Từ 1/1/2022, người có hành vi bạo lực gia đình sẽ bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

02/12/2021 - 06:06

PNO - Từ ngày 1/1/2022, sẽ có 55 văn bản hướng dẫn và năm văn bản luật có hiệu lực. Trong năm văn bản luật, đáng chú ý là Luật Xử lý vi phạm hành chính với nhiều điểm mới. Điểm mới đáng chú ý nhất là quy định về việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

Tăng cường bảo vệ nạn nhân, răn đe cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm

Trước đây, chỉ có hai trường hợp có thể bị tạm giữ theo thủ tục hành chính căn cứ theo khoản 1, điều 102 Luật Hải quan năm 2014 sửa đổi và điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Cụ thể, chỉ tạm giữ theo thủ tục hành chính với các trường hợp: “Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác” và “có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”. Quy định này là rất bất cập trên thực tế, nhất là trong xử lý những vi phạm liên quan đến hành vi bạo lực gia đình. 

Nay, tại khoản 61, điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 nêu rõ, người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. 

Những trường hợp có thể bị tạm giữ theo thủ tục hành chính còn có: trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác; hoặc cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; hoặc để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và trường hợp để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định tăng mức phạt tiền tối đa ở nhiều lĩnh vực như vi phạm về giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội: tăng từ 40 lên 75 triệu đồng; các vi phạm liên quan cơ yếu, giáo dục; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia: tăng từ 50 lên 75 triệu đồng; vi phạm về an toàn điện: tăng từ 50 lên 100 triệu đồng; vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: tăng từ 100 lên 200 triệu đồng; vi phạm ở lĩnh vực báo chí: tăng từ 100 lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản: tăng từ 150 - 500 triệu đồng.

Từ 1/1/2022, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, những người có hành vi bạo lực gia đình (bạo lực với vợ, chồng, con, cha mẹ, anh chị em,  người nuôi dưỡng…) có thể sẽ bị tạm giữ theo thủ tục hành chính
Từ 1/1/2022, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, những người có hành vi bạo lực gia đình (bạo lực với vợ, chồng, con, cha mẹ, anh chị em, người nuôi dưỡng…) có thể sẽ bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

Tạo cơ chế thuận tiện để thực thi 
Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt như Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Trưởng Công an Cửa khẩu Cảng Hàng không Quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đoàn trưởng, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ đội Biên phòng…

Một điểm mới đáng chú ý nữa là quy định sửa đổi, tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đây là một nét tiến bộ, bởi thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định hiện hành bao gồm cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết nên thời gian rất ngắn, gây khó khăn cho người xử phạt, nhất là lập biên bản vào ngày cuối tuần, nghỉ lễ, tết. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã sửa đổi theo hướng từ “tính ngày” sang “ngày làm việc” và tăng thời hạn xử phạt đối với trường hợp phải chuyển hồ sơ.

Luật mới đã sửa đổi, bổ sung thêm quy định được hoãn tiền phạt với tổ chức bị phạt tiền từ 100 triệu đồng trở lên và cá nhân bị phạt tiền từ 2 triệu đồng trở lên. Việc hoãn chỉ áp dụng với các trường hợp cá nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và đối với tổ chức đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh… 
Luật sửa đổi năm 2020 còn bổ sung trường hợp cưỡng chế khi cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. 

 Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI