Từ 21/9, người dân Hà Nội không cần giấy đi đường khi lưu thông

20/09/2021 - 18:13

PNO - Từ 6g ngày 21/9, Hà Nội sẽ có các biện pháp nới lỏng một số hoạt động sau đợt giãn cách lần thứ tư.

Chiều 20/9, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP chủ trì hội nghị thông tin với các cơ quan báo chí về các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Hà Nội nới lỏng một số hoạt động từ 6g ngày 21/9
Hà Nội nới lỏng một số hoạt động từ 6g ngày 21/9

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, từ 6g ngày 21/9, Hà Nội sẽ có các biện pháp nới lỏng một số hoạt động, trên cơ sở ưu tiên hàng đầu vẫn phải đảm bảo an toàn cho sức khoẻ nhân nhân, giữ an toàn cho Thủ đô vì dịch bệnh tại một số địa phương trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp.

Nguyên tắc, định hướng lớn là thành phố sẽ không áp dụng quy định phân vùng, không áp dụng việc cấp giấy đi đường với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp di chuyển trên địa bàn thành phố; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác phòng chống dịch và quản lý giám sát di biến động trên địa bàn thành phố.

Phó chủ tịch Hà Nội cho biết, các cá nhân, tổ chức đơn vị cần tiếp tục thực hiện các tiêu chí về an toàn phòng chống dịch. Trong quá trình triển khai, thành phố sẽ phân cấp, ủy quyền cho các sở ngành, địa phương tiếp tục hướng dẫn các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện tốt nhất việc phục hồi sản xuất kinh tế, kinh doanh dịch vụ đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch.

Thành phố sẽ tiếp tục duy trì việc phong tỏa hẹp, quản lý chặt các điểm phong tỏa trên địa bàn thành phố, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh việc truy vết khi có các trường hợp dương tính.

Thông tin thêm, Giám đốc Sở GTVT thành phố Vũ Văn Viện cho biết, sở đã tham mưu thành phố tiếp tục duy trì các chốt cửa ngõ thành phố, đảm bảo kiểm soát việc người dân ra vào thành phố. Việc vận chuyển hàng hoá sẽ tạo điều kiện tối đa cho các xe luồng xanh đi qua thành phố. Riêng các xe đi vào thành phố vẫn được kiểm soát chặt chẽ theo quy định hiện hành.

Thành phố dự kiến cũng tiếp tục dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, hoạt động vận tải công cộng đến Hà Nội và hoạt động vận tải công cộng nội bộ thành phố. Hoạt động vận chuyển hàng hoá trong nội đô sẽ được tạo điều kiện tối đa để đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân.

Theo ông Viện, thời gian tới, Hà Nội sẽ nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch, một số địa phương ở Hà Nội đã được bán hàng mang về, nên sở tham mưu thành phố nghiên cứu cho phép thêm lượng người vận chuyển hàng hoá (shipper) hoạt động trên địa bàn thành phố, vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, vừa đảm bảo giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng này.

Tại cuộc họp, Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho hay những thông tin tại hội nghị mới là định hướng tham mưu của các sở, ban, ngành với thành phố, chưa phải là quy định chính thức do Công điện của UBND thành phố chưa ban hành. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội sẽ thông tin về các định hướng lớn sau 6g sáng ngày 21/9.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà,  trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến 6 giờ ngày 20/9), Hà Nội ghi nhận tổng số 4.187 ca. Trong đó, 1.311 ca ngoài cộng đồng; 1.854 ca trong khu cách ly, 760 ca trong khu phong tỏa; 213 ca trong bệnh viện; 49 ca nhập cảnh.

Hiện, TP có 10 chùm ca bệnh mới, phức tạp tại quận Thanh Xuân, quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng; huyện Thanh Trì, quận Hoàng Mai, quận Long Biên, huyện Chương Mỹ và huyện Thường Tín.

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc trung bình tại đợt giãn cách thứ 4 đã giảm mạnh (27,7 ca/ngày so với 71,2 ca/ngày tại đợt giãn cách thứ 1); số ca nhiễm trong cộng đồng giảm (35 ca/ngày tại đợt giãn cách 1 xuống còn 2,7 ca/ngày đợt giãn cách 4), số ca chuyển nặng phải chuyển tầng điều trị giảm, tỷ lệ chữa khỏi tăng.

“Thành phố cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; kịp thời khoanh vùng đúng và trúng các đối tượng nguy cơ cao” – bà Hà cho biết.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI