Từ cái lu chống ngập, nghĩ về quản trị nước mưa

17/07/2019 - 08:38

PNO - Cách chống ngập của TP.HCM được cho là “tích tụ rủi ro” như Thái Lan trước đây. Do đó, cần có thêm những giải pháp bền vững hơn, như giữ lại nước mưa.

Tôi từng suýt bị nước cuốn trôi khi chạy xe máy băng qua đường Tô Ngọc Vân, đoạn giao với đường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP.HCM. Đó là một chiều mưa lớn, nước từ đường Tô Ngọc Vân chảy xuống đường Linh Đông ào ào như dòng suối lớn.

Đường phố thành nơi chứa nước

Trong khi đường Linh Đông như biến thành dòng thác sau những cơn mưa lớn thì đường Tô Ngọc Vân, đoạn gần đường Phạm Văn Đồng gần như biến thành một đoạn kênh trữ nước.

Do mặt đường Tô Ngọc Vân ở đoạn này quá trũng, lại bị đường Phạm Văn Đồng chắn ngang nên lượng nước mưa dồn về đây rất nhanh; hễ cứ mưa xuống là trong phút chốc nước đã dồn về ngập lút yên xe máy.

Thủ Đức là một trong những quận, huyện ở TP.HCM có dốc cao nên rất dễ nhận thấy lượng nước mưa dồn ra đường.

Ở những nơi địa hình bằng phẳng hơn, nước mưa chảy ra đường không tạo ra những dòng thác nhưng gần như có bao nhiêu nước mưa rơi xuống là dồn hết ra đường, lượng mưa được giữ lại rất ít.

Tu cai lu chong ngap, nghi ve quan tri  nuoc mua
Nước mưa không được giữ lại nên dồn hết ra đường. Những nơi đường có độ dốc lớn, nước mưa chảy ào ào như suối, gây nguy hiểm cho người đi đường - Ảnh: Hoàng Nhiên

Với tình trạng bê tông hóa cao, khi các phương án giữ nước mưa không được chú trọng, hệ thống cống thoát nước lại lạc hậu (phần lớn có tiết diện nhỏ) nên tình trạng ngập nước mưa triền miên là điều tất yếu.

Trong một báo cáo mới đây gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM cho biết, tần suất xuất hiện những cơn mưa lớn trên địa bàn thành phố ngày càng tăng khiến hệ thống cống quá tải, gây ngập. 

Cụ thể, từ năm 2001 trở về năm 1962, trong 40 năm, trung bình cứ 4 năm, lại có một trận mưa lớn với vũ lượng trên 100mm. 

Tuy nhiên, từ năm 2002-2010, chỉ trong 9 năm, đã có 21 trận mưa có vũ lượng trên 100mm (trung bình một năm hai lần). Từ năm 2011-2017, TP.HCM có 42 trận mưa lớn với lượng mưa từ 100-204mm (trung bình một năm hơn 5,8 lần).

UBND TP.HCM cũng nêu một nguyên nhân khác gây ngập, đó là sự quá tải của hệ thống cống thoát nước so với đà phát triển đô thị. 

Theo UBND TP.HCM, quy hoạch cũ của Sài Gòn trước đây (trước năm 1975) chỉ dành cho quy mô dân số 2 triệu người nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống cống thoát nước không đáp ứng được quy mô dân số hơn 10 triệu dân. 

Chưa tính dân vãng lai, dân số của thành phố đã tăng hơn 5 lần so với trước đây dẫn đến lượng nước thải cũng tăng hơn 5 lần. Nhưng hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư, cải tạo kịp thời.

Tìm cách giữ nước mưa bài bản

Theo UBND TP.HCM, trong thời gian tới, công tác xóa, giảm ngập tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp. Hiện, mục tiêu của TP.HCM là tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập ở vùng trung tâm và 5 lưu vực ngoại vi với tổng diện tích 550km2

Bên cạnh các công trình chống ngập, UBND TP.HCM cũng sẽ thực hiện các giải pháp tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị. 

Tu cai lu chong ngap, nghi ve quan tri  nuoc mua
Sau mỗi cơn mưa từ vừa đến to, đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh lại ngập sâu

Trong bối cảnh các công trình chống ngập còn gây nhiều băn khoăn về hiệu quả, phương án trữ nước mưa được nhiều chuyên gia chống ngập nhận định là một trong những giải pháp mang tính tích hợp, bền vững, cần phải thực hiện và thực hiện một cách bài bản. 

“Chống ngập bằng cách dồn sức thực hiện các công trình mang tính cưỡng bức như TP.HCM đang làm hiện nay giống như Thái Lan đã làm từ nhiều năm trước. Đó là cách chống ngập để lại nhiều rủi ro. Rủi ro tích tụ ngày một nhiều thì khi xảy ra sự cố, hậu quả rất khó lường. Vụ ngập lụt khủng khiếp ở Bangkok năm 2011 là dẫn chứng. Nó được xếp vào loại thảm họa” - một chuyên gia về lĩnh vực đô thị (đề nghị không nêu tên vì quy chế phát ngôn), bày tỏ.

Theo vị chuyên gia nói trên, ở các nước phát triển, lượng nước mưa ở đô thị được giữ lại rất nhiều và nó có vai trò rất lớn trong việc chống ngập. Để thực hiện được việc này, phải có những nghiên cứu bài bản rồi mới đưa ra các cách thức giữ nước mưa hợp lý, khoa học. Tuy nhiên, ở TP.HCM, muốn thực hiện bài bản như thế, cần có những lộ trình phù hợp.

Vị chuyên gia nói trên tiết lộ, hiện một nhóm tác giả ở TP.HCM đang nghiên cứu các phương án giữ lại nước mưa để góp phần chống ngập và bảo vệ môi trường cho thành phố. “Theo thông tin tôi được biết, khoảng hai tháng nữa, nghiên cứu này sẽ hoàn tất” - vị chuyên gia cho biết thêm. 

UBND TP.HCM nhìn nhận hạn chế trong quản lý

Trong các nguyên nhân dẫn đến ngập lụt, UBND TP.HCM thừa nhận, có nguyên nhân quản lý còn hạn chế. Cụ thể, theo UBND TP.HCM, trong quá trình xây dựng, một số tuyến đường được nâng theo đúng cao trình quy hoạch (+2m) nhưng một số nơi chưa đủ điều kiện để nâng cao cốt nền nhà dân và đường hẻm cho đồng bộ với đường. Từ đó, dẫn đến cốt nền nhà dân và đường hẻm thấp hơn mặt đường lớn và cũng không được đấu nối đồng bộ với hệ thống thoát nước ra cống chính, gây ngập cục bộ.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng nhìn nhận, tình trạng san lấp trái phép, lấn chiếm hệ thống cống thoát nước, tình trạng bê tông hóa ngày càng cao… dẫn đến khả năng điều tiết nước giảm, diện tích thẩm thấu tự nhiên bị hạn chế.


Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI