TS Trần Du Lịch: 17 năm trước, từng rất hồ hởi khi nghe về trung tâm tài chính quốc tế

17/07/2019 - 12:11

PNO - Bước lên bục diễn giả để nói về xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế, tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ, giờ ông đã là người ngoài cuộc mất rồi…

Ngày 17/7, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo lắng nghe ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm hoàn thiện đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. 

Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ - đặt thẳng vấn đề với lãnh đạo TP.HCM: “Trước đây, tôi là người trong cuộc, là người chấp bút cho đề án này. Hơn 15 năm trước, đã có chủ trương nhưng không thành công, vì sao?”.

TS Tran Du Lich: 17 nam truoc, tung rat ho hoi khi nghe ve trung tam tai chinh quoc te
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, định hướng xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực phía Nam và sau đó là quốc tế đã được Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết 20 vào năm 2002, tức là cách đây 17 năm.

Năm 2006, TP.HCM giao cho ông khi đó đang là Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế TP.HCM biên soạn đề án xây dựng trung tâm tài chính đến năm 2010, tầm nhìn 2020.

Tháng 6/2010, đề án hoàn tất và trình TP.HCM nhưng rồi…thôi.

Tiến sĩ Trần Du Lịch nói: “Như vậy, rõ ràng 15-20 năm trước, TP.HCM đã nhận thức về một trung tâm tài chính quốc tế nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Câu hỏi đặt ra là vào lúc này, liệu TP.HCM có còn đóng vai trò đầu tàu trong phát triển thị trường tài chính cả nước hay không? Và có thể khẳng định vị trí trung tâm tài chính với các nước trong khu vực hay không?"

Ông tiếp: "Tôi đề nghị, chỉ khi nào xem đây là đề án mang tầm quốc gia, do Chính phủ thực hiện thì nó mới thành hiện thực. Nếu không, đề án này chỉ trở lại như những gì trong quá khứ. Trước đây, khi làm đề án này, tôi rất hồ hởi, hồ hởi hơn bây giờ nhiều…”.

TS Tran Du Lich: 17 nam truoc, tung rat ho hoi khi nghe ve trung tam tai chinh quoc te
Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là nơi đặt trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM

Trao đổi bên lề hội thảo, tiến sĩ Trần Du Lịch giải thích, so với 15 năm trước, vai trò đầu tàu trong thị trường tài chính của TP.HCM tự bản thân nó suy giảm chứ không hề tăng lên: “Một phần cũng là do các tỉnh thành khác phát triển mạnh lên. Vì thế, để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, trước hết phải khẳng định vị trí đầu tàu trong kinh tế cả nước. Nếu mất vị trí này, đừng bao giờ nhắc về vị trí trung tâm tài chính quốc tế nữa”.

Tiến sĩ  Trần Du Lịch lưu ý thêm, TP.HCM phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. 3 đặc điểm phải vượt trội của TP.HCM so với các địa phương khác phải là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Ông khẳng định: “Hoạt động kinh tế thị trường của TP.HCM phải mang tính thị trường nhất. Nếu không thế, không phải là TP.HCM. Nếu trước đây, TP.HCM là nơi mà dân cư 63 tỉnh thành đến lập nghiệp thì nay TP.HCM phải là nơi dân cư đến khởi nghiệp”.

Trung tâm tài chính quốc tế được hiểu là một không gian đô thị tập hợp các dịch vụ tài chính, khách hàng và tổ chức cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng. Phạm vi hoạt động và lưu chuyển dòng vốn vượt ra ngoài biên giới quốc gia, tuân theo chuẩn mực quốc tế, với quy mô và ảnh hưởng nhất định xét trên góc độ nghiệp vụ hay cấp độ địa lý. Có 4 loại hình trung tâm tài chính cơ bản: trung tâm tài chính toàn cầu (GFC); trung tâm tài chính khu vực (RFC); trung tâm tài chính hải ngoại (OFC); trung tâm tài chính nội địa (DFC).

Đề cương sơ bộ đề án sẽ đề xuất và phác họa sơ bộ tầm nhìn về trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM đến năm 2035 và xa hơn. Sau khi đề án sơ bộ được thông qua, đề án nghiên cứu khả thi sẽ được xây dựng vào tháng 10/2020.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI