1.
Ngày 27/9 tới đây sẽ tròn 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài. Từ cuối năm trước, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã có kế hoạch tái bản hàng loạt tác phẩm của ông, kèm logo nhận diện 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài 1920 - 2020.
Tất nhiên, không phải chờ sự kiện này, các sáng tác của Tô Hoài mới trở lại với độc giả. Bao năm qua, những tác phẩm văn học thiếu nhi của ông luôn có mặt trên kệ sách, nằm trong danh mục không thể thiếu như: Dế mèn phiêu lưu ký, Những truyện hay viết cho thiếu nhi, Truyện đồng thoại Tô Hoài, 100 cổ tích - Chuyện ngày xưa, Chú bồ nông ở Samacan, Chuyện cũ Hà Nội, Đảo hoang, Chuyện nhà Chử, Chuyện nỏ thần…
|
Nhà văn Tô Hoài - Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Hẳn ai cũng biết, sáng tác cho thiếu nhi chỉ là một phần trong văn nghiệp đồ sộ của Tô Hoài. Hậu thế vẫn nhắc đến ông ở các sáng tác dành cho người lớn, như Truyện Tây Bắc, Chiều chiều, Cát bụi chân ai, Giấc mộng ông thợ dìu hay tiểu thuyết về thời kỳ cải cách ruộng đất viết ở tuổi 72 nhưng phải đến tuổi 86 mới được in ra là Ba người khác. Nhưng chính nhà văn Tô Hoài, trong những năm cuối đời, có lần nhìn lại sóng to gió quật chìm nổi đời văn, đã vô cùng tỉnh táo, nhẹ tênh mà nói rằng: “Đời tôi may ra còn lại con dế mèn”.
Thực tế thời gian trả lời, không phải Tô Hoài khiêm tốn giả vờ, ông tỉnh và rất biết mình biết người. Hóa ra giữa gần hai trăm đầu sách lớn bé, thì tác phẩm mà tự tác giả nhận thấy, được thực - tế - độc - giả chứng minh, sẽ sống lâu, lại là cuốn sách gần như mỏng nhất, viết ở tuổi 20 mới hồn nhiên chập chững vào làng văn, dành cho thiếu nhi, là Dế mèn phiêu lưu ký.
Nhìn đời văn Tô Hoài, thấy chưa hẳn phải là sáng tác đồ sộ, với những nhân vật, đề tài bàn chuyện lớn lao, mà có khi đơn giản chỉ là chuyện con dế, con giun… cho trẻ con. Ấy vậy, dù không nói ra nhưng từ nhiều người viết đến các tổ chức có trách nhiệm vẫn ngấm ngầm mặc định văn học thiếu nhi ở chiếu dưới, dù chúng ta có oang oang với nhau, rằng cái gì tốt nhất thì dành cho trẻ con, thiếu nhi là mầm non tương lai đất nước, trẻ em hôm nay thế giới ngày mai…
2.
Khách quan, từ phía những tổ chức có các hoạt động liên quan đến văn học thiếu nhi, không khó để thấy, dấu ấn của Ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam bao năm qua vẫn chỉ như một nhóm… hoạt động trong phạm vi hẹp. Thành viên là những nhà văn có cả tên và tuổi trong việc viết cho thiếu nhi, nhưng chính cái tuổi lại là sức cản. Người đủ tinh và tâm thì nản, muốn lui về ở ẩn. Người thừa hăm hở thì già nua cũ kỹ trong tư duy và kiến văn, thêm bệnh người già sợ người khác quên mình nên nghĩ về mình nhiều hơn nghĩ đến… thiếu nhi.
Chúng ta chưa có giải thưởng văn học thiếu nhi đáng tin cậy. Từ năm 2005, Hội Xuất bản có Giải thưởng Sách Việt Nam, đến năm 2018 nâng cấp thành Giải Sách quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Xuất bản đồng chủ trì, có hạng mục sách văn học thiếu nhi, nhưng giải thưởng này lại đầy tính “mặt trận”. Chưa kể sách sáng tác mới cho thiếu nhi lọt thỏm, chịu cảnh “cân đo đong đếm” cùng những công trình, bộ sách nghiên cứu, chuyên khảo ở lĩnh vực khác, thành ra trao xong mỗi tác giả được giải tự nhớ.
|
Dế mèn phiêu lưu ký đình đám của nhà văn Tô Hoài |
Ngược lại, Giải thưởng Sách hay của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) cũng có hạng mục sách thiếu nhi nhưng không nhất thiết là văn học, lại thiên về gợi ý cho cộng đồng các tác phẩm nên đọc, nên tôn vinh những tác phẩm đã đi cùng năm tháng nhiều hơn là phát hiện tác giả - tác phẩm mới, thành ra không cần trao giải thì độc giả vẫn nhớ.
Xa hơn, từng có nỗ lực từ các đơn vị như Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Unicef Việt Nam, Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phối hợp tổ chức các cuộc thi thơ, truyện ngắn cho/về trẻ em. Dấu ấn và thành quả rõ rệt hơn các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng, NXB Trẻ. Tuy nhiên, NXB Trẻ đã dừng cuộc chơi hơn 15 năm, NXB Kim Đồng bền bỉ hơn, nhưng cũng đã dừng cách đây bốn năm.
Trong khi đó, Hội Nhà văn Việt Nam từng có giải thưởng cho văn học thiếu nhi; nhưng đã lưu lạc, mất dấu bởi lý lẽ văn chương chỉ có hay hoặc dở, không phân biệt dành cho người lớn hay trẻ em. Khốn khổ, nghĩ vậy nhưng mỗi năm đặt tác phẩm lên bàn xét giải, văn học thiếu nhi bao giờ cũng thấp bé nhẹ cân hơn những cuốn tiểu thuyết, tập truyện nặng trịch theo cách nhìn của các nhà văn đa số là không viết cho thiếu nhi. Vậy nên đến nay mới có duy nhất Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh lọt vào danh sách tặng thưởng, chứ không phải giải thưởng chính thức, năm 2009.
Ở khía cạnh khác, chúng ta thiếu người đọc văn học thiếu nhi một cách chuyên tâm, nghiêm cẩn, có nghề, mà thừa người đọc, người phán kiểu “nghe hơi nồi chõ” và hẹp bụng. Hầu hết dừng lại ở những bài điểm sách bằng hai lòng bàn tay. Xuân thu nhị kỳ, ngày Quốc tế thiếu nhi và rằm Trung thu các báo lại kêu toáng lên, là thiếu sách cho các em.
Điểm lại, có lẽ đến giờ chỉ nhà phê bình Vân Thanh và Lã Thị Bắc Lý là theo văn học thiếu nhi sâu hơn cả, nhưng sòng phẳng mà nói, dấu ấn của hai nhà phê bình này để lại không nhiều, chưa kể giờ đều thành dĩ vãng.
|
Lá cờ thêu sáu chữ vàng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng |
3.
Để yếu tố khách quan sang một bên, văn chương trước hết và sau cùng vẫn là chuyện của người viết, là nhu cầu tự thân, như nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng nói: “Thấy mót/muốn thì viết thôi”. Song, hầu hết các nhà văn chỉ mót/muốn mộng tác phẩm lớn. Vấn đề nhầm lẫn ở chỗ, không phải viết cho người lớn mới có tác phẩm lớn.
Thời gian chứng minh Nguyên Hồng còn Bỉ vỏ, Thời thơ ấu, cùng lắm thêm Một tuổi thơ văn, chứ những trường thiên tiểu thuyết như Sóng gầm, Cửa biển hay Núi rừng Yên Thế đều trôi sông trôi biển; Nguyễn Đình Thi lừng lững với những triết, nhạc, kịch, thơ không vần, bút ký, tiểu thuyết, nhưng được đọc nhiều nhất, đến nay vẫn đọng lại là truyện ngắn Cái Tết của mèo con; Nguyễn Huy Tưởng còn Lá cờ thêu sáu chữ vàng; Phùng Quán còn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội, dù người đời vẫn gọi ông là nhà thơ; Trần Hoài Dương là Miền xanh thẳm; Vũ Tú Nam là Văn Ngan tướng công, Nguyễn Quang Sáng là Dòng sông thơ ấu; Đoàn Giỏi là Đất rừng phương Nam. Hay như Trần Đăng Khoa, quyết bỏ phắt thơ thiếu nhi với những phê bình chân dung, thơ cho người lớn, những truyện ký đều ấn tượng nhưng vẫn bị nhắc nhớ là… thần đồng với Sao không về Vàng ơi, Hạt gạo làng ta, Mẹ ốm, với “tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”.
Các nhà văn mang tâm lý sợ mình bé đi khi chơi với trẻ con chăng? Nguyễn Nhật Ánh là người hiếm hoi đi ngược với số đông, và thành công. Thuở ban đầu, nhà văn bestseller này sáng tác cho người lớn, từng đoạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Phụ nữ TP.HCM.
Thơ của Nguyễn Nhật Ánh cũng thật hay, tất nhiên, không phải thơ thiếu nhi. Nhưng rồi nhà văn đã cúi xuống chơi với các em, để có những Tôi là Bê tô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, bộ Kính vạn hoa cùng vô số các sáng tác thiếu nhi, tuổi mới lớn khác như đã biết.
|
Bộ sách Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích |
Vẫn biết viết cho thiếu nhi chưa bao giờ là dễ. Không phải người lớn nào cũng nói được giọng trẻ con. Cố tình nhét vào miệng trẻ con ý nghĩ của mình chắc chắn trẻ sẽ “nhè” ra. Nhưng thiết nghĩ, bắt đầu bằng tình yêu, bằng sự tận tâm, như thế hệ Tô Hoài, Võ Quảng, Vũ Hùng, Phạm Hổ, Định Hải, Trần Hoài Dương, sau nữa là Trần Đức Tiến, Cao Xuân Sơn, Lý Lan, Nguyễn Thị Bích Nga, Nguyên Hương… thì sớm muộn gì cũng sẽ cho hoa và kết trái. Tất nhiên, trái ở mức độ nào còn ở tài năng và duyên chữ của mỗi người.
4.
Vậy văn học thiếu nhi hiện nay có gì, đang chuyển động ra sao?
Không phủ nhận giá trị của những tác phẩm kinh điển. Kinh điển luôn cần và sống với mọi thời. Nhưng các nhà văn thế giới cũng đã khác, chuyển cách viết từ những Không gia đình, Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Thời thơ ấu, Lũ trẻ đường tàu, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên… sang những Pippi Tất Dài, Nhóc Nicolas rồi Cô gà mái xổng chuồng, Cậu bé chịu đòn thay, Đội thỏ hoàng gia thành Luân Đôn, Con mèo dạy hải âu bay, Những cao thủ tình cờ… Chúng ta cũng không thể lấy những Tuổi thơ dữ dội, Dòng sông thơ ấu, Đất rừng phương Nam… ra làm thước đo và đón đợi tác phẩm văn học thiếu nhi đương đại tương tự.
Hơn 10 năm qua, công bằng vẫn có tác phẩm văn học thiếu nhi của thế hệ 7X, 8X và 9X xứng đáng được nhắc nhớ, như Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng (Nguyễn Ngọc Thuần), Đi tìm hoang dã (Nguyễn Vĩnh Nguyên), Mèo con xa mẹ (Nguyễn Thị Thanh Bình), Giấc mơ buổi sáng (Nguyễn Lãm Thắng), Ra vườn nhặt nắng (Nguyễn Thế Hoàng Linh), Tay chị tay em, Cút cà cút kít (Nguyễn Thị Kim Hòa), Con nít con nôi (Hoa Cúc & Mel Mel), Cúc Dại và Tia Nắng (Dy Duyên), Công chúa Kem Dâu, Kem Dâu trúng lời nguyền (Vân Vũ)… Lực lượng viết cho đối tượng này không đến mức quá khan hiếm như một số người vẫn phán bừa thời gian qua. Bên cạnh các tác giả kể trên, còn khá nhiều cây viết tâm huyết với các em, như Nguyễn Thụy Anh, Võ Diệu Thanh, Phương Huyền, Võ Thu Hương, Hồ Huy Sơn, Lê Quang Trạng, Dương Hằng, Mây, Sao Bùi, Cao Nguyệt Nguyên…
|
Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, một trong những tác phẩm dành cho thiếu nhi của thế hệ nhà văn 7X- 8X được nhiều người yêu thích |
Không khó để nhận ra, cái gì thuộc về lịch sử, thiên nhiên, thuộc về nhân nghĩa sẽ tồn tại bất chấp không - thời gian, hợp với thiếu nhi mọi thời, chỉ cần làm mới về hình thức. Minh chứng là những tác phẩm đồng thoại của Tô Hoài, Võ Quảng vẫn sống đến giờ. Gần đây, tập truyện đồng thoại Xóm bờ giậu của Trần Đức Tiến hay Chuyện kể ở lớp Cây Me của Nguyễn Thị Kim Hòa hứa hẹn sẽ tiếp bước.
Điều cần nhất hiện nay là một đơn vị đủ uy tín để trao cho những cuốn sách hay một danh phận, để tác phẩm trội hơn, không rơi vào cảnh cá mè một lứa, lẫn vào các sáng tác khác. Hầu như đầu sách trong nước và quốc tế ấn tượng, muốn lan tỏa rộng đều được bảo chứng bởi giải thưởng nào đó. Đã qua rồi thời hữu xạ tự nhiên hương.
Từ năm 2018, TP.HCM rục rịch xây dựng đề án Giải thưởng Sách thiếu nhi nhưng đến giờ chưa thấy tin chính thức. Tháng 5/2020 vừa qua, báo Thể thao và Văn hóa công bố Giải thưởng Dế Mèn - giải thưởng thường niên dành cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật giải trí xuất sắc “của thiếu nhi” (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc “vì thiếu nhi” (thiếu nhi là đối tượng phục vụ). Tiếp đó, có đề án “Trao giải quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em” thuộc chương trình phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn học giai đoạn 2021 - 2025 giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn. Dẫu tất cả mới là dự định, còn trong thời gian khởi động, nhưng chúng ta có thể hy vọng.
5.
Cùng sinh năm 1920 không chỉ có mỗi Tô Hoài, mà còn có Chế Lan Viên, Tố Hữu, Kim Lân, Nguyễn Xuân Sanh, Võ Quảng, Hoàng Lộc… - đều là những tên tuổi lẫy lừng lúc sinh thời, thậm chí “quán xuyến” cả nền văn nghệ, như Tố Hữu. Thế nhưng, 100 năm ngày sinh, chỉ thấy những tác phẩm của hai nhà văn viết cho thiếu nhi là Tô Hoài và Võ Quảng trở lại dồn dập, quan trọng hơn, vẫn được độc giả nhỏ tuổi thế hệ mới đón nhận. Qua đó mới thấy, trẻ con thời nào cũng hồn nhiên và chẳng ảnh hưởng bởi bất cứ nóng lạnh gì của thời cuộc. Và chơi với trẻ con, trong đó có viết, chỉ được chứ không mất.
Thật khó hiểu, nếu như chúng ta còn nghi ngờ việc viết cho thiếu nhi, nghiên cứu văn học thiếu nhi, xem văn học thiếu nhi là chiếu dưới. Chính văn học thiếu nhi mới là mảnh đất còn nhiều chỗ trống, phì nhiêu, đón đợi người viết. Và hứa hẹn những trái ngọt dài lâu, nếu người viết đủ tài và đầy tâm.
Vậy còn chần chừ gì mà không cúi xuống chơi với các em, hỡi các cây viết đương thời?
Văn Thành Lê