Từ câu nói của một giáo viên, châu Phi có "Nữ hoàng khoa học"

08/03/2022 - 14:45

PNO - Nhờ quyết tâm và sự nỗ lực bền bỉ của mình, cô Masango được truyền thông châu Phi đặt cho một biệt danh đầy tự hào: “Nữ hoàng khoa học”.

Ở tuổi 11, khi được học bài học về các phi hành gia vũ trụ trong một tiết học về không gian, cô bé Senamile Masango đã nuôi giấc mơ với tình yêu trọn vẹn dành cho khoa học.

Cô Senamile Masango, nữ hoàng khoa học của Nam Phi - Ảnh: Twitter nhân vật
Cô Senamile Masango, "nữ hoàng khoa học" của Nam Phi - Ảnh: Twitter nhân vật

Mọi chuyện bắt đầu chỉ bởi một câu nói của thầy giáo với cả lớp rằng, từ trước đến nay, chưa có bất cứ người châu Phi nào bay lên không gian. Lúc đó, Masango đã tự thề với lòng mình rằng, cô sẽ trở thành không chỉ là người châu Phi đầu tiên, mà là người phụ nữ đầu tiên của “lục địa đen” đặt bàn chân đến một nơi bên ngoài Trái đất, kể cả khi vai trò người phụ nữ không được đề cao vào thời điểm đó.

“Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng, giáo dục không nên là sự ban ơn, mà phải là quyền cơ bản của bất cứ ai mà không bị phụ thuộc vào sắc tộc, giới tính hay tình trạng giàu nghèo về kinh tế”, cô Masango nói với tạp chí University World News.

Với cô Masango, mọi việc tưởng như đã đi theo một con đường đã được lập trình sẵn khi cô thi đậu vào Trường đại học Zululand của Nam Phi ở tuổi 16. Thế nhưng, cánh cổng giảng đường đã đóng sập lại khi cô lỡ mang thai và phải tạm chia tay giảng đường sau đó.

Cô Masango sinh ra trong một gia đình thuộc hàng “trâm anh thế phiệt” ở Nam Phi. Và mặc dù bố của cô là một người cực kỳ khắt khe và khó tính thì ông vẫn rộng lòng ủng hộ con gái mình tiếp tục con đường sách vở kể cả khi cô mắc phải sai lầm để trở thành “mẹ bỉm sữa” lúc đang còn rất trẻ.

Nhờ vậy mà Masango đã tiếp tục theo đuổi con đường học hành và ở tuổi 35, cô đã hoàn thành chương trình tiến sĩ và trở thành một nhà vật lý nguyên tử hàng đầu ở châu Phi.

Không chỉ dừng lại ở đó, cô còn đặt mục tiêu sẽ xuất hiện trên trang bìa của tạp chí danh tiếng toàn cầu Forbes, và chính thức biến ước mơ của mình trở thành sự thật khi được sánh vai cùng siêu mẫu Naomi Campbell xuất hiện trong danh sách Những phụ nữ làm lãnh đạo do Forbes bình chọn năm 2019. 

Cô Masango đã vượt qua mọi định kiến của xã hội để học hành và thành danh ở thánh đường nghiên cứu của châu Âu - Ảnh:
Cô Masango đã vượt qua mọi định kiến của xã hội để học hành và thành danh ở "thánh đường nghiên cứu" của châu Âu 

Sự nghiệp nghiên cứu của cô Masango tiếp tục tỏa sáng khi lần đầu tiên, một nhà khoa học nữ người da màu được hiện diện tại một trong những “thánh đường” nghiên cứu lớn nhất của châu Âu là Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) có trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ. Đây là nơi vốn từng chỉ mở cửa chào đón các nhà khoa học xuất sắc là nam giới.

“Thách thức lớn nhất trong sự nghiệp của tôi chính là màu da và giới tính bởi người ta luôn tỏ ra xem thường những người phụ nữ da màu với ánh mắt kỳ thị không hề giấu diếm. Chính điều này khiến chúng tôi phải phấn đấu gấp nhiều lần để chứng minh giá trị của bản thân”, cô Masango thổ lộ.

Nhờ quyết tâm và sự nỗ lực bền bỉ của mình, cô Masango được truyền thông châu Phi đặt cho một biệt danh đầy tự hào: “Nữ hoàng khoa học”. Cô là thành viên trẻ nhất trong Ban quản trị của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử châu Phi (NECSA), một doanh nghiệp lớn do nhà nước quản lý có sứ mệnh phát triển ngành công nghiệp nguyên tử phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của cả khu vực.

Theo quan điểm của cô Masango, giáo dục chính là chìa khóa đóng góp vào sự phát triển bền vững của nhân loại. Và vì vậy mà Nam Phi đã phải đầu tư toàn lực cho giáo dục bậc cao nhằm  tạo ra những trí thức xuất sắc, trong đó có cả những nhà khoa học nữ sáng giá đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Cô Masango là một nhà khoa học dấn thân vì sứ mệnh thúc đẩy trao quyền cho trẻ em gái - Ảnh: Global Citizen
Cô Masango là một nhà khoa học dấn thân vì sứ mệnh thúc đẩy trao quyền cho trẻ em gái - Ảnh: Global Citizen

Thấu hiểu khao khát vươn lên của những người phụ nữ ham học nhưng chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống, năm 2014, cô đã sáng lập nên quỹ phát triển dành cho phụ nữ mang tên mình. Cô mong muốn tạo cảm hứng và khuyến khích phụ nữ trẻ hiện diện nhiều hơn trong lĩnh vực học thuật và khoa học, công nghệ, năng lượng và môi trường.

“Trẻ em gái hầu như luôn bị bỏ rơi khỏi địa hạt nghiên cứu ngay từ khi còn nhỏ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến vấn đề thiếu hụt phụ nữ da màu tham gia vào nhiệm vụ chinh phục vũ trụ. Tôi đang nỗ lực hết sức để xóa bỏ những rào cản này”, cô Masango bày tỏ.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI