Từ câu chuyện Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Bỏ cơ quan chủ quản đại học là tất yếu

12/06/2019 - 07:28

PNO - Thời gian qua, có rất nhiều ý kiến đề nghị bỏ cơ chế cơ quan chủ quản để các trường được tự chủ một cách triệt để và hiệu quả. Điều này hoàn toàn có cơ sở.

Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân:

Đề xuất bỏ cơ quan chủ quản là có cơ sở

Tự chủ đại học (ĐH) là tiến bộ rất lớn trong Luật Giáo dục ĐH. Tuy nhiên, để thực hiện thì phải có những điều kiện. Ví dụ những trường ĐH nào đủ điều kiện để tự chủ, phải có hội đồng trường, phải được đánh giá, kiểm định để có khả năng hoạt động minh bạch theo tiêu chuẩn. 

Khi có đủ điều kiện, trường phải được cơ quan chủ quản cho phép thực hiện cơ chế tự chủ. Nhưng cơ chế này phải do chính nhà trường xây dựng. Cụ thể, trường đó hoạt động thế nào, vận hành thế nào là do chính quy chế đó điều tiết chứ Nhà nước sẽ không can thiệp chuyện nội bộ. Ở đây có ban giám hiệu và hội đồng trường một bên thực thi, một bên giám sát.

Tu cau chuyen Truong DH Ton Duc Thang: Bo co quan chu quan dai hoc la tat yeu

Toàn cảnh Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Để có quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường minh bạch, rõ ràng thì ban giám hiệu cùng hội đồng trường phải đứng ra dự thảo xây dựng. Mỗi nội dung dự thảo xây dựng phải lấy ý kiến tất cả cán bộ giảng viên và nhận được sự đồng tình. Tuy nhiên, những quy chế đó không được trái với quy định pháp luật. 

Tôi chỉ sợ những trường đang vướng lùm xùm là do họ không công khai, không minh bạch, không đưa ra quy chế rõ ràng. Trước đây, khi chưa tự chủ thì vai trò của hiệu trưởng là được quyết định nhưng bây giờ khi đã tự chủ là phải vận hành theo cơ chế tự chủ. Cơ chế ấy là quy chế hoạt động của nhà trường. Nếu tự thực hiện thì sẽ vướng ngay.

Thời gian qua, có rất nhiều ý kiến đề nghị phải bỏ cơ chế cơ quan chủ quản để các trường được tự chủ một cách triệt để và hiệu quả. Tôi cho rằng ý kiến đó là hoàn toàn có cơ sở. Vì vậy, Thủ tướng đang cho phép ba trường được thực hiện thí điểm một số quyền ngoài cơ quan chủ quản là ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa và ĐH Kinh tế TP.HCM. Điều ấy chứng tỏ Chính phủ đã nhìn thấy các vấn đề liên quan cơ quan chủ quản. 

Còn chuyện tiến tới không cần bộ chủ quản thì đây là mô hình của các trường ĐH trên thế giới, Chính phủ đã nhìn thấy nhưng không thể bỏ ngay được mà cần có thí điểm để đánh giá, điều chỉnh. 

Vấn đề đặt ra khi bỏ cơ quan chủ quản, ai sẽ là người đại diện để kiểm soát? Cho nên, cần thí điểm để làm rõ điều này. Theo tôi, với tinh thần bỏ cơ quan chủ quản thì kiểm soát ở các trường chính là quyền lực của xã hội. Đó là người học, cựu học viên, các doanh nghiệp sử dụng nhân lực... chứ không phải cơ quan chủ quản như bây giờ. 

ĐBQH Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội:

Bỏ cơ quan chủ quản là đích đến trong giáo dục đại học

Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) có hiệu lực vào 7/2019 tới đây. Trong đó, quy định về vấn đề tự chủ được xem là mấu chốt. Nhưng luật ra đời vẫn chưa thực sự tháo gỡ được nút thắt cho các trường ĐH để tự chủ. Bởi đây là luật chuyên ngành nên cần có những nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết. Bên cạnh đó, có nhiều điểm liên quan tới tự chủ lại đang được chế định bởi các luật khác ví dụ như: luật ngân sách, khoa học công nghệ, luật viên chức, luật quản lý tài sản công, đấu thầu...

Hiện nay, nghị định của Chính phủ hướng dẫn về nội dung này đang được soạn thảo và có thể sẽ ban hành trước 1/7. Bên cạnh đó, để có thể thực hiện tốt công tác tự chủ thì bản thân các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan chủ quản của các trường phải thực sự có quan điểm cởi mở, tháo gỡ những vướng mắc cho các cơ sở giáo dục ĐH phát triển. Các trường cũng phải năng động, chủ động hơn để cơ quan quản lý giao cho nhiều thẩm quyền tự chủ. Điều cuối cùng quan trọng để tháo gỡ được nút thắt cho giáo dục Việt Nam là Chính phủ phải sửa đổi các điểm liên quan tới các luật khác, vấn đề này phải cần có thời gian.

Liên quan vấn đề cơ quản chủ quan, đúng là nếu quản lý quá chặt chẽ sẽ làm hạn chế sự tự chủ, năng động của các trường. Nhưng ở khía cạnh khác, hầu hết các trường là công lập và hưởng ngân sách Nhà nước thông qua cơ quan chủ quản cấp. Với cơ chế tài chính này, vẫn cần có sự đồng bộ giữa nhà trường và cơ quan chủ quản để đảm bảo tài sản, kinh phí nhà trường được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.

Thời gian qua, có những ý kiến đề xuất bỏ cơ quan chủ quản để các trường phát huy hết năng lực của mình. Đây là đích đến trong giáo dục ĐH. Do đó, hiện Thủ tướng mới thí điểm cho ba đơn vị trên cả nước thực hiện. Sau thời gian thí điểm sẽ đánh giá việc bỏ cơ quan chủ quản được gì, chưa được gì, từ đó mới quyết định nhân rộng hay không.

Huyền Anh (ghi)

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Úc):
Phát triển như ĐH Tôn Đức Thắng thì không cần cơ quan chủ quản

Về vấn đề có nên bỏ cơ quan chủ quản của trường ĐH không, tôi nghĩ câu trả lời tùy thuộc vào sự “trưởng thành” của một trường ĐH và tùy bối cảnh địa phương. Ở nước ngoài không có cơ quan chủ quản, hay có thì vai trò cũng chỉ mang tính biểu trưng. Ở Việt Nam, nếu một ĐH mới ra đời và chưa đủ điều kiện trở thành độc lập thì có lẽ cần cơ quan chủ quản. Nhưng nếu một ĐH đã có bề dày lịch sử và chiều sâu phát triển như Trường ĐH Tôn Đức Thắng thì tôi không thấy nhu cầu cho một cơ quan chủ quản. 

Tôi không rõ ở các nước khác thì sao, nhưng ở Úc không có khái niệm cơ quan chủ quản hay tự chủ. Một ĐH ở Úc có thể xem như một doanh nghiệp lớn. Trong doanh nghiệp có hội đồng quản trị, thì trường ĐH có hội đồng trường. Nếu hội đồng quản trị của doanh nghiệp có nhiệm vụ hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển, thì hội đồng trường cũng có nhiệm vụ tương tự.

Trong doanh nghiệp, việc thực hiện các chủ trương, đường lối và chính sách là nhiệm vụ của CEO; tương tự, thực hiện chủ trương và đường lối của hội đồng trường là hiệu trưởng. Nhìn như thế, hiệu trưởng ĐH có vai trò tương đương với một CEO của doanh nghiệp. 

Mỗi ĐH ở Úc được thành lập trên cơ sở một nghị định của chính phủ (thường là chính phủ bang, chứ không phải liên bang). Chính phủ không can thiệp công việc điều hành của trường ĐH. Mỗi trường đều có một hội đồng quản lý chung chính sách và định hướng cho sự phát triển của trường ĐH. Thành viên của hội đồng bao gồm đại diện của nhiều thành phần, từ hiệu trưởng, giáo sư, các nhân sĩ và có khi có cả cựu quan chức trong chính quyền.

Tất cả các ĐH Úc đều tự chủ, hiểu theo nghĩa họ có quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến ngân sách, học phí, nhân sự chuyên môn, bổ nhiệm giảng viên và giáo sư. Việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao (như hiệu trưởng) là do hội đồng trường thực hiện, chứ chính phủ không can thiệp. Việc bổ nhiệm giảng viên và giáo sư là do hội đồng khoa bảng của trường ĐH thực hiện và không có sự can thiệp của hội đồng trường.

Tu cau chuyen Truong DH Ton Duc Thang: Bo co quan chu quan dai hoc la tat yeu

Thư viện ĐH Tôn Đức Thắng được đánh giá hiện đại bậc nhất VN

Phó hiệu trưởng một trường đại học công lập tại TP.HCM:
Tôi chọn tự chủ thay vì được cấp tiền và phụ thuộc

Nếu không có bộ chủ quản thì trường ĐH có thiệt thòi gì không? Tôi cho là không nhiều. Vì hiện nay, vai trò của bộ chủ quản không còn quá lớn trong các vấn đề liên quan đến hoạt động của nhà trường, ngoại trừ việc thay mặt Nhà nước quản lý tài sản công. Đơn vị chủ quản chủ yếu hỗ trợ về chính sách và cơ chế, còn kinh phí đều do trường tự lo. 

Sự hỗ trợ rõ ràng và có giá trị nhất của bộ chủ quản chính là trong việc “xin” đất, xin chính sách. Nói nôm na, bộ chủ quản giống như chỗ “chống lưng” để các trường dễ dàng hơn trong việc xin cấp đất, hỗ trợ vận động đền bù giải tỏa… Tương tự, đơn vị quản lý chuyên môn của các trường ĐH là Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, vai trò của Bộ GD-ĐT cũng không còn cơ chế xin - cho như trước, mà chuyển sang giám sát bằng hậu kiểm. 

Nếu không có bộ chủ quản thì các vấn đề liên quan đến tài sản nhà trường sẽ bớt đi các thủ tục. Những vấn đề thuộc tài sản thì hiệu trưởng không có quyền quyết. Muốn sửa nhà vệ sinh, nâng cấp thư viện, làm lại căng-tin cho tươm tất… đều phải chờ xin ý kiến, triểm tra và kiểm duyệt.  

Nếu cho lựa chọn giữa được cấp ngân sách và chịu sự quản lý của bộ chủ quản và tự chủ tự chịu trách nhiệm, tôi sẽ chọn vế sau. Đơn giản, chúng ta cần mạnh dạn làm và chịu trách nhiệm, mục tiêu là quản trị để tối đa hiệu quả. Trường ĐH chờ cấp ngân sách vừa tốn tiền Nhà nước vừa phụ thuộc nhưng lại chẳng đủ để hoạt động. Các trường đang nắm giữ nguồn tài sản rất lớn, nếu được quyền tự quyết, đủ sự linh động sẽ phát triển tài sản đó thành nguồn lực lớn. Trong khi đó, nếu phụ thuộc bộ chủ quản, tài sản không được khai thác tối đa hiệu quả, cũng không khai thác tối đa khả năng quản trị nguồn lực của trường ĐH. 

Nói riêng vấn đề tài chính, các trường ĐH trực thuộc bộ, ngành sẽ là một cổ hai tròng. Trong quá trình quản lý tài sản nhà nước, Thanh tra Nhà nước và kiểm toán đã làm nhiệm vụ này. Bộ chủ quản cũng làm công việc y vậy, nghĩa là bị chồng chéo. Tất nhiên, bộ chủ quản giám sát trước sẽ hạn chế được sai phạm, thất thoát, tuy nhiên hiện nay việc thực hiện kiểm định, thực hiện ba công khai từ nguồn lực cho đến tài sản đã thực hiện tốt vai trò này rồi. 

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT:
Vai trò của bộ chủ quản đã hết “phép mầu”

Trường ĐH sẽ mãi còi cọc nếu vẫn tiếp tục duy trì bộ chủ quản như hiện nay. Đã có trường thuộc bộ chủ quản cả năm rồi vẫn không có hiệu trưởng chỉ vì các thủ tục nhiêu khê. Thế mới thấy có Nghị quyết 19, có Luật Giáo dục ĐH rồi nhưng đi vào cuộc sống không dễ dàng gì.

Hiện nay, vai trò quản lý đào tạo của bộ chủ quản rất mờ nhạt, thậm chí vô nghĩa trong mô hình kinh tế mới và thực tiễn quản trị giáo dục ĐH. Bộ, ngành có trường ĐH đã không thể dự báo, xác định được nhu cầu nhân lực và cũng không thể quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo phục vụ cho ngành. Nhưng vì nắm trong tay quyền phân bổ nguồn lực, nên bộ chủ quản trở thành cơ quan đầy quyền uy đối với trường ĐH.

Các trường trực thuộc đều phải báo cáo và “xin” bộ từ việc xây dựng quy hoạch chiến lược nhà trường, đến mua sắm thiết bị, xây dựng nhà cửa, phòng thí nghiệm, các vấn đề về biên chế, nhân sự… Cơ quan chủ quản có thẩm quyền “cho” trong cái cơ chế “xin - cho” dích dắc, lắm ngõ ngách, thiếu minh bạch nhưng lại ít chịu trách nhiệm trong quản lý chất lượng.

Đó là chưa nói đến sự kiểm tra của Bộ GD-ĐT. Hết công đoàn ngành về kiểm tra toàn diện lại đến Đảng ủy Bộ GD-ĐT về kiểm tra; Vụ Tổ chức đào tạo, Vụ Kế hoạch - Tài chính của bộ vừa ra đi thì thanh tra, bộ phận thi đua lại đến... Thế nhưng, những sai phạm của cơ sở đào tạo vẫn còn đó. Bởi mới nói, nhiều tầng lớp quản lý chưa chắc hiệu quả bằng hiệu quả quản lý. 

Trong bối cảnh hiện nay, các trường ĐH phải rất năng động để có thể tồn tại và phát triển thì với cơ chế bộ chủ quản đã vô tình ngăn cản sự năng động đó. Cần bỏ cơ chế bộ chủ quản để tạo ra không gian và môi trường cho sự phát triển giáo dục ĐH, trên cơ sở giao cho trường ĐH quyền tự chủ về các mặt: nhiệm vụ, con người, tài chính và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, dưới sự giám sát chặt chẽ của hội đồng trường và xã hội.

Bộ GD-ĐT cũng không nên là bộ chủ quản của các trường mà phải bao gồm các cán bộ chuyên nghiệp với nhiệm vụ chính là tạo môi trường cho giáo dục phát triển, thiết kế mô hình quản lý mới (ví dụ như hội đồng các hiệu trưởng), xây dựng chính sách, thể chế hóa các chính sách bằng việc tạo ra hành lang pháp lý, huy động nguồn lực của xã hội, điều tiết, kiểm tra, giám sát và đánh giá.

Tiêu Hà (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI