Trước thông tin ông P.D.K., 27 tuổi, kỹ thuật viên đông y ở Bệnh viện (BV) đa khoa Cái Răng, TP.Cần Thơ tự cắt cụt chân trái của mình với suy nghĩ “để cơ thể hoàn hảo”, các bác sĩ (BS) nhận định: đây là biểu hiện của bệnh “rối loạn nhận dạng toàn diện cơ thể” (RLNDTDCT), một dạng bệnh hiếm, được xếp vào nhóm “rối loạn tâm thần đặc biệt” và rất khó để quản lý người bệnh.
Tâm thần bình thường nhưng ý nghĩ lệch lạc
BS Trần Tuấn Khương, khoa Nội thần kinh, BV Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, cách đây ba tháng, BV Chợ Rẫy cũng tiếp nhận bệnh nhân nam H.Q.D. (45 tuổi, nhà ở TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tự cắt “của quý” của mình và giấu không cho người nhà đi nối lại.
Anh D. là một nhà điêu khắc, với vẻ ngoài lãng mạn và anh thường xuyên hút thuốc, uống rượu để tìm cảm hứng sáng tác. Trước đây, anh từng tâm sự với người thân rằng “cậu nhỏ” của anh trông rất dư thừa và mong muốn cắt bỏ. Cách đây ba tháng, anh đã lén lút cắt gọn “của quý”; thấy máu chảy đầm đìa, người nhà phải vất vả truy tìm “cậu nhỏ” bị giấu và sau hai giờ, bệnh nhân được đưa đến BV Chợ Rẫy để cấp cứu.
Sau khi thăm khám, các BS nhận định: anh D. không thích “cậu nhỏ” không phải do vấn đề giới tính mà do anh nhận thức “gắn cậu nhỏ” làm xấu thêm cơ thể mình. Khi cắt xong “của quý”, dù máu chảy nhiều, anh vẫn bình tĩnh và tỏ ra hài lòng. Cuối cùng, các BS xác nhận bệnh nhân bị RLNDTDCT.
BS Trần Duy Tâm, BV Tâm thần TP.HCM phân tích, người không sử dụng các chất kích thích, gây nghiện mà vẫn thực hiện hành vi cắt bỏ bộ phận cơ thể của mình có thể rơi vào hai nhóm bệnh.
Một nhóm là dạng tâm thần phân liệt như: bị hoang tưởng, luôn nghĩ tay chân của mình như quái vật, lúc nào cũng làm hại mình hoặc bị tâm thần ảo thanh, lúc nào cũng nghĩ có ai đó xúi giục bên tai cho rằng cánh tay, cẳng chân của mình vô dụng, nên cắt bỏ đi. Nhóm thứ hai là những người có tâm lý bình thường nhưng lại có ý nghĩ kỳ cục là phải cưa cụt chân, tay… mới đẹp, là do não bộ bị khiếm khuyết về mặt sinh học.
|
Khoa Y học cổ truyền, nơi K. dùng dao y tế cắt đứt chân trái của mình rồi giấu vào tủ. |
Với người bình thường, cơ thể phải có chân phải, chân trái, tay phải, tay trái nhưng với người bệnh, cơ thể phải mất đi chân trái hay tay phải… thì mới đúng. Tùy vào từng điều kiện, người bệnh có thể tự làm mù mắt, chặt bỏ bớt một cánh tay, hoặc bỏ luôn cả hai chân hay gây chấn thương cột sống để liệt toàn thân…
Thế giới đã từng ghi nhận một số ca bệnh như: người bệnh có ước muốn mù mắt bằng cách nhìn trực tiếp vào mặt trời nắng gắt rồi tự đeo kính đen, nhắm kín mắt và đi gậy dò đường, đến cao điểm thì tự hủy hoại mắt của mình; một số người tự làm liệt chân để "được" ngồi xe lăn…
BS Trần Duy Tâm lý giải, người bình thường nhìn họ thì thấy thương hại nhưng người bệnh lại nghĩ khác, họ thấy vui, hứng khởi nếu bỏ đi bộ phận không ưa đó. Người bệnh nhìn những bộ phận bình thường nhưng lạ i có cả m giá c mình bị mọc thêm cái đuôi, ngón tay thừa, cần phải cắt bỏ cho đẹp. Thậm chí, họ muốn những người bên cạnh cũng phải cắt bỏ chân, tay như mì nh mới gọi là “cơ thể hoàn hảo”. Rất may, đây là bệnh hiếm gặp.
Khó quản lý bệnh nhân
BS Trần Duy Tâm cho biết, xét về khía cạnh tâm thần thì người bị RLNDTDCT hoàn toàn bình thường, nhưng chỉ khác ở suy nghĩ lệch lạc về mặt thẩm mỹ. Họ vẫn học hành, làm việc như người bình thường. Hiện y học đã xếp họ vào nhóm “rối loạn tâm thần dạng đặc biệt”.
Nhiều nghiên cứu của Mỹ nhận định, việc điều trị khỏi bệnh cho người bị RLNDTDCT rất khó khăn vì nguyên nhân thuộc về lỗi bẩm sinh ở não bộ, y học vẫn chưa có phác đồ điều trị riêng cho bệnh này; các BS chủ yếu trị liệu tâm lý nâng đỡ, giúp người bệnh dần “chấp nhận” cơ thể đầy đủ bộ phận, đồng thời hạn chế khả năng “ra tay” với người bên cạnh. Nếu người nhà phát hiện người thân có những biểu hiện muốn hủy hoại cơ thể, nên đưa đến gặp BS tâm lý.
BS Trần Tuấn Khương nhận định, ở nước ngoài, ngay cả những trẻ mắc bệnh tự kỷ cũng đã được tầm soát, quản lý chặt chẽ, giúp tất cả trẻ được tập trung ở môi trường điều trị riêng biệt; còn ở Việt Nam, việc trẻ tự kỷ được đưa đi chữa bệnh là phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ.
Việc đưa người bị RLNDTDCT còn khó khăn hơn do bệnh nhân không có biểu hiện trầm cảm, hoang tưởng, ảo tưởng, vẫn sống vui vẻ, hạnh phúc với người xung quanh. Còn nếu BS báo về địa phương, cũng không ai giải quyết vì họ không phạm tội. Hiện, ngay cả người bệnh tâm thần đi lang thang ngoài đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng cũng chưa thấy cơ quan chức năng giải quyết, tức là mạng lưới tầm soát, quản lý người bị tâm thần còn chưa chặt chẽ.
Do vậy, rất khó quản lý bệnh nhân RLNDTDCT, bởi họ trông vẫn rất bình thường, khỏ e mạnh, tâm lý ổn định hơn rất nhiều so với những bệnh tâm thần dạng khác.
Nhiều khảo sát ghi nhận, người bệnh RLNDTDCT đã hình thành ý tưởng “thủ tiêu” bộ phận cơ thể lúc còn nhỏ tuổi và bùng nổ ở lứa tuổi bắt đầu dậy thì. Chính anh K. đã phát hiện căn bệnh trên từ nhỏ (đối với anh, phần dưới chân trái từ đầu gối trở xuống là bộ phận cần loại bỏ) nhưng không nói cho ai biết; đến khi vào học tại Trường cao đẳng Y tế Cần Thơ, anh K. tự tìm hiểu căn bệnh của mình thông qua mạng internet nhưng không tìm ra cách chữa trị.
Theo BS Trần Duy Tâm, khi đã tự cắt cụt tay chân, người bệnh rất vui vẻ, mong muốn người khác cấp cứu mình để khỏi mất máu chứ không phải để nối lại bộ phận bị đứt lìa.
Điển hình như trường hợp anh K., sau khi cắt chân trái, anh rất bình tĩnh để hủy mạch máu chân trái với mong muốn đừng “bị” nối lại chân và gọi bộ phận cấp cứu đến cầm máu, dựng chuyện người khác vô cắt chân trái khi mình đang ngủ...
Do đó, khi người nhà thấy người thân có biểu hiện (qua những câu nói than phiền như ước được ngồi xe lăn, ước được mất đi một cánh tay, cẳng chân hay bị mù) thì nên đưa họ đến cơ sở tâm thần để điều trị. Các BS sẽ tìm cách thuyết phục người bệnh, cách ly thời gian nguy hiểm, dùng các liệu pháp nâng đỡ, giúp hạn chế xảy ra khả năng hủy hoại cơ thể mình và người xung quanh.
Luật sư Trần Thanh Bằng (Đoàn luật sư TP.HCM):
“Năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) là điều kiện cần thiết để xác định một người có lỗi khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hay không. Người có sự phát triển bình thường về tâm - sinh lý sẽ có năng lực TNHS khi đã đạt đến độ tuổi nhất định - tuổi chịu TNHS. Năng lực này có thể sẽ không có hoặc bị loại trừ do mắc các bệnh liên quan đến hoạt động tâm thần. Người không có năng lực TNHS do mắc bệnh được gọi là người trong tình trạng không có năng lực TNHS.
Nếu một người thực hiện hành vi phạm tội của mình trong khi đang mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu TNHS. Người trong tình trạng không có năng lực TNHS là người đã mất năng lực hiểu biết những đòi hỏi của xã hội liên quan đến hành vi nguy hiểm cho xã hội, không đánh giá được hành vi đã thực hiện là đúng hay sai, nên làm hay không.
Trường hợp khi phạm tội người này vẫn có năng lực TNHS, có khả năng điều khiển hành vi, chỉ sau khi gây án mới bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, mất năng lực điều khiển hành vi thì người này bắt buộc phải chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người này phải chịu TNHS.
Hiện pháp luật hiện hành không có quy định “bắt buộc” cách ly người bị bệnh tâm thần với cộng đồng khi người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, để bảo đảm an toàn cho bản thân người đó, cho gia đình và cho cộng đồng, gia đình nên đưa họ vào bệnh viện để chữa trị, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra”.
Văn Thanh