tệ hại. Lễ hội đền Trần là nơi quan chức đi xin ấn thăng quan, người dân chen chúc, giẫm đạp nhau, tranh cướp đến mức đổ máu. Đó phải chăng là bản sắc văn hóa của người Việt? Mới đây thôi, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), màn tranh cướp bánh trái trên bàn thờ đã khiến cho hình ảnh lễ Vu lan trở nên dị hợm trong mắt công chúng. Xa hơn một chút, Festival Huế có cả lễ hội bia với ảo thuật, múa lửa, nhảy nhót. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lại có trưng bày sinh vật cảnh, có cả giải bóng chuyền bãi biển trên cao nguyên và đương nhiên không thể thiếu cồng chiêng, đồng bào dân tộc cưỡi voi diễu hành dù cây cà phê và văn hóa cà phê không liên quan gì lắm đến cồng chiêng và cao nguyên Đăk Lăk cũng không có chút nào dính đến bóng chuyền bãi biển.
Ngay cả lễ hội rất đặc trưng là lễ hội Lồng Tồng của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc, công chúng cũng không khó nhìn thấy hình ảnh những chiếc dù xếp hiện đại che bàn lễ và các thầy cúng mặc áo dài. Nếu có dịp tham dự lễ hội Katê của đồng bào dân tộc Chăm, sẽ biết rằng đồng bào Chăm vẫn có những đám rước của riêng mình thay cho các chương trình sân khấu hóa, đường phố lạ lẫm.
Ngoài những chương trình đặc thù như đua bò, đua ghe ngo, nếu chỉ nhìn qua hình ảnh các lễ hội văn hóa tại Việt Nam, e rằng chúng ta sẽ khó mà phân biệt được đó là lễ hội nào, ở đâu, bởi đâu đâu cũng rước kiệu, cũng áo quan áo lính, cũng cờ lộng phất phới. Khi chúng ta còn không phân biệt được bản sắc vùng miền của mình thì ở cấp độ cao hơn là bản sắc quốc gia chúng ta làm sao phân biệt? Con diều hình rồng bay trên biển Vũng Tàu khác gì con rồng Trung Quốc, rồng Nhật Bản, rồng Hàn Quốc? Thế thì khi hội nhập, chúng ta là ai giữa thế giới này?
Phạm Thành Nhân