Từ 1/7, có thể du lịch kết hợp làm việc hợp tác tại Úc

06/04/2016 - 13:48

PNO - Công dân Việt Nam tham gia chương trình này có thể học tập từ phía Úc kinh nghiệm làm việc, cách thức sản xuất kinh doanh, quản trị nhân lực...

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) vừa xác nhận với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM thông tin: đại diện chính phủ Việt Nam và Úc đã ký kết chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ (LĐKHKN), theo đó mỗi năm sẽ tạo điều kiện cho công dân hai nước trao đổi 200 ứng viên nhập cảnh tham quan, du lịch kết hợp lao động, dự kiến triển khai từ 1/7/2016.

Chương trình trên nhằm tạo điều kiện cho thanh niên hai nước giao lưu văn hóa, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, tăng cường mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên. Công dân Việt Nam tham gia chương trình này có thể học tập từ phía Úc kinh nghiệm làm việc, cách thức sản xuất kinh doanh, quản trị nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ.

Tu 1/7, co the du lich ket hop lam viec hop tac tai Uc
Cơ hội cho đầu bếp Việt Nam làm việc tại Úc (hình minh họa)

* Xin bà cho biết nội dung cụ thể của bản thỏa thuận?

- Theo bản thỏa thuận, hàng năm, mỗi bên sẽ cấp tối đa 200 thị thực cho công dân của bên kia và cho phép họ lưu trú trên lãnh thổ nước mình với thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhập cảnh lần đầu tiên. Người mang thị thực chương trình LĐKHKN được phép sử dụng thị thực này để xuất cảnh và nhập cảnh nhiều lần trong thời gian lưu trú nói trên.

Người mang thị thực này phải chấp hành pháp luật, quy định của bên tiếp nhận và không được làm những công việc trái với mục đích nhập cảnh, không được làm việc toàn bộ 12 tháng trong kỳ nghỉ. Mục đích chủ yếu của việc lưu trú theo loại thị thực này là đi nghỉ nhưng tìm được việc làm; không được làm việc cho một chủ sử dụng lao động quá sáu tháng và không được tham gia khóa học tập hoặc đào tạo có thời hạn quá bốn tháng.

* Đối tượng nào sẽ được đi theo chương trình này?

- Công dân Việt Nam tham gia chương trình này phải đáp ứng một số điều kiện về sức khỏe, khả năng tài chính, trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ, nhân thân và được Bộ LĐ-TB-XH giới thiệu. Theo quy định của chính phủ Úc, công dân Việt Nam cũng như công dân các quốc gia khác đã ký thỏa thuận hợp tác với Úc trong chương trình LĐKHKN phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể để được cấp visa sang Úc làm việc theo chương trình này.

Những điều kiện bao gồm: có nguyện vọng làm việc kết hợp kỳ nghỉ ở Úc trong thời hạn một năm; trong độ tuổi từ 18 đến 30; có hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực; có năng lực tài chính đủ để trang trải cho các chi phí của bản thân trong thời gian làm việc kết hợp kỳ nghỉ tại Úc (khoảng 5.000 đô la Úc); không có con cái ở cùng trong thời gian làm việc kết hợp kỳ nghỉ tại Úc.

* Tiến độ triển khai chương trình này đến đâu rồi, thưa bà?

Để bản thỏa thuận chính thức có hiệu lực, hai bên đang hoàn tất các phần việc nội bộ về hướng dẫn đối tượng, quy trình và thủ tục để thông báo cho nhau triển khai thực hiện. Hiện Bộ LĐ-TB-XH đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện thỏa thuận này. Thỏa thuận dự kiến sẽ được triển khai từ ngày 1/7.

* Với thời gian du lịch và làm việc ngắn như vậy, người lao động (NLĐ) Việt Nam cần chú ý những gì?

- Nếu như trước đây, một số NLĐ đi dạng visa du lịch sang làm việc tại Úc là bất hợp pháp thì với chương trình này, NLĐ đi nghỉ dạng visa du lịch nhưng được làm việc hợp pháp. Tuy nhiên, khi sang Úc, NLĐ phải tự tìm kiếm việc làm, do đó họ cần phải trang bị vốn tiếng Anh thật giỏi; phải nâng cao ý thức làm việc, có kỹ năng nghề, tuân thủ pháp luật và đặc biệt khi hết hạn lưu trú phải trở về Việt Nam để có cơ hội tiếp tục sang Úc hợp pháp theo chương trình này.

Quỳnh Mai (thực hiện)

Theo đại diện một số công ty xuất khẩu lao động, với mức lương có thể đạt tương đương 600 triệu - 1 tỷ đồng/ người/ năm, thị trường Úc đang là điểm đến hấp dẫn đối với lao động Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, mới có sáu doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB-XH cho phép tuyển chọn, đào tạo, đưa lao động đi làm việc tại Úc. Hiện Úc rất thiếu lao động trong nhiều ngành nghề như thợ làm bánh, đầu bếp, thợ hàn, điện, cơ khí, khai thác mỏ, lĩnh vực y khoa. Hàng năm, Úc tiếp nhận hàng chục vạn lao động nước ngoài tới làm việc.

Ở Úc không có các công ty môi giới việc làm. Chủ sử dụng lao động cần thuê nhân công phải đăng thông tin tuyển dụng lao động trên báo, nêu rõ việc làm, mức lương, các điều kiện tiếp nhận; sau tám tuần, nếu không có lao động trong nước đăng ký, chủ thuê làm đơn gửi chính quyền bang hoặc Cục Di trú thuộc Bộ Lao động xin xác nhận để được thuê lao động nước ngoài.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI