Từ 1/9 ngân hàng không được cho khách vay để gửi tiết kiệm

18/07/2023 - 13:34

PNO - Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một số nhu cầu vốn cho vay trong thời gian qua tiềm ẩn rủi ro phát sinh cho hệ thống ngân hàng, khó kiểm soát được việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích và thông tư 06/2023 có hiệu lực từ ngày 1/9/2023 sẽ ngăn chặn các rủi ro đó.

Cụ thể, thông tư bổ sung quy định rõ các tổ chức tín dụng (TCTD) không được cho vay với 4 nhu cầu vốn. Thứ nhất, các tổ chức tín dụng không được cho vay để gửi tiền do thời gian qua phát sinh trường hợp TCTD đã thực hiện cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay khi đi lao động, học tập ở nước ngoài dưới hình thức vay tiền để gửi tiết kiệm hoặc khách hàng thế chấp sổ tiết kiệm ngoại tệ vay tiền đồng để gửi tiết kiệm.

Trước đó, NHNN cũng đã có văn bản cảnh báo các TCTD vì bản chất của tiền gửi tiết kiệm và giao dịch chứng minh tài chính của khách hàng phải hình thành từ chính nguồn tiền của khách hàng chứ không phải tiền đi vay từ TCTD.

Các ngân hàng không được cho khách vay với mục đích gửi tiết kiệm
Các ngân hàng không được cho khách vay với mục đích gửi tiết kiệm. (Ảnh minh hoạ)

Thứ 2, TCTD không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom. NHNN cho rằng, nhu cầu vốn này tiềm ẩn nhiều rủi ro do khó kiểm soát được mục đích sử dụng tiền vay, người vay khó trả nợ, khó xử lý tài sản đảm bảo do chưa đảm bảo tính pháp lý…

Thứ 3, TCTD không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật. Điều này do thời gian qua, việc cho vay đối với các nhu cầu vốn này để thực hiện dự án, mà dự án lại không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tiềm ẩn rủi ro do khách hàng vay vốn không có nguồn trả nợ nào khác hoặc có thì không đáng kể so với số tiền vay vốn; dự án không có nguồn thu, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng và vướng mắc trong việc xử lý tài sản đảm bảo.

Với các dự án đầu tư đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật, các TCTD có thể xem xét cho khách hàng vay nhưng phải có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thoả thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Cuối cùng, các TCTD không được cho vay để bù đắp tài chính. Có nhiều trường hợp cho vay bù đắp nhu cầu phục vụ đời sống như để thanh toán giao dịch phát sinh từ lâu (5 năm, 10 năm trước đây) và chứng từ là giấy tờ viết tay mượn tiền giữa các cá nhân để mua bất động sản/hàng hóa thường với số tiền giá trị khá lớn... Dẫn đến tổ chức tín dụng khó xác định nguồn tiền mà khách hàng đã ứng trước, không kiểm soát được việc khách hàng sử dụng số tiền được giải ngân cho vay...

Tuy nhiên, trên thực tế có một số nhu cầu vốn vay bù đắp là chính đáng, như trường hợp doanh nghiệp đang làm thủ tục vay vốn trung, dài hạn để thực hiện dự án kinh doanh, doanh nghiệp đã phải ứng trước vốn của mình để thanh toán, đảm bảo tiến độ dự án. Vì vậy, Thông tư 06 đã bổ sung cho phép TCTD tiếp tục thực hiện cho vay đối với trường hợp này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, qua đó, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp.

Thanh Hoa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI