Từ biệt Chu Văn Sơn

19/04/2019 - 06:59

PNO - Chu Văn Sơn (1962-2019) - người thầy, người bạn văn tài hoa, dễ mến của chúng ta vừa rời bỏ cõi trần lúc 13g40, ngày 18/4, tại Hà Nội, sau hai năm bị bệnh hiểm nghèo.

58 tuổi, 35 năm trên bục giảng, 30 năm cầm bút, Chu Văn Sơn đã làm việc như một nhà giáo, một nghệ sĩ tràn đầy chất lửa. Chu Văn Sơn đã truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ học trò về vẻ đẹp của văn chương Việt. Phong cách biểu hiện của ông trong lời cũng như trong chữ gần như nhất quán: say sưa, bay bổng, nồng nhiệt và tinh tế. Sinh viên của các trường đại học, đặc biệt là Đại học Sư phạm Hà Nội, sẽ nhớ mãi một người thầy có tâm hồn trẻ trung, phóng khoáng, nhẹ nhàng, luôn ủng hộ người trẻ. Học sinh các trường trung học sẽ luôn nhớ về thầy Chu Văn Sơn như một luồng gió mới, đánh thức tình yêu chữ nghĩa.

Dạy văn học Việt Nam hiện đại, nhưng hình như Chu Văn Sơn nương theo tiếng gọi của linh giác mình để thâm nhập sâu vào thế giới văn chương. Các công trình chính của ông đều tập trung vào thơ ca: Tinh hoa Thơ mới, thẩm bình và suy ngẫm (viết chung, nhà xuất bản Giáo dục, 1997), Ba đỉnh cao của thơ mới: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử (nhà xuất bản Giáo dục, 2003), Thơ điệu hồn và cấu trúc (nhà xuất bản Giáo dục, 2007). Có thể nói, Chu Văn Sơn đã vừa tiếp nối Hoài Thanh (Thi nhân Việt Nam) trong tinh thần tri âm, tri kỷ và hướng tiếp cận trực cảm, vừa bổ sung những điểm tựa vững vàng của thi pháp học hiện đại, để làm nên những trang viết hấp dẫn và thuyết phục.

Tu biet Chu Van Son

Nhạy bén trong nắm bắt và định danh thần thái của nhà thơ là thế mạnh của Chu Văn Sơn. Ông gọi Xuân Diệu là “mới nhất”, “thi sĩ của tình yêu”, “tù nhân của chữ tình”; Nguyễn Bính là “quen nhất”, “thi sĩ của thương yêu”, “kiếp con chim lìa đàn”; Hàn Mặc Tử là “lạ nhất”, “chàng thi sĩ khao khát cái tột cùng”; Hoàng Cầm là “gã phù du Kinh Bắc”; thơ Ý Nhi là “những vần thơ xao xác giữa ngày yên”... Phong cách phê bình như vậy đã chạm đến một cái gì đó rất sâu trong thế giới nghệ thuật của nhà thơ, vừa mang tính độc đáo trong sáng tạo của nhà phê bình.

Mềm mại, phóng khoáng nhưng quyết liệt, Chu Văn Sơn luôn đứng về cái mới và những giá trị đích thực trong đời sống. Đau đớn vì học sinh chán môn văn, Chu Văn Sơn kêu gọi đổi mới chương trình và phương pháp dạy. Ông nói đến “vai trò của người truyền lửa”, yêu cầu phân biệt giữa “năng lực” và “kỹ năng”, chú ý tính truyền cảm của văn chương. Những ý kiến xuất phát từ trải nghiệm sâu sắc này, cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.

Đã nhiều năm, Chu Văn Sơn là tác giả trong bài giảng môn “Phê bình văn học Việt Nam hiện đại” của tôi. Trẻ trung, lả lướt và tinh tế, những trang viết của Chu Văn Sơn chinh phục thầy trò chúng tôi, đặc biệt là hai tác phẩm: Ba đỉnh cao của thơ mới: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Thơ điệu hồn và cấu trúc, cùng những bài phê bình khác. Các bạn trẻ thường chọn ông làm mẫu nghiên cứu và thuyết trình, vô cùng hào hứng.

Ánh nhìn đăm đắm, mái tóc bồng lãng tử, nụ cười mở rộng mà vẫn có vẻ gì e ấp, dịu dàng, ở Chu Văn Sơn toát lên cốt cách của người nghệ sĩ xưa - không bao giờ già, thường dễ xúc động trước cái đẹp ở con người và tự nhiên. Những giao tình từ đó nảy sinh, những dòng chữ và nét vẽ, âm giai… cũng từ đó ra đời. Người để lại, rồi lặng lẽ và nhẹ nhàng ra đi, như hơi rượu thơm bay, như phấn thông vàng tìm đến khu vườn mới, để lại những bàng hoàng thương tiếc.

Tự tình cùng cái Đẹp là tác phẩm sau cùng Chu Văn Sơn gửi lại chúng ta, có nét vẽ và tâm tình của một nhà văn, sau những chuyến lang thang ngắm nhìn cùng người bạn đời yêu dấu Nguyễn Vân Anh. Chắc là ông đã kịp nhìn thấy nó, đã cầm lên tay và nở nụ cười hạnh phúc. 

Nguyễn Thị Thanh Xuân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI