Tiếng gọi tình yêu
Với truyền thống gia đình trong ngành công an, chị Nguyễn Thị Nguyệt được hướng vào ngành này ngay khi còn nhỏ. Đến lúc trưởng thành chị được một người chú giới thiệu làm công tác văn thư trong ngành. Chị trở thành niềm hãnh diện của cả gia đình. Vì bố chị từ trước đến nay đều rất yêu thích ngành nghề này. Ông luôn mong muốn gia đình mình có người làm công an để được nở mày nở mặt với dòng họ.
Cuộc sống của chị tưởng chừng như sẽ rất an nhàn sung sướng, với bao nhiêu cơ hội tốt đẹp đang chờ phía trước. Rồi sau này, chị sẽ là một nữ công an nhân dân, sao vàng rực rỡ trên vai, được mọi người nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Mức lương tăng dần mỗi năm và những khoản tiền phụ cấp khá cao là mơ ước của nhiều người.
Thế nhưng đó là những suy nghĩ của bố chị, thực chất chị không yêu thích nhiều ngành này. Những trói buộc, khuôn khổ của ngành khiến chị cảm thấy mình không phù hợp. Nhiều lần chị đã mơ hồ đến những công việc mang tính chất sáng tạo hơn, nhưng chưa xác định được thực sự mình muốn gì. Mặt khác, chị chịu nhiều áp lực từ phía gia đình, từ bố và người chú làm trong ngành nên ước mơ đổi nghề cũng dần lụi tắt.
Cho đến một ngày, chị tình cờ gặp được anh Hồ Tấn Trương Long (Còn gọi là Long Open) trong một lớp học kỹ năng. Lúc đó, anh Long vẫn chưa có sự nghiệp gì và đang dự định khởi nghiệp với dự án cho thuê xe du lịch. Chị nhìn thấy ở anh một tinh thần thép, một ý chí bền vững và khát vọng kinh doanh. Họ bắt đầu tìm hiểu, yêu nhau bởi sự đồng cảm và cùng chung chí hướng.
Anh Long bàn với chị nghỉ việc và cùng anh kiến tạo tương lai. Chị cũng khá hứng thú với bức tranh anh vẽ ra về một cuộc sống thoải mái, tự do và đúng đam mê của mình. Song, không dễ dàng gì để dứt bỏ cái đã được xem như là nghiệp của cả gia đình. Chị lại là con gái…
Gia đình chị phản đối kịch liệt khi chị kể về tình yêu của anh, chị và dự định của 2 người. Bố chị một mực ngăn cản, ông muốn con gái của ông có một cuộc sống bình yên và an nhàn với một chàng trai nào đó trong ngành, chứ không phải lông bông với chàng trai khởi nghiệp, để rồi không biết tương lai sẽ về đâu. Sợ chị yêu đương mù quáng. Bố của chị đã bay vào Sài Gòn để đón chị về quê ở một thời gian. Một mặt ông muốn chia cắt tình cảm của chị và anh Long, mặt khác để chị Nguyệt có thời gian tĩnh tâm lại.
Trước phản ứng quyết liệt của bố và gia đình, thời điểm này vô cùng khó khăn đối với chị. Một bên là tình yêu và sự tự do, một bên là gia đình và công việc ổn định. Chị rơi vào trạng thái hoang mang. Bố chị bắt chị về quê không cho gặp anh Long nữa, có nhiều lúc chị cũng đã buông xuôi để thuận theo ý người lớn, nhưng cứ nghĩ đến anh, nghĩ đến việc xa anh là cảm thấy rất đau lòng.
Vượt qua những tháng ngày đói khổ
Sự xa cách cùng với những cuộc tranh cãi khiến tình cảm của 2 người có những lúc như đi vào ngõ cụt. Nhưng, cuối cùng thì tình yêu và sự tự do đã chiến thắng, sau một tháng không gặp nhau, không liên lạc, họ bắt đầu thấy nhớ nhung, cảm thấy cần nhau như thế nào. Cả hai quyết đinh gặp nhau để bàn tính chuyện tương lai. Và bằng cách nào đó, anh đã thuyết phục được chị quyết định xin nghỉ việc và ra khởi nghiệp với người yêu.
Quãng thời gian đầu khởi nghiệp thực sự rất khó khăn, anh Long bán luôn chiếc xe máy của mình để trang trải cho sự nghiệp. Chị phải thường xuyên đến chở anh đi giao dịch và công việc. Có những ngày đói khổ mỗi người chỉ được một trái bắp ăn cầm hơi. 2 vợ chồng cùng ăn cùng cười và đâu đó là những phút giây chạnh lòng. Song, cả 2 đều chung một niềm tin, hạnh phúc vì có nhau, cùng đồng hành với nhau.
Đám cưới của 2 người diễn ra sau gần 1 năm quen nhau. Đó cũng một đám cưới rất đặc biệt. Không có tiền để tổ chức ba nơi. Quê chị ở Nghệ An, quê anh ở Huế, nhưng hiện tại cả hai lại ở Sài Gòn. Nên anh điện về nhờ 2 bên gia đình thu xếp tự tổ chức gặp mặt nhau ở ngoài quê, rồi cùng vào Sài Gòn làm một lễ cưới chung. Ba mẹ chị Nguyệt lúc đầu phản đối, nhưng sau nhìn thấy được khát khao và ý chí của anh, cùng tình yêu của chị nên cuối cùng cũng đồng ý và ủng hộ.
Chị rời khỏi khu nhà ở tập thể khang trang của cán bộ công an để về khu nhà trọ với anh Long. Từ một nữ công an nhân dân với công việc văn thư nhẹ nhàng, cơm nước luôn có người chăm lo chu đáo. Chị về sống cùng anh trong căn nhà trọ chật hẹp và phải tự mình lo tất cả mọi thứ.
Năm đầu tiên công việc kinh doanh chưa phát triển, không có khách hàng nên anh chị cũng không có tiền về quê ăn tết. Anh Long gom góp vừa đủ vé xe cho chị về, còn anh thì ở lại Sài Gòn. Hôm anh đưa chị ra bến xe, chị vẫn rươm rướm nước mắt nhìn anh. Còn anh vẫn lạc quan “anh không sao, anh là đàn ông sẽ tự lo cho mình được, em cứ tin ở anh”. Năm đó, anh ở lại Sài Gòn, chống chọi với một cái tết cô đơn và 200.000 đồng duy nhất trong túi, từ một khách hàng thuê xe ra sân bay ngày cận tết.
Tình yêu vượt qua sự ngăn cấm của gia đình nay được “đơm hoa kết trái” bằng một cậu con trai kháu khỉnh 20 tháng tuổi. Và sự nỗ lực của anh chị cũng đã được đền đáp bằng việc thành lập được một công ty chuyên cho thuê xe có tiếng tăm tại TP.HCM
Chia sẻ về người vợ của mình anh Long cho biết, “Tôi thật may mắn khi gặp được cô ấy. Nguyệt đã bên cạnh tôi những thời khắc khó khăn nhất lúc lập nghiệp, cùng tôi xây từng viên gạch cho công ty. Thành công của người đàn ông, đúng là không thể thiếu bóng dáng người phụ nữ của riêng mình”
Trang Trần