Từ 1/5 đưa giúp việc gia đình vào luật: Vẫn còn nằm trên giấy?

28/04/2013 - 07:38

PNO - PN - Lần đầu tiên tại Việt Nam, giúp việc gia đình trở thành một nghề, được pháp luật điều chỉnh nhằm bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử, lạm dụng, bóc lột… Tuy nhiên, với những quy định còn thiếu cụ thể, việc hiện...

Tu 1/5 dua giup viec gia dinh vao luat: Van con nam tren giay?

Học nghề giúp việc nhà tại TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy

Từ ngày 1/5, Bộ luật Lao động năm 2012 chính thức có hiệu lực, trong đó, lao động là người giúp việc gia đình được xác định là đối tượng mới được điều chỉnh. Theo nội dung tại điều 179-183 (Mục 5, Bộ luật Lao động 2012), người giúp việc gia đình sẽ nhận được nhiều quyền lợi thiết thực. Cụ thể, người sử dụng lao động phải trả cho người giúp việc gia đình các khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm. Ngoài việc được bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh, lao động là giúp việc gia đình còn được khuyến khích tạo cơ hội tham gia học văn hóa, học nghề và được chi trả tiền tàu xe khi thôi việc về nơi cư trú.

Bộ luật Lao động cũng nghiêm cấm những hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hay giữ giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình.

Với số lượng lao động giúp việc gia đình tăng mạnh trong thời gian qua, có thể nói, việc đưa loại hình lao động này trở thành một nghề, chịu sự điều chỉnh của pháp luật là cần thiết để hạn chế rủi ro cho cả hai phía: người lao động và người sử dụng lao động. Khảo sát mới nhất của Bộ LĐ-TB-XH và Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) gần đây cho thấy, có tới 46% các hộ gia đình tại Hà Nội và TP.HCM sử dụng lao động giúp việc gia đình. Trong đó, không ít trường hợp người lao động bị hành hạ, xâm phạm nặng nề cả về tinh thần và vật chất.

Ngay sau khi nghề giúp việc gia đình được đưa vào Bộ luật Lao động và được Quốc hội khóa XIII thông qua hồi tháng 6/2012, Bộ LĐ-TB-XH đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để có thể ban hành tài liệu hướng dẫn thi hành cụ thể. Thế nhưng, đến thời điểm này, chỉ còn đếm trên đầu ngón tay ngày Bộ luật Lao động mới có hiệu lực thì văn bản này vẫn chưa được phổ biến. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giúp việc gia đình vẫn loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu.

Bà Nguyễn Hồng Phượng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và nhân lực Gia An cho biết: “Mặc dù Bộ luật Lao động sắp có hiệu lực, nhưng hiện nay chưa có nghị định hướng dẫn nên việc thực hiện với các doanh nghiệp như chúng tôi còn nhiều vướng mắc. Khó khăn nhất là trong việc đào tạo nghề. Hiện nay, chưa có bất cứ tài liệu dạy nghề nào cho người giúp việc gia đình”. Theo bà Phượng, dù rất muốn hoạt động một cách chuyên nghiệp và tích cực liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm của nhiều địa phương, song tới nay, việc đào tạo nhân lực vẫn phải do công ty tự đứng ra tổ chức theo hình thức ngắn hạn. Phương thức đào tạo ở đây cũng mới chỉ dừng lại mức độ “cầm tay, chỉ việc”, hướng dẫn những công việc cơ bản nhất của giúp việc gia đình. Người tham gia các khóa học, đương nhiên, cũng chưa thể nhận bất cứ loại chứng chỉ hành nghề nào.

Theo luật sư Nguyễn Yến (Văn phòng Luật sư Nguyễn Yến - Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), với những quy định như hiện nay thì mới chỉ xác định được một số quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của người giúp việc gia đình. Những vấn đề đặc thù của nghề như đơn vị nào có đủ chức năng đào tạo? Ai là người trả tiền đào tạo? Cơ quan đứng ra giám sát, thanh kiểm tra… vẫn còn bỏ ngỏ.

Không chỉ vướng mắc về mặt luật pháp, rào cản lớn nhất để giúp việc gia đình thực sự được coi là một nghề, được xã hội xem trọng lại nằm ở chính thói quen đã đi vào lối mòn của cả người sử dụng lao động và người lao động. Chị Phạm Kiều Dung (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) thuê lao động giúp việc nhà được hai năm nay nhưng hoàn toàn không quan tâm đến những quy định mới này. Bởi theo chị, con đường tìm kiếm người giúp việc hiện nay ở hầu hết các gia đình Hà Nội là thông qua người nhà, người thân giới thiệu. Việc gắn những quy định luật pháp chỉ khiến họ cảm thấy… ràng buộc và bận bịu hơn.

Trong khi đó, nhiều lao động cũng tỏ ra thờ ơ với quy định này bởi bản thân họ chỉ xem giúp việc gia đình là chiếc “cần câu cơm” tạm thời, không có ý định gắn bó dài lâu. Chị P.T.N. (quê Khoái Châu, Hưng Yên) cho rằng, mức lương của người giúp việc hiện nay không hề thấp, từ ba-bốn triệu đồng/tháng chưa bao gồm ăn uống. Nếu thực hiện đúng quy định về luật pháp, người giúp việc gia đình được chi trả các khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… thì chắc chắn người thuê lao động sẽ trừ vào số tiền thực lĩnh. Với những người chỉ xác định làm nghề cho tới khi con cái học xong như chị N. thì việc nhận “tiền tươi, thóc thật” vẫn là ưu tiên hàng đầu.

H. Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI